QĐND - Lớp lớp măng non trên mảnh đất quê hương Duy Tiên, Hà Nam vẫn truyền nhau câu hát: "Anh Dương Văn Nội mười lăm xuân xanh, mà từng chiến đấu xông pha tung hoành”, lời bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã gợi cho chúng ta nhớ đến tấm gương người đội viên anh dũng bất khuất-liệt sĩ anh hùng Dương Văn Nội đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một tượng đài không bao giờ quên lãng.

Men theo những cánh đồng lúa tít tắp, chúng tôi tìm về thôn Lỗ Hà, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Người dân nơi đây chỉ đường cho chúng tôi vào nhà ông trưởng tộc Dương Văn Nguyên (em họ liệt sĩ). Trước đây, ông Nguyên đã có lần cùng bà Dương Thị Cần (em ruột liệt sĩ) về làng Sấu Giá-nơi anh hùng Dương Văn Nội ngã xuống để tìm lại phần mộ của liệt sĩ.

Tượng đài “Tiếng bom Sấu Giá” đặt tại thôn Đắc Sở, xã Yên Sở, nơi tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh thôn Sấu Giá vào tháng 4-1947.

Trong mái từ đường ấm áp của dòng họ Dương, ông Nguyên kể cho chúng tôi tấm gương cảm tử của anh hùng Dương Văn Nội. Theo lời kể của ông Nguyên, anh Dương Văn Nội sinh năm 1932, quê gốc ở Duy Tiên, Hà Nam nhưng lớn lên ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Cha anh không may lâm trọng bệnh mất sớm khi anh mới 13 tuổi, mẹ đi bước nữa. Chứng kiến bao tội ác của thực dân Pháp với đồng bào ở phố Nhà Dầu, quán cơm Hỏa Xa, nhà chè Phú Xuân và ga Hàng Cỏ nơi chúng án ngữ, cậu bé 13 tuổi, dáng người nhỏ thó, cây súng đeo trên vai còn cao hơn đầu đã “góp một tay súng” cho Đội Thiếu niên cứu quốc Thủ đô. Người đội viên nhí trở thành “bồ câu đưa thư” cho Đại đội tự vệ Thăng Long. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng anh đã dũng cảm, mưu trí đêm đêm đi do thám các trại lính của địch về báo cáo cho sở chỉ huy. Người đội viên dũng cảm ấy tham gia nhiều trận chiến đấu chống càn, kìm chân địch, mở “đường máu” để Trung đoàn Thủ Đô bí mật rút lui an toàn. Ngày 18-2-1947, khi lực lượng vũ trang đã rút khỏi Thủ đô, thực hiện chỉ thị “bảo toàn lực lượng, kháng chiến lâu dài”, đơn vị anh được lệnh rút về đóng tại chợ Giang Xá, thị trấn Trôi (Hoài Đức), sau đó tiếp tục lui quân về làng Sấu Giá (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây), cách Hà Nội 20km.

Tình hình chiến sự trong nội thành ngày một quyết liệt, làng Sấu Giá trở thành “hầm trú ẩn” an toàn cho bộ đội, du kích. Họ chia sẻ với nhau từng mớ rau, bát gạo, nhường giường chiếu giúp các thương binh, chiến sĩ ổn định sinh hoạt. “Chia lửa” với Thủ đô, Dương Văn Nội cùng già trẻ trai gái trong làng ngày đêm thay nhau đi phá đường. Đường giao thông liên xã chạy qua đây đều bị phá hủy, đào thành những hố sâu chằng chịt, hạ đốn cây ngổn ngang trên đường. Những ụ đất, bãi cọc được dựng lên khắp tuyến đê sông Đáy. Hào lũy quanh làng được dấp thêm dong gai để chặn bước tiến quân địch. Mỗi hộ dân đều có ý thức thực hiện “vườn không nhà trống”, chôn giấu của cải lương thực. Nồi đồng, mâm đồng, đỉnh đồng, bát sứ… nhiều nhà đã dìm xuống đáy ao hồ cất giữ. Nhiều gia đình có nhà kiên cố kiên quyết tháo dỡ không cho địch chiếm đoạt lợi dụng.

Đánh chiếm được Hà Nội, giặc Pháp tập trung lực lượng mở rộng phạm vi chiếm đóng ra ngoại thành. Đầu tháng 4-1947, chúng mở hai mũi tiến công ra xứ Đoài. Một cánh theo hướng tây nam đánh chiếm Quỳnh Đô, Hà Đông, Mai Lĩnh. Một cánh theo hướng tây bắc đánh chiếm Chèm, Mai Dịch, Phú Diễn qua Phùng vào đê tả sông Đáy xuống đánh chiếm thôn Thanh Quang (xã An Thượng) với dã tâm lập vành đai để bảo vệ Hà Nội.

Về phía ta, mặc dù đã có sự chuẩn bị, song vì không phát hiện được địch từ xa nên lực lượng chiến đấu và dân làng Yên Sở bị bất ngờ. Khi những chiếc xe của địch từ Phùng đi xuống cầu Ngõ Kỳ, nhiều bà con ngỡ là xe của ta chở thương binh về bèn kéo nhau ra đón. Lúc biết là địch thì đã muộn. Bọn địch thấy khu vực trường học lúc này có nhiều người qua lại, nguy hiểm hơn là nhiều đồ vải trắng vẫn còn phơi quanh đó. Nghi là khu điều trị thương binh của ta, chúng lập tức đổ quân ập tới bắn xối xả. Các hộ lý, y tá và lực lượng tự vệ ra sức chống đỡ. Trung đội của Dương Văn Nội chiến đấu quyết liệt, hạ được một số xe quân sự, tiêu diệt 50 tên, giải thoát cho nhiều đồng bào bị địch bắt. Riêng Dương Văn Nội dùng súng trường bắn mạnh về phía quân thù, tiêu diệt 3 tên giặc Pháp. Không may, trong quá trình chiến đấu, anh trúng đạn, anh dũng ngã xuống mảnh đất Yên Sở khi vừa tròn 15 tuổi.

Ghi nhận và tôn vinh những chiến công bất khuất của người thiếu niên anh hùng, Dương Văn Nội được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhì. Ngày 23-7-1997, đồng chí được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Bức tượng đài liệt sĩ Dương Văn Nội được UBND huyện Duy Tiên khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2015) tại Trường Tiểu học Chuyên Ngoại, xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên, Hà Nam)-quê hương liệt sĩ.

Bài và ảnh: NGUYỄN AN