NGÀI TRÙM TÌNH BÁO NHẦM TO

QĐND - Cố Thư ký riêng của Bác Hồ, ông Vũ Kỳ (1921-2005) mỗi khi kể hay viết về 16 tháng nóng bỏng: từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, thường dùng những câu mô tả chính quyền nhân dân “còn trong trứng nước”, hoặc “đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc”. Chỉ duy nhất có Bác Hồ với Trung ương Đảng ta mới đủ bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo về chiến lược, linh hoạt về sách lược lùi để tiến, dùng kế sách “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để tranh thủ phân hóa hay cô lập từng đối tượng cụ thể mà “thêm bạn bớt thù”, dành thêm thời gian chuẩn bị nhân lực, vật lực, sẵn sàng cho cuộc kháng chiến. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Lơ-cléc và Xanh-tơ-ni tại Bắc Bộ Phủ ngày 18-3-1946. Ảnh tư liệu

Ngày 6-3-1946, Hồ Chủ tịch ký cùng Xanh-tơ-ni bản hiệp định sơ bộ, đồng thời, Xanh-tơ-ni và tướng Xa-lăng ký với Võ Nguyên Giáp bản phụ ước việc quân Pháp thay quân Tàu tiếp nhận quân Nhật đầu hàng. Ngày 14-9 sau 3 tháng rưỡi, ở Pháp (từ 31-5-1946) không thể về “tay không”, càng quá nguy hiểm, Bác Hồ phải đặt bút ký với Bộ trưởng Hải ngoại Mu-tê cái gọi là Tạm ước 14-9 rồi trở về nước bằng đường biển.

Anh em được tháp tùng Bác về sau kể chuyện vui, càng thể hiện thiên tài “ứng vạn biến” của Người. Bác cho Vũ Hồng Khanh ngồi cùng dự tranh luận với Xanh-tơ-ni, vì các vị tay sai Tàu rất sợ Pháp quay lại thì họ phải cuốn xéo về lại nước Tàu. Ông Khanh này càng đòi hỏi quá khích bao nhiêu càng nổi bật thái độ ôn hòa của Bác, cũng tác động ít nhiều đến ngài Xanh-tơ-ni đối thoại “sắt đá” đang mơ chức Ủy viên Cộng hòa Pháp. Ngài tuyên bố kiên quyết “không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để lập lại quyền lợi chính đáng của Pháp trên dải đất mênh mông đặt dưới quyền điều khiển của tôi”.

Bác nhẹ nhàng, mềm mỏng tranh luận từng câu, từng chữ. Ta đòi “Việt Nam độc lập”. Đối phương chỉ dùng chữ “Tự trị”, cuối cùng phải đồng thuận: Nước Pháp công nhận nước Việt Nam… “Tự do” do Bác đưa ra. Ngồi đối diện với Xanh-tơ-ni, Người hút thuốc lá liên tục, có khi hút cả loại thuốc Gô-loa của Pháp rất nặng để sẵn trên bàn. Tối về ho nhiều, anh em khuyên Bác nên bớt hút, Bác cười: Buộc phải hút “ngoại giao” thôi để họ tưởng mình suy nghĩ lung lắm. Kỳ thực, quanh quẩn vẫn là lập trường ban đầu thôi. Mình, họ đều thế cả. Chỉ khác mình chủ động, họ bị động...

Trở lại vấn đề chính. Sau ngày 6-3, ta bắt được tài liệu mật của địch đề ngày 10-4-1946, nêu rõ Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh các cấp, các nơi khẩn trương điều tra nắm vững tình hình mọi mặt của đối phương, lập các đội biệt kích, có phương án theo dõi, bắt cóc, thủ tiêu cán bộ ta, sẵn sàng tấn công quân sự, làm đảo chính, cướp chính quyền.

