Vũ Văn Đại sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Yên Môn, Ninh Bình, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, anh trai ruột và bác ruột cũng đang phục vụ trong quân đội. Ngay từ khi còn học phổ thông, Vũ Văn Đại đã có mong ước trở thành một sĩ quan trong quân đội. Được sự ủng hộ, động viên của gia đình cũng như sự phấn đấu nỗ lực của bản thân, Vũ Văn Đại đã trúng tuyển vào trường Sĩ quan công binh. Anh chia sẻ: “Tôi chọn thi trường Sĩ quan Công binh cũng là một cái duyên khá bất ngờ. Trong quá trình học phổ thông, tôi được trò chuyện với một người anh cùng quê đang học tập tại trường Sĩ quan Công binh. Qua các buổi nói chuyện với nhau, tôi nhận thấy đây là một môi trường tốt để bản thân có thể học tập rèn luyện cũng như đóng góp xây dựng kiến thiết đất nước. Vì thế tôi quyết tâm lựa chọn và đã trúng tuyển vào trường”.
 |
Thượng úy Vũ Văn Đại. |
Tháng 6 năm 2013, anh tốt nghiệp và được về công tác ở Lữ đoàn 131, Quân chủng Hải quân. Sau hơn 5 năm làm việc tại đơn vị, anh được ra đảo Đá Tây A để thực hiện nhiệm vụ.
Thượng úy Vũ Văn Đại chia sẻ, đến đảo Đá Tây A, điều đầu tiên mà anh cảm nhận được chính là tình cảm của chiến sĩ đang công tác tại đây. “Khi mình đang bập bềnh trên biển. Thấy đảo thì bỗng thấy thanh thản, yên tâm. Tôi nhớ mãi khi tôi bắt đầu từ xuồng lên đảo thì đã thấy anh em chờ đón, rồi cùng bắt tay nhau vui mừng. Tuy có chút say sóng, nhưng lúc này tôi mới biết say đất còn khiếp hơn cả say sóng. Người đi mà thấy vật xung quanh cứ xoay. Tôi hỏi anh đi cùng đoàn: Anh ơi em đi mà người cứ nghiêng nghiêng đúng không? Anh đáp: À. Không vấn đề gì. Em bị say đất. Nghỉ ngơi là sẽ hồi phục lại ngay thôi! Tôi bị mất gần 3 ngày cứ nghiêng nghiêng, xoay tròn như thế” - Thượng úy Vũ Văn Đại kể.
Trong những ngày đầu đến với đảo còn bỡ ngỡ, anh đã nhận được sự động viên, khích lệ từ cán bộ, đồng đội ở đây. Ngoài giờ làm việc, các anh thường xuyên ra cầu tàu, cùng nhau trò chuyện, hát cho nhau nghe, chia sẻ những câu chuyện về gia đình, người yêu, những niềm vui trong cuộc sống.
Cuộc sống sinh hoạt trên đảo khó khăn nhất là rau xanh. Anh ấn tượng mãi cách ủ giá đỗ ở đảo. Anh nhớ lại: “Đơn vị được phát hạt đỗ xanh. Tôi nghĩ rằng đỗ để nấu chè, nhưng hóa ra là để làm giá đỗ. Tôi tự hỏi trên đảo thì làm giá kiểu gì nhỉ?”
Rồi Vũ Văn Đại được đồng đội hướng dẫn cách làm giá đỗ. Hạt đỗ được ngâm nước khoảng 9 tiếng đồng hồ. Đồng thời sẽ chọn cát. Đó là cán san hô, phải nhỏ, mịn, sạch. Thường sẽ ủ 1kg cho 10 người. 3 ngày là có thể sử dụng được.
Cuộc sống trên đảo còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là nước ngọt. Để khắc phục khó khăn về nguồn nước trên đảo, các chiến sĩ thường tắm nước biển, rồi đứng vào chậu và tráng lại chút nước ngọt cho hết mặn. Nước đó được đổ lại vào thùng chứa để dành tưới rau.
 |
Chăm sóc đàn gia cầm tại đơn vị. |
Không chỉ đối mặt với khó khăn về nguồn nước, các anh còn phải đối mặt với thời tiết giông bão xảy ra thường xuyên. Trên đảo Đá Tây A, thời tiết biến chuyển rất nhanh. Có khi trời đang quang đãng bỗng tối sầm lại, mưa, ầm ầm, ràn rạt. Sống ở đây, Vũ Văn Đại được đồng đội chỉ cho nhiều phương pháp tránh bão. Từ cách đi thấp, cúi người, đi xiên so với hướng của gió bão, cho đến những cách xếp bao cát, giằng chống bão cho nhà cửa để hạn chế thấp nhất thiệt hại về nhà cửa.
Anh Đại kể: “Mỗi khi bão đến, vất vả nhất là bảo đảm an toàn cho cây trồng và vật nuôi trên đảo. Đối với gia súc, gia cầm, chúng tôi thường chuẩn bị sẵn địa điểm tập kết để tránh bão nhằm đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Còn đối với rau màu, đơn vị tiến hành đắp bao kè bảo vệ luống. Nhưng khi nước biển dâng cao, nước biển lớn tràn vào thì cũng không giữ được. Sau mỗi cơn bão như vậy, mọi người lại cùng rửa đất, chuẩn bị cho công tác trồng lại rau màu”. Nhiều cơn bão đi qua để lại hậu quả nghiêm trọng đối với số cây xanh mà trung tâm hậu cần nghề cá mang ra đảo, đa phần các cây đều bị nhiễm mặn. Vũ Văn Đại cùng các đơn vị trên đảo tổ chức đánh cây xanh lên, rửa hết đất cát, ngâm vào nước ngọt,… Nhờ thế nhiều cây đã xanh tốt trở lại.
Ở trên đảo, nhớ nhà không phải là tâm trạng riêng của các chiến sĩ trẻ mà ngay cả những cán bộ, chiến sĩ dạn dày nắng gió biển cũng không khỏi bâng khuâng, mỗi khi nói về gia đình.
Thượng úy Vũ Văn Đại chia sẻ, xa nhà lâu ngày, nhưng điều mà anh cảm thấy an tâm nhất đó chính là ở nhà đã có vợ, chị Phùng Ánh Nguyệt. Chị Nguyệt là giáo viên dạy tin học. Anh Đại gặp chị Nguyệt lần đầu tiên ở Bình Phước, khi đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ. Sau này, trên đường về nghỉ Tết Âm lịch, hai người gặp lại, nhận ra nhau. Anh chị từ đó giữ liên lạc với nhau. Sau khi ổn định công tác, năm 2013, họ quyết định cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Đám cưới giản dị, tràn ngập hạnh phúc được tổ chức. Sau đám cưới, Vũ Văn Đại lại lên đường thực hiện nhiệm vụ. Anh nhớ mãi câu nói động viên của vợ: “Chồng cứ yên tâm công tác. Ở nhà đã có bố mẹ, em và họ hàng xung quanh”. Đến nay hai anh chị đã có với nhau 2 mặt con (một cháu 5 tuổi, một cháu được 10 tháng tuổi). Hai vợ chồng có một căn nhà nhỏ ở Quốc Oai, Hà Nội.
Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh chị luôn vui vẻ, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Kết quả thể hiện rõ khi nhiều năm liền anh Đại luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, còn chị Nguyệt cũng luôn đạt thành tích cao các trong phong trào thi đua dạy tốt và học tốt của nhà trường.
Bài và ảnh: TRỊNH NGHĨA