Từ một Chi cục trưởng Chi cục vận tải Liên khu Việt Bắc (1951), Cục trưởng Cục hậu cần Quân giải phóng miền Nam (1968-1975), ông trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1977-1989), kiêm Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần (1977-1981). Ông được bầu làm ủy viên BCH TƯ Đảng khóa IV và V; Đại biểu Quốc hội khóa VII và VIII.

Thượng tướng Bùi Phùng, tên thật là Bùi Văn Thận, sinh ngày 10-9-1920, tại làng Lời, xã Đặng Xá, Gia Lâm, trước đây thuộc tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc thành phố Hà Nội. Sớm giác ngộ tình yêu quê hương đất nước, căm thù giặc ngoại xâm, ông đã bước vào con đường hoạt động cách mạng từ lúc mới 17 tuổi, tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ở Gia Lâm. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch ủy ban Cách mạng lâm thời Gia Lâm và sau đó giữ nhiều cương vị trọng trách ở Tỉnh ủy Bắc Ninh, Liên khu ủy Việt Bắc. Giữa năm 1950 được điều vào quân đội và suốt từ đó ông gắn bó với công tác hậu cần, chăm lo cơm áo, sức khỏe và vũ khí đánh giặc.

Thượng tướng Bùi Phùng
Cuối năm 1950, Chiến dịch Biên Giới thắng lợi vang dội, giải phóng cả một khu vực rộng lớn dọc theo biên giới Việt Nam với Trung Quốc, tạo điều kiện nối liền nước ta với các nước XHCN anh em, mà thời bấy giờ chúng ta thường gọi là “Hậu phương lớn”. Trong tình hình đó, Bác Hồ quyết định trực tiếp đi thị sát các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Phú Thọ để nghiên cứu phương án tối ưu tổ chức hệ thống kho tàng và xây dựng mạng lưới đường sá sao cho bảo đảm chắc chắn việc cung cấp lương thực và vũ khí cho tiền tuyến, đồng thời cũng là để chăm lo đời sống cho nhân dân các địa phương. Bùi Phùng và một số cán bộ khác được cử đi tháp tùng chuyến công tác của Bác. Gần ba tuần lễ theo chân Bác, được Bác trực tiếp chỉ bảo những điều căn bản nhất, quan trọng nhất của công tác hậu cần nhân dân, Bùi Phùng khắc sâu trong tâm khảm và suốt đời phấn đấu thực hiện.

Khi đã trở thành Thượng tướng, giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hồi tưởng về những ngày ấy, ông viết: “Sau này làm công tác hậu cần ở chiến trường xa xôi (B2), tôi càng thấm thía sâu sắc rằng, tiền tuyến từng giờ từng phút trông chờ sự tiếp sức của hậu phương như đứa con khát đang chờ dòng sữa mẹ… Làm tốt công tác hậu cần, hậu phương quân đội, phải dựa vào sức dân là chính. Đó là quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng. Cả cuộc đời binh nghiệp gắn bó với công tác hậu cần, những điều Bác dạy về xây dựng hậu phương, về quan điểm quần chúng, về hậu cần nhân dân, về sự quan tâm chăm sóc đến đời sống chiến sĩ, tôi vẫn thấy như lúc nào cũng mới mẻ, lúc nào cũng văng vẳng bên tai lời nhắc nhở của Bác: “Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa có áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét” và “Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng tới chiến sĩ. Đó là bổn phận của các chú…”.

Mùa hè năm 1964, Bùi Phùng lên đường đi B. Ban đầu ông được giao nhiệm vụ Cục phó và từ tháng 7-1968 đến tháng 12-1975, ông đảm đương cương vị Cục trưởng Cục hậu cần B2. Ngay từ ngày đầu vào công tác ở hậu cần B2, dù ở cương vị nào ông luôn giữ vững tác phong quần chúng, giản dị, khiêm tốn, sống rất chan hòa với mọi người, nhưng xử lý công việc thì lại rất nghiêm khắc. Điều quan tâm nhất của ông là phải bảo đảm cho các chiến sĩ đầy đủ năng lượng để có sức đánh giặc.