Về phía ta, mọi hoạt động đều cố gắng diễn ra bình thường để che mắt địch. Sự thực, ngày 9-3, Trung ương ra chỉ thị “Hòa để tiến”. Sau tạm ước 14-9, ngày 19-10, khi thông báo hạm Đuy-mông Đuyếc-vin (Dumont Durville) đưa Bác từ Pháp về Hải Phòng đã an toàn, thì khai mạc Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng. Hội nghị nhận định: “Sớm muộn gì, Pháp sẽ đánh mình, mình cũng nhất định phải đánh Pháp”… Phải luôn luôn đề phòng, đề phòng hơn trước kia…

Ngày 5-11, Bác gõ máy chữ một tài liệu lịch sử: “Công việc khẩn cấp bây giờ”, nêu rõ: “Dù địch thua đến 99%, nó cũng ráng sức cắn lại. Vì nó thất bại ở Việt Nam, thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc nó sẽ tan hoang…”. Người dự kiến đầy đủ mọi mặt cho dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến qua mấy năm sẽ đến thắng lợi. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng theo chỉ dẫn của Bác, trở lại Việt Bắc xây dựng căn cứ địa ATK (An toàn khu), các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng được lệnh tổng di chuyển ra khỏi Hà Nội.

Ngày 20-11, các báo đăng lời kêu gọi của Chủ tịch nước Tìm người tài đức kiến thiết nước nhà. Ngày 27-11, Người kêu gọi thành lập quỹ Nghĩa thương… Thế nhưng, trước đó, tối 26 được coi là ngày chính thức Hồ Chủ tịch ra khỏi nội thành nghỉ đêm sau giờ làm việc ở Bắc Bộ Phủ. Các đơn vị Đàm Quang Trung đặc trách bảo vệ lãnh tụ vẫn được “lộ diện” rải quanh nơi ở chính thức của Chủ tịch nước tại số 8 Lê Thái Tổ, gần sau nhà Thủy Tạ Bờ Hồ và rải rác dọc đường chiếc xe Ford cũ mui vải do Hà Ngọc Nguyên lái sáng chiều đưa cụ Chủ tịch đi về tới dinh Chủ tịch. Nhưng người ngồi trong xe lại là lương y Đặng Văn Cáp giúp việc Bác từ năm 1928 ở Thái Lan, qua Trung Quốc, cùng về nước năm 1941, có dáng hao hao giống Bác, nhất là bộ râu, trán cao nho nhã, đội mũ cát. Có hôm trời tối nhá nhem chỉ thấy rõ chiếc mũ. Bọn phòng Nhì Pháp không thể ngờ Cụ Hồ ngồi xe rời nơi làm việc 12 Ngô Quyền đi lòng vòng qua vài phố vắng không thấy “có đuôi bám” thì đến chỗ hẹn, Bác xuống xe khác do Phạm Văn Nền lái đến những địa điểm khác nhau ngoài ven đô đã được đồng chí Sao Đỏ Nguyễn Lương Bằng bố trí sẵn. Hỗ trợ cho các phương án bảo vệ lãnh tụ, rất quan trọng, còn có mạng lưới giăng khắp các đường phố là “tai mắt của nhân dân”…

…Ngày 2-12, Xanh-tơ-ni được lệnh bay vội từ Pa-ri sang Hà Nội để kiểm tra lại “mục tiêu số 1” ở số 8 Lê Thái Tổ và Bắc Bộ Phủ xem có gì thay đổi không để Bộ chỉ huy Pháp ấn định cụ thể ngày giờ “cất gọn mẻ lưới cuối cùng”. Vừa may được tin cụ Chủ tịch ốm, ngài đại diện đề nghị đến thăm ngay.

Rạng sáng ngày 3-12, Bác từ Vân Canh về làm việc suốt ngày ở một phòng khác tầng dưới Bắc Bộ Phủ. 18 giờ Xanh-tơ-ni tới, được dẫn lên một phòng nhỏ bên trái trên gác hai. Người dẫn đường xin lỗi khách về sự cố điện không sáng chưa kịp khắc phục. Cụ Chủ tịch mong vị khách Pháp thông cảm phải nằm tiếp vì mấy ngày ốm mệt. Khách khó giấu nổi niềm vui lộ trên nét mặt. Có lẽ ngài nghĩ kế hoạch đánh úp vậy là ổn rồi.

