QĐND - Chúng tôi tìm đến nhà riêng của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ Đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) vào một chiều đông khi Hà Nội đã lên đèn. Năm nay bước sang tuổi 94 nhưng ông còn rất minh mẫn, giọng nói, tiếng cười vẫn sang sảng. Trong căn nhà nhỏ nằm trên con ngõ nhỏ đường Hồng Hà, câu chuyện của người chiến sĩ quyết tử năm xưa đã tái hiện 60 ngày đêm khói lửa của Hà Nội vào mùa đông năm 1946.

Ghi sâu lời thề quyết tử

Năm 1944, chàng thanh niên Hà Nội Nguyễn Trọng Hàm tham gia cách mạng. Anh hoạt động trong Đội danh dự, với nhiệm vụ tuyên truyền mọi người theo Việt Minh, rải truyền đơn, tiễu trừ Việt gian, phản động. Gia đình có nghề làm thiếc ở số nhà 53 phố Hàng Thiếc tạo vỏ bọc cho anh dễ hoạt động. Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thì ở miền Nam, thực dân Pháp núp bóng quân Anh quay trở lại xâm lược nước ta. Nguyễn Trọng Hàm đã tham gia các hoạt động giữ vững chính quyền non trẻ. Toàn quốc kháng chiến nổ ra, anh xây dựng Đội tự vệ thành và khi Trung đoàn Thủ Đô được thành lập, Nguyễn Trọng Hàm được cử làm Trung đội trưởng Trung đội 2, Tiểu đoàn 102 (khu Đông Thành) đảm nhiệm các tuyến phố Hàng Thiếc, Hàng Bồ, Hàng Bút, Hàng Phèn... đánh vào các mục tiêu, diệt nhiều địch và phá hủy nhiều xe tăng, cơ giới của địch. Mặc dù tương quan lực lượng không cân sức giữa ta và địch nhưng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô đã chiến đấu anh dũng, nhiều chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng đâm thẳng vào xe tăng địch, anh dũng hy sinh. Trong trận đánh quyết tử giữ vững trận địa phố Hàng Thiếc suốt 3 ngày đêm (từ ngày 7 đến 10-2-1947), Trung đội 2 do Trung đội trưởng Nguyễn Trọng Hàm chỉ huy đã cùng Trung đội 3 đánh bại cuộc tiến công của địch, làm thất bại âm mưu đánh sâu vào trung tâm Liên khu I-cơ quan chỉ huy đầu não của trung đoàn.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm cùng CCB Trung đoàn Thủ Đô chụp ảnh với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND năm 2011. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Một kỷ niệm trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội mà Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ mãi, đó là buổi lễ thề quyết tử. Ông kể: "Một hôm, đồng chí Lê Trung Toản, Chính ủy trung đoàn tập trung các cán bộ trung đội, đại đội đến Nhà in Báo Lao Động (ở 51 phố Hàng Bồ) đọc thư của Bác giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Thủ Đô: “... Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh...”. Một tuần sau, ngày 14-1-1947, buổi lễ thề quyết tử thực hiện nhiệm vụ Bác giao được tổ chức tại Rạp Tố Như (ở 72 phố Hàng Bạc). Trong ánh nến, không khí thiêng liêng, ai nấy đều xúc động. Đồng chí Vũ Lăng, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103 (sau này là Thượng tướng) thay mặt trung đoàn đọc thư Bác, anh em đồng thanh hô: “Xin thề!". Ai cũng cảm thấy vinh dự khi được Bác giao nhiệm vụ và sẵn sàng hy sinh. Lời Bác gọi chúng tôi là “các em” vô cùng thân thương, trìu mến, khiến mọi người xúc động, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. 

Sau trận đánh ở khu Đồng Xuân, địa bàn chiến đấu của Liên khu I thu hẹp nhiều. Lương thực chỉ còn ăn được 5 ngày, mỗi khẩu súng còn trung bình 20 viên đạn. Trung đoàn Thủ Đô vẫn vững vàng quyết tử bám trụ, củng cố công sự, trận địa và đề nghị tiếp tế gấp đạn súng trường và gạo, bên ngoài đánh mạnh để kiềm chế quân địch... Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện ra lệnh cho Trung đoàn Thủ Đô rút vào đêm 17-2-1947, đồng thời chuyển lời khen ngợi của Bác Hồ: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm bồi hồi: “Chiến đấu liên tục hai tháng, đạn dược, lương thực đã cạn kiệt. Để bảo toàn lực lượng, bảo đảm phục vụ kháng chiến lâu dài, trên ra lệnh đơn vị rút khỏi Hà Nội. Nhận lệnh trên, anh em đều thắc mắc: Bác giao nhiệm vụ quyết tử thì phải giữ Hà Nội đến hơi thở cuối cùng. Chúng tôi phải giải thích, Bác giao nhiệm vụ kìm chân địch chứ không phải là cố thủ, phải bảo toàn lực lượng đã được tôi rèn trong chiến đấu để trường kỳ kháng chiến, lúc đó anh em mới thông. Ra đi nhưng trong lòng mỗi người đều tin tưởng sẽ sớm trở về. Chúng tôi lấy sơn, vôi viết lên các cánh cửa, tường nhà “Ra đi hẹn ngày về”.