Có lần ông đi kiểm tra một kho lương thực ở giữa rừng. Vừa tới nơi thì trời đổ mưa, mưa ngày càng to, gió ngày càng mạnh, làm cho mái nhà kho bị tốc nhiều chỗ. Số người có mặt ở kho lúc đó chỉ khoảng một tiểu đội, mọi người đều tất bật chống dột, che chắn cho lương thực. Thủ trưởng Bùi Phùng và những người cùng đi đã nhanh chóng lao tới cùng di chuyển các bao gạo khỏi chỗ bị dột, nước mưa đang tràn tới, giống như tất cả các chiến sĩ bảo vệ kho. Mãi đến khi ngớt mưa, mọi người mới kịp nhận ra thủ trưởng và thế là chuyện trò rôm rả quên cả mệt. Ông bóc bao thuốc lá thơm “khao quân”, nhưng thật ra cũng không đủ cho vòng thứ hai, bởi vậy đành phải chuyển sang thuốc lào. Ông bảo: “Thứ này mình thích hơn. Những lúc suy nghĩ căng thẳng chỉ cần rít một hơi, thấy khoan khoái dễ chịu lắm!”. Sau trận “chiến đấu” với mưa gió, ông ở lại dùng bữa cùng với các chiến sĩ. Chẳng có gì gọi là sơn hào hải vị, anh em có mấy món thịt thú rừng, măng tre, măng nứa, rau cải tự trồng… đều đem ra bằng hết “thết” thủ trưởng. Mưa chưa tạnh hẳn, lũ đổ về ngày càng lớn, nước suối dâng cao, thủ trưởng Bùi Phùng và những người cùng đi đành ngủ lại. Gọi là “ngủ”, nhưng thật ra họ đã thức gần như trắng đêm. Trừ mấy chiến sĩ thay nhau trực ở các chốt canh gác, tất cả số còn lại đều quây quần quanh thủ trưởng, tranh thủ “khai thác” ông đủ thứ chuyện trên đời.

Ông nói chuyện thời sự, những chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, khí thế vô cùng phấn khởi của quân dân miền Bắc đã bắn hạ hơn hai nghìn máy bay địch, các nước bè bạn trên khắp năm châu dấy lên phong trào ủng hộ Việt Nam, đòi Mỹ chấm dứt leo thang đánh phá miền Bắc. Ông nói chuyện thời sự mà chẳng thấy khô khan, ngược lại còn rất vui, dí dỏm, đôi khi pha chút hài hước, chẳng có gì mang tính chất của một bài lên lớp trên bục giảng nhà trường. Dần dà, khoảng cách giữa thủ trưởng và chiến sĩ gần lại, họ thấy ông như người anh lớn trong nhà trò chuyện với đàn em. Tâm sự về mình xong, ông đề nghị từng người tự giới thiệu, kể về gia đình mình, về những khó khăn, trình bày tâm tư nguyện vọng, muốn được làm gì, sống ở đâu… khi đã đánh đuổi hết bè lũ xâm lược và quét sạch bọn tay sai bán nước. Mọi người đều rất xúc động trước sự quan tâm của thủ trưởng và bộc bạch kể về gia cảnh của mình. Ai cũng mong muốn sau khi giải phóng được trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình cha mẹ, vợ con. Mấy chiến sĩ trẻ mơ ước được tiếp tục đi học, để còn có thể cống hiến được nhiều hơn nữa cho Tổ quốc.

Đương nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ông trò chuyện với các chiến sĩ thân tình như thế. Các đơn vị hậu cần mà ông đã từng đến, từng làm việc, đều rất hiểu về ông. Xa vợ con gia đình biền biệt, chỉ thỉnh thoảng mới nhận được thư nhà. Gần như cả cuộc đời binh nghiệp đã làm cho cuộc sống của ông hòa đồng cùng với các chiến sĩ, với những người đồng chí, đồng đội. Xa gia đình, nhưng cũng chẳng mấy khi ông dùng bữa một mình. Ông luôn sống rất chan hòa với mọi người, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, có thứ gì ngon cùng hưởng, có kham khổ cùng chịu. Sống ở bất cứ đâu ông cũng vận động các chiến sĩ cùng tăng gia sản xuất, miệng nói tay làm, ai cũng hăng hái noi theo. Bởi vậy, đã có không ít đơn vị hậu cần B2 có thể tự túc rau xanh và nhiều khi còn có cả thịt lợn, gà để cải thiện đời sống.

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Bùi Phùng (người đeo kính) thăm một đơn vị ở biên giới (1979).