Ngay tối hôm đó, đồng chí Trần Đăng Ninh đón Bác về nhà “cậu Tú” ở làng Vạn Phúc, Hà Đông họp Thường vụ Trung ương bàn kế hoạch phá tan âm mưu cướp chính quyền tại Hà Nội của thực dân Pháp vào sáng 20-12 bằng liệu pháp “dĩ độc trị độc”: chủ động mở cuộc tổng công kích mở đầu từ việc nã pháo vào các trại lính Pháp từ các trận địa pháo ở Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Đào Xuân An vào đúng 20 giờ ngày 19-12 theo quy định khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Xin mời đồng bào cả nước đón nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đó là hiệu lệnh cho công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ phá máy, điện tắt toàn thành phố: Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu.

Quân Pháp bị đòn phủ đầu choáng váng. Ngài Ủy viên Cộng hòa càng đau đớn đến ngất xỉu vì xe bị vướng mìn Việt Minh trên phố Tràng Thi, may được viện binh đến cứu kịp đưa đi phẫu thuật. Ngài bị một đòn nghi binh nhớ đời.

Trưa hôm sau, ngày 20-12, tin chiến sự truyền sang Pa-ri, Thủ tướng Pháp L.Blum gửi bức điện xã giao tỏ ý tiếc với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng Ủy viên Xanh-tơ-ni bị thương nặng v.v.. Ngày 23-12, Bác Hồ điện lại cho Pháp đỡ bẽ mặt rằng: “Tôi nhờ một sự may mắn vô cùng đã thoát khỏi những làn đạn của quân đội Pháp tấn công vào Dinh của tôi…”.

SỰ CẢM PHỤC VÀ HỐI TIẾC MUỘN MÀNG

Cũng như cuộc xâm lược sau này của Mỹ ở Việt Nam, những người cầm đầu bộ máy chiến tranh cỡ như Mắc Na-ma-ra, Kít-xinh-giơ… đều tỏ ý lấy làm tiếc không hiểu biết sớm hơn về Việt Nam. Về sự kiện đêm 19-12, xin dẫn hai nhân chứng. Đại tá Héc-ken - người trực tiếp chỉ huy đánh vào nơi ở và làm việc để “bắt sống” Hồ Chí Minh đã kể lại: “Ở cả hai nơi này đều trống không, chỉ có những người bảo vệ vừa chiến đấu vừa hát vang cho đến người cuối cùng. Lạ nữa, trên sân thượng Tòa khâm sứ cũ có một chiến sĩ vẫn chơi đàn măng-đô-lin cho đến khi bị bắn thủng ngực ngã xuống mới thôi”.     

Riêng ngài Xanh-tơ-ni thoát chết đêm 19-12-1946 vẫn nhiều “duyên nợ” với Việt Nam: tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ, làm Tổng lãnh sự Pháp tại Hà Nội năm 1954, tổ chức cuộc tiếp xúc bí mật ở Pa-ri năm 1969 giữa Kít-xinh-giơ và đại diện Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trước ngày mất (1907–1978), ông đã kịp công bố tập hồi ký có đoạn giãi bày như sau: Từ khi gặp ông Hồ Chí Minh lần đầu tiên, tôi đã có cảm tưởng là con người khổ hạnh đó có nét mặt biểu lộ cả trí thông minh và nghị lực, lẫn mưu trí và tế nhị, là một người siêu đẳng chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành một nhân vật chính trị nổi bật trên diễn đàn châu Á…

Kiến thức rộng rãi, trí thông minh cùng với sức hoạt động lạ lùng, khả năng chịu đựng mọi kham khổ và lòng vị tha không bờ bến của ông đã đem đến cho ông uy tín và sức thuyết phục không ai có thể sánh nổi. Thật đáng tiếc là nước Pháp đã đánh giá quá thấp con người ấy, đã không hiểu được giá trị và sức mạnh của bậc vĩ nhân ấy…

Trịnh Tố Long