Đúng 18 giờ 30 phút ngày 17-2-1947, đơn vị đầu tiên rời vị trí tập kết ở đình Phất Lộc, qua phố Hàng Mắm rồi vượt đê, lội qua lạch nhánh phụ sông Hồng. Nước sông lạnh, sâu tới ngực, trời mưa phùn, gió thổi rét căm căm. Trung đoàn tới sát cầu Long Biên, lên bãi giữa. Hệ thống đèn chiếu sáng trên cầu bị sương và mưa dày đặc che mờ, trời rét nên địch tuần tra canh gác cũng ít đi. Đội du kích Hồng Hà của Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại bố trí chặn địch ở Tứ Tổng, 12 người trong đội du kích đã anh dũng hy sinh để hơn 1.000 người rút ra an toàn.

Trưa 18-2, việc rút lui của Trung đoàn Thủ Đô cơ bản thành công. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết ngay một bức thư ngắn gửi trung đoàn: “...các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của Quân đội quốc gia Việt Nam”...

Mối tình chung thủy

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, theo lệnh tản cư, hàng vạn người dân Hà Nội lặng lẽ rời Thủ đô, trong dòng người ấy có cô gái trẻ Vũ Thị Thuận, người yêu của Nguyễn Trọng Hàm.

Ông Hàm kể: "Hai gia đình chúng tôi cùng thuê một nhà, cô ấy ở tầng trên, gia đình có nghề làm bạc. Cô ấy vừa tròn 16 tuổi, xinh đẹp, hiền dịu lại chịu thương chịu khó nên tôi đem lòng yêu mến. Hai nhà đã bàn tính chuyện tổ chức đám cưới cho chúng tôi thì Toàn quốc kháng chiến nổ ra”.

Vợ chồng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm thời trẻ.

Chiến trận ác liệt từng giờ từng phút, Nguyễn Trọng Hàm và người yêu không kịp chia tay mà đâu biết rằng sau đó là 5 năm dài biền biệt bặt tin nhau. Hà Nội bị tạm chiếm, Nguyễn Trọng Hàm cùng đơn vị đóng quân ở Thái Nguyên. Anh hỏi thăm thì được biết gia đình cô sơ tán lên xã Ấm Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Nhưng khi anh lên đến nơi thì cô đã theo gia đình quay về Hà Nội. Những năm kháng chiến gian khổ, thiếu thốn, những trận đánh, các chiến dịch liên miên, chuyện tình duyên anh đành gác lại. Năm năm sau, trong lần tham gia Chiến dịch Hà Nam Ninh, Nguyễn Trọng Hàm tìm cách liên lạc với Mặt trận Hà Nội và biết được tin tức của người yêu. Mọi người kể, suốt mấy năm bặt tin anh, cha mẹ và người thân đều khuyên cô đừng chờ đợi, có người còn nhắn tin ra là anh đã cưới vợ rồi. Cô lại đẹp người, đẹp nết nên nhiều người đến dạm hỏi, thế nhưng cô vẫn một mực chờ đợi anh. Nhận được thư của người yêu, cô mừng mừng tủi tủi. Trong thư anh viết, tình cảm của anh với cô không bao giờ thay đổi nhưng kháng chiến còn trường kỳ, anh ở nơi hòn tên mũi đạn, không biết sống chết thế nào, mà con gái có thì nên khuyên cô đừng chờ anh mà lỡ dở. Nhận được thư anh, cô quyết tâm lên chiến khu với anh. Gia đình hai bên tổ chức lễ hỏi, cưới đều vắng mặt chú rể. Cô dâu một mình lặn lội lên Thái Nguyên tìm chồng. Một đám cưới thời chiến giản dị nhưng ấm cúng được tổ chức trên chiến khu.

Cưới xong, ông lại tham gia các chiến dịch từ Tây Bắc, đến Điện Biên Phủ. Bà thì làm hành chính ở Ủy ban xã Hoa Lư, tối về lại nhận khâu áo tơi lá, màn thuê. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông trong đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô. Lúc này, hai vợ chồng mới được đoàn tụ. 5 người con trai lần lượt ra đời. Gần nhau được mấy năm thì năm 1966 ông lại đi B khi vợ đang có mang cô con gái út. Gần 10 năm trời ông ở chiến trường miền Nam, một tay bà gánh vác việc gia đình, chăm sóc đàn con. Cuộc sống khó khăn với đồng lương công nhân ở Hợp tác xã Thăng Long nhưng bà luôn động viên chồng yên tâm công tác.

Kết thúc chiến tranh, nước nhà thống nhất, ông về làm cán bộ nghiên cứu tại Học viện Quốc phòng. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc, ông lại được điều về làm Phó tham mưu trưởng phụ trách tác chiến của Quân khu Thủ Đô.

Đến khi được nghỉ hưu ông mới có thời gian dành cho bà. Ông đưa bà đi du lịch, thăm lại chiến trường xưa ông từng chiến đấu. Nhưng không may, trong những năm cuối đời, bà bị bệnh nặng phải nằm liệt giường. Con cái thuê người giúp việc để chăm bà nhưng bà không vui. Thế là hơn bốn năm trời, một tay ông chăm sóc, vừa là y tá, vừa là người bạn tâm tình của bà. Người dân trong khu tập thể 34 Trần Phú, nơi gia đình ông bà ở trước đây, đều khâm phục ông. Ông bảo: “Vợ chồng là nghĩa tào khang. Bà ấy hiền lành, chẳng to tiếng với ai bao giờ, cả đời vì chồng vì con, tôi có chăm sóc cho bà ấy bao nhiêu cũng không trả được hết nghĩa tình của bà ấy dành cho tôi”.

VƯƠNG HÂN