QĐND - Sáng sớm ngày 7-7, tôi nhận điện thoại của cháu Lê Hoàng Phương Nga, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nức nở báo tin:

- Chú ơi, bà ngoại của cháu mất rồi.

Tôi sững sờ, nước mắt trào ra… Bà ngoại của Phương Nga là bà Yvonne Badet (tức Nguyễn Thị Dung), vợ của cố giáo sư Hoàng Minh Giám, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).

Bà Yvonne Badet và chồng - Giáo sư Hoàng Minh Giám thời trẻ. Ảnh do gia đình cung cấp

Tôi quen biết gia đình bà Yvonne Badet từ hơn chục năm trước khi còn là phóng viên Phòng biên tập Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của Báo Quân đội nhân dân. Bà Yvonne Badet sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá đặc biệt. Thân phụ của bà là cụ Jean Badet, người Pháp, sinh trưởng tại Pa-ri, Giám đốc Ngân hàng Đông Dương vào những năm đầu của thế kỷ 20. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Tuất, một hoa khôi của Hà Nội lúc bấy giờ. Bà Yvonne Badet còn có tên thuần Việt là Nguyễn Thị Dung (theo họ mẹ), từng theo học Trường Trưng Vương (trường học của nhiều cô gái con nhà khá giả ở Hà Nội lúc ấy). Khi trưởng thành, bà làm việc tại Ngân hàng Đông Dương với chức vụ thư ký (từ 1938-1942). Trong thời gian này, bà đã quen ông Hoàng Minh Giám, khi đó là Hiệu trưởng Trường Thăng Long-Hà Nội. Sau một thời gian, hai người quyết định tiến tới hôn nhân.

Ông Hoàng Minh Giám là bạn thân với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1945, ngay khi từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mời ông Hoàng Minh Giám tham gia Chính phủ lâm thời và ngày 30-8-1945, ông Hoàng Minh Giám nhận chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ. Cùng ngày, ông cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thiếu tá tình báo Mỹ Archimedes L.A.Patti, Trưởng phái bộ OSS. Vợ chồng ông Hoàng Minh Giám đã được Bác Hồ tin tưởng giao cho những nhiệm vụ đối ngoại quan trọng.  

Hai người con đầu của ông bà, một trai, một gái đều mất sớm do dịch bệnh. Đến năm 1946, bà sinh hạ được một người con trai vào đúng ngày 19-5, được Bác Hồ chúc mừng và đặt tên là Hoàng Vĩnh Hồ.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông Hoàng Minh Giám tham gia kháng chiến. Bà Yvonne Badet ở lại Hà Nội, gác lại toàn bộ công việc để chuyên tâm chăm lo gia đình, gia tộc, trở thành hậu phương vững chắc để chồng yên tâm tham gia cách mạng.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông Hoàng Minh Giám trở về Hà Nội, đảm nhận nhiều trọng trách trong Chính phủ (Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội…); bà Yvonne Badet vẫn chuyên tâm vai trò nội trợ, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chồng, nuôi dạy con cái nên người. Con cháu ông bà đều trở thành những người có nhiều đóng góp cho xã hội.

Mang trong mình hai dòng máu Pháp-Việt, nhưng bà Yvonne Badet lại là hình mẫu của người con gái Việt Nam nết na, hiền thảo. Trải qua nhiều biến cố cuộc đời, sau ngót một thế kỷ, bà Yvonne Badet (Nguyễn Thị Dung) đã là nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của Việt Nam từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bà còn là cầu nối thâm giao của gia đình với Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-núc trong thời gian ông Hoàng Minh Giám làm thầy giáo của Quốc vương.

ĐỖ PHÚ THỌ