Vẫn biết “sinh lão bệnh tử” là quy luật không ai tránh khỏi, nhưng tin “vị tướng nặng lòng tri ân” về cõi thiên thu khiến tôi không khỏi hụt hẫng. Vì với tôi, ông là một nhân cách lớn, một con người có trí tuệ mẫn tiệp và luôn đau đáu với sự phát triển của quê hương, đất nước.
Năm 2010, được ông tin cậy, tôi chấp bút thể hiện cuốn hồi ký “Quê hương và đồng đội” (Nhà xuất bản QĐND-2011). Nhờ đó, tôi đã biết về ông, một vị tướng tình báo trọn đời đi theo cách mạng với nguyện vọng cuối đời: “Tôi chỉ mong làm được nhiều hơn nữa để đền ơn những con người đã cưu mang bản thân cũng như đơn vị trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Âu cũng là thực hiện cuộc vận động lớn do Đảng ta phát động”.
Thiếu tướng Trần Tiến Cung được sinh ra trong một gia đình có nguồn gốc tiểu tư sản ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Cha ông theo cách mạng, bị thực dân Pháp tù đày và tịch thu hết gia sản. Mẹ mất khi ông chưa tròn 3 tuổi. Vì vậy, tuổi thơ của Trần Tiến Cung là một chuỗi ngày phiêu dạt hết Quảng Ngãi đến Hội An (Quảng Nam). Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa những con người nghèo khổ từ vị trí thấp hèn trong xã hội lên làm chủ đất nước, đó cũng là bước ngoặt của cuộc đời Thiếu tướng Trần Tiến Cung. Ông kể ngày đó được chú Trần Cẩm Phiêu, Bí thư Đảng bộ xã Nghĩa Hòa giao nhiệm vụ tập hợp, chỉ huy lực lượng thanh thiếu niên đi cướp chính quyền. Sau đó, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với quân đội, có không ít kỷ niệm sâu sắc trong lòng vị tướng tình báo, nhưng ông luôn tâm niệm: “Tôi không thể nào quên công ơn của nhân dân vùng Gò Nổi, Quảng Nam đã nuôi dưỡng, cưu mang, đùm bọc Cụm tình báo miền Trung trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh. Mặc cho địch càn quét lùng sục, họ vẫn thản nhiên đi vào chốn sinh tử với câu nói cửa miệng “Dễ òm! Chi cái đồ yêu”. Chính những con người ấy đã nhen nhóm trong tôi ý nghĩ: “Nếu còn sống đến ngày chiến thắng thì phải dốc lòng báo ân nhân dân nơi đây”.
Năm 2000, Phó tổng cục trưởng Tổng cục 2 Trần Tiến Cung rời môi trường quân ngũ trở về đời thường với quân hàm Thiếu tướng. Những tưởng gác việc quân sẽ có thời gian lo việc tri ân, nhưng tổ chức tín nhiệm bầu ông giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng. Công việc mới tuy vất vả, song cũng là dịp để người cán bộ tình báo nhiều duyên nợ với xứ Quảng tìm hiểu thêm về cuộc sống hiện tại của nhân dân. Ông quan niệm: “Nếu thời trai trẻ cống hiến cho cách mạng là niềm tự hào thì khi về hưu tham gia các hoạt động từ thiện, tri ân mới thấy cuộc đời mình có ý nghĩa”.
 |
Thiếu tướng Trần Tiến Cung dự lễ trao học bổng cho học sinh giỏi xã Điện Trung (Điện Bàn, Quảng Nam). |
Trong hành trình làm nên “ý nghĩa cuộc đời” của Thiếu tướng Trần Tiến Cung luôn có hình ảnh của người vợ yêu quý - bà Nguyễn Thị Phán, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, một trong những người sáng lập trung tâm nuôi dạy trẻ em lang thang cơ nhỡ.
Nhiều năm liền, ông bà đã lặn lội đến vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai hoành hành để ghi chép, thống kê danh sách cần giúp đỡ và kêu gọi sự ủng hộ của con cháu, đồng chí, đồng đội, các nhà hảo tâm. Số tiền, hàng hóa do Thiếu tướng Trần Tiến Cung trực tiếp đóng góp và vận động giúp đỡ được chuyển đến đồng bào lớn đến mức ông thể nào nhớ hết.
Đặc biệt, năm 2011, ông thành lập quỹ khuyến học ở Gò Nổi (gồm 3 xã: Điện Trung, Điện Phong và Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thiếu tướng Trần Tiến Cung tâm sự: “Để ghi nhớ công ơn nhân dân các xã vùng Gò Nổi đã nuôi dưỡng cá nhân tôi cũng như Cụm tình báo H.32 trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi đã vận động gia đình, đồng đội và bạn bè xây dựng quỹ khuyến học với mục đích giúp đỡ các cháu có điều kiện học hành. Lúc đầu, tôi xác định gọi là Quỹ khuyến học Gò Nổi, nhưng cán bộ chính quyền cũng như nhân dân địa phương không nhất trí. Họ yêu cầu quỹ này phải mang tên tôi, nghĩa là Quỹ khuyến học Trần Tiến Cung. Tôi xin chữa lại là Quỹ khuyến học Điện Trung do tôi làm chủ tịch danh dự. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, quỹ đã được các tấm lòng hảo tâm đóng góp trên 150 triệu đồng”. Bên cạnh việc báo đáp công ơn của nhân dân vùng Gò Nổi, Thiếu tướng Trần Tiến Cung còn tham gia xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách ở xã Nghĩa Hòa như: Võ Thị Khánh, Phạm Thị Trà. Mỗi lần từ Đà Nẵng vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm con cháu, vị tướng già không quên đến các doanh nghiệp, cơ quan xin viện trợ, giúp đỡ các địa phương vùng sâu, vùng xa ở Đà Nẵng còn nhiều khó khăn. Kết quả, ông đã mang về hàng trăm bộ quần áo tặng đồng bào các xã Hòa Bắc, Hòa Ninh... (Hòa Vang, Đà Nẵng). Ngoài ra, gia đình Thiếu tướng Trần Tiến Cung còn nhận đỡ đầu một cháu là con mồ côi đang học tập tại Đà Nẵng, đảm bảo chu cấp cho cháu học tập từ lớp 1 đến lớp 12.
Công việc của người lính khiến tôi không thể thường xuyên ghé thăm ông, bài viết này như một nén tâm nhang tiễn đưa vị tướng tình báo về bên kia thế giới. Những gì ông đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, những hoạt động thiện tâm khi về với đời thường luôn là bài học cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG