Vốn làm ăn sinh sống tại phố Cầu Guột, cách huyện lỵ Phú Xuyên, Hà Đông (nay là Hà Nội) khoảng một cây số về phía nam, gia đình tôi “chạy loạn” lên Hà Nội từ sau sự kiện phát xít Nhật đảo chính cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp. Nhờ vậy, tôi được chứng kiến những sự kiện lớn diễn ra ở Thủ đô sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Mặc dù Bác Hồ đã dày công tiến hành hoạt động ngoại giao để duy trì hòa bình, song quân Pháp trở lại Hà Nội sau Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và ngang nhiên khiêu khích. Lúc bấy giờ, bọn lính lê dương mà dân ta gọi là “lính mũ đỏ” nghênh ngang phóng xe trên đường phố, mặt đỏ gay vì say rượu, có khi còn chọc ghẹo đàn bà, con gái làm cho dân ta uất ức tận cùng. Chúng gây hấn ở Hải Phòng và ông chú tôi đã hy sinh trong trận chiến ở Cầu Rào khi chống lại chúng vào năm 1946.
 |
Chiến sĩ ôm bom ba càng trong mặt trận Hà Nội. Nguồn ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam |
Trong bầu không khí sặc mùi thuốc súng, quân dân ta ra sức chuẩn bị kháng chiến, các chiến sĩ “sao tròn” (Vệ quốc đoàn) và “sao vuông” (Tự vệ) ngày đêm tuần tra trên đường phố; thường dân lục tục đi “tản cư” khỏi thành phố. Chiều 19-12, anh em tôi cũng theo gia đình bà bác xuống thuyền chạy về Thuận Thành (Bắc Ninh), trong khi bố và các anh chị lớn con bác ở lại Hà Nội tham gia chiến đấu.
Khi thuyền qua gầm cầu Long Biên và cầu Đuống, chúng tôi còn nghe thấy tiếng giày đinh lộp cộp và tiếng chuyện trò xì xồ của bọn lính Pháp tuần tra trên mặt cầu. Vừa qua cầu Đuống vài trăm mét thì nghe thấy tiếng súng ầm ầm rung, nhìn về Hà Nội thấy lửa cháy rực, khói lửa rợp trời đúng như lời nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi mô tả trong bài hát "Người Hà Nội": “Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên!”.
Phải gần một thập kỷ sau, Hiệp định Geneva (năm 1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương mới được ký; một trong những nhân tố quyết định đưa tới sự kiện này ấy là chiến thắng lẫy lừng của quân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sự kiện thứ hai liên quan tới trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra cũng vào tháng 12-1972. Lúc ấy, tôi được cử đi phục vụ Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh sang Liên Xô dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên bang Xô viết. Dừng chân ở Bắc Kinh, bỗng thấy đồng chí Lê Đức Thọ, cố vấn đoàn đàm phán của ta tại cuộc hòa đàm Paris vội vã tới nhà khách gặp đồng chí Trường Chinh thông báo đoàn Mỹ lật cờ, đòi sửa nội dung dự thảo hiệp định hai bên đã thỏa thuận và dự báo có thể Mỹ sẽ có hành động khiêu khích chống nước ta.
Quả nhiên khi chúng tôi vừa tới Moscow thì nghe tin máy bay B-52 của Mỹ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng cũng như một số địa phương khác. Quân dân ta lại đứng lên đánh trả quyết liệt, giành chiến thắng giòn giã, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng. Nhân lúc ở Moscow, đồng chí Trường Chinh đã gặp lãnh đạo Liên Xô đề nghị bạn cung cấp bổ sung gấp tên lửa phòng không vì kho dự trữ của ta đang cạn dần và bạn đã nhanh chóng đáp ứng.
Hôm đoàn về tới sân bay Gia Lâm thì thấy sân bay đèn le lói, cả TP Hà Nội tối om, một trong hai chiếc chuyên cơ IL-18 do Liên Xô tặng cháy rụi, trên phố, cây xanh và cột điện đổ ngổn ngang. Về tới nhà thì cả gia đình đều đã đi sơ tán và hôm sau, tôi cũng phải lên khu sơ tán của Bộ Ngoại giao. Ít ngày sau, tôi nhận được lệnh về ngay thành phố để đi phục vụ Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh sang Paris ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Như vậy, nếu không có chiến thắng vang dội của quân dân ta trong trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12-1972 thì chắc sẽ không có Hiệp định Paris năm 1973 như ta được biết. Một lần nữa, lịch sử lại chứng minh tính đúng đắn ý tưởng của Bác Hồ: "Phải trông ở thực lực... Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn".
Một trong những nhân tố tạo nên “thực lực” ấy là Quân đội nhân dân Việt Nam, với tên gọi thân thương “những người lính Cụ Hồ” mà tôi được thấy từ khi còn nhỏ. Số là ngôi nhà gia đình tôi thuê nằm ở phố Hàng Muối, gần đầu cầu Chương Dương hiện nay. Từ vị trí ấy, lũ trẻ chúng tôi từng chạy ra xem đoàn Giải phóng quân của ta từ Việt Bắc qua cầu Long Biên về Hà Nội năm 1945. Đó là một đội quân tề chỉnh song quần áo rất đa dạng, vũ khí rất thô sơ. Đội quân ấy tiến vào Thủ đô khá lặng lẽ chứ không tưng bừng như khi quân ta tiến vào tiếp quản Hà Nội năm 1954 hay giải phóng Sài Gòn năm 1975.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cũng ra đời vào ngày 22-12-1944. “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Lời tiên đoán ấy của Bác Hồ đã trở thành hiện thực, hơn những thế, đội quân ấy hiện nay còn tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thực hiện nhiệm vụ cao cả tận bên trời Phi, góp phần làm rạng rỡ non sông, đất nước ta; nâng cao uy tín và vị thế của nước Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nguyên Phó thủ tướng VŨ KHOAN