Nói như vậy, hoàn toàn không có nghĩa là thủ trưởng Bùi Phùng quá “nặng về tình cảm”. Phải nói ngay rằng trong công việc, bao giờ ông cũng giữ nguyên tắc “quân lệnh như sơn”. Làm công tác hậu cần, nắm trong tay tiền của và biết bao phương tiện vật chất - kỹ thuật mà cả nước, toàn dân đã phải thắt lưng buộc bụng, chắt bóp từng ly từng tý để các chiến sĩ được ăn no, mặc ấm, sức khỏe tốt, có đủ vũ khí đánh giặc và chiến thắng kẻ thù, thì không thể thiếu tinh thần trách nhiệm gây lãng phí, để hao hụt, nhất là không thể tơ hào tư túi. Sáng hôm sau, ngay từ tờ mờ sáng, ông đã đến từng gian kho xem xét kỹ lưỡng từng lô lương thực, cái gì cần xuất kho cho sử dụng sớm, cái gì còn có thể dự trữ dài hạn, tình hình khu kho phải bổ sung những gì… Các chiến sĩ quản lý kho cũng đã tập hợp sổ sách, báo cáo với ông mọi khoản xuất – nhập kho rất đầy đủ và chính xác. Chính tác phong quần chúng và lối sống giản dị ấy, chính tinh thần trách nhiệm cao và ý thức kỷ luật quân sự ấy đã làm cho cấp trên nể trọng và cấp dưới mến mộ ông.

Cuộc chiến ngày càng trở nên khẩn trương và quyết liệt, tác chiến liên tục, qui mô ngày càng lớn, nên nhu cầu về vật chất kỹ thuật nói chung và vũ khí nói riêng tăng vọt. Nhớ lời Bác dạy về công tác hậu cần nhân dân, hiểu sâu sắc tiềm lực vựa lúa đồng bằng Nam Bộ, ông chủ động bàn bạc với các đồng chí cấp ủy cơ quan hậu cần B2 và đề xuất nhiều ý tưởng rất táo bạo, cụ thể, nhằm thực hiện hiệu quả nhất sự chỉ đạo của Trung ương Cục và Quân ủy Miền. Cứ mùa thu hoạch đến, hậu cần B2 tung hầu hết cán bộ đến những nơi “có dân, có cơ sở trú chân, có lương thực”, “có thể mua được, có thể vận chuyển được, có thể bảo vệ và bảo quản được, có thể sử dụng được”, nghĩa là theo phương châm “ba có”, “bốn được”, để tìm cách thu mua càng nhiều càng tốt. Thu mua, rồi tìm cách vận chuyển về “ém” tại các địa bàn chiến lược, thậm chí trong một số trường hợp chưa thể vận chuyển ngay về địa bàn của ta, sẵn sàng “gửi vào kho của những đồn điền lớn, ông chủ lớn” trong hậu phương quân địch. Đương nhiên, đấy phải là những nơi đáng tin tưởng mà khi cần có thể chở đi. Bởi vậy, nhiều cán bộ hậu cần, thậm chí cả thủ trưởng Bùi Phùng đã từng phải vào vai “nhà tư sản” ra vào Sài Gòn và các vùng Mỹ - ngụy kiểm soát, để điều hành vận chuyển hàng đoàn xe tải chở lương thực và quân trang, quân dụng ra vùng giải phóng.

Nhân sắp tới ngày giỗ lần thứ chín cố Thượng tướng Bùi Phùng, tôi đến thăm gia đình ông ở số nhà 13, ngõ 30, phố Lý Nam Đế, thắp nén hương tưởng nhớ tới vị tướng mà tôi đã từng được gặp khi ông là thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đi thăm các nước XHCN Đông Âu mùa hè năm 1985. Lời điếu do Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đọc trong giờ phút vĩnh biệt Thượng tướng Bùi Phùng vẫn đặt trang trọng trên bàn thờ, trong đó có đoạn nêu rõ: “Đồng chí là người sống liêm khiết, khiêm tốn, thủy chung với bạn bè, đồng chí; trung thực, thẳng thắn, giản dị, cần kiệm, chan hòa, gần gũi, đồng cảm với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí; nghiêm khắc với mọi biểu hiện hình thức quan liêu. Đồng chí là một trong những cán bộ có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đặc biệt là đối với ngành Hậu cần Quân đội ta”.

NGÔ GIA SƠN