Khi ấy, tôi được anh Phạm Thanh Liêu, Cục trưởng Cục Kế hoạch (nay là Bộ Tham mưu) TCKT, phân công giúp việc trực tiếp cho anh Hai Châu. Do công việc, tôi được đi đến các đơn vị cùng anh, biên soạn tài liệu, viết báo cáo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh và có nhiều lần thức thâu đêm để làm việc cùng anh Hai Châu.

Có lần, tôi được theo anh về thăm quê nhà nơi miền Tây Nam Bộ, một dải cù lao trù phú ven bờ sông Hậu, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Từ đó, tôi mới biết tên anh được ghép lại từ hai chữ đầu của vùng quê yêu dấu đã sinh thành ra anh: Khánh Hòa-Châu Phú, thành Trương Khánh Châu.

Anh từ Phó tư lệnh Quân chủng Không quân về làm Phó chủ nhiệm thứ nhất, rồi Chủ nhiệm TCKT vào năm 1990. Đây là giai đoạn đất nước ta có những bước ngoặt quan trọng. Khi đó, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã và cũng là lúc đất nước ta đang trong những năm đầu của công cuộc đổi mới. TCKT mới được kiện toàn chức năng, nhiệm vụ. Khó khăn là vậy, nhưng cũng chính vào thời kỳ này, trên cương vị Chủ nhiệm TCKT, anh đề xuất chủ trương và cùng tập thể Đảng ủy, Ban chủ nhiệm TCKT lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện thành công nhiều chương trình, dự án, kế hoạch lớn mang tính đột phá, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật, tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh xây dựng chính quy và nâng cao hiệu quả quản lý công tác kỹ thuật các cấp.

Trung tướng Trương Khánh Châu và phu nhân. Ảnh do gia đình cung cấp

Anh Hai Châu đặt vấn đề tổ chức và tiến hành công tác kỹ thuật theo nguyên lý hệ thống, bao gồm con người-vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT)-môi trường và huy động đông đảo cán bộ khoa học, công nghệ (KHCN) trong và ngoài quân đội tham gia. Anh chỉ đạo phải làm tốt trên cơ sở phân tích cặn kẽ từ cơ chế hư hỏng VKTBKT, rồi nghiên cứu đi đến các giải pháp công nghệ tiên tiến và khả thi; thận trọng làm thử, làm điểm trước khi đưa ra áp dụng rộng rãi trong toàn quân. Nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến và các loại vật liệu bảo quản mới được đưa xuống đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền khi áp dụng lần đầu và tiếp theo đó được sử dụng rộng rãi. Nhờ vậy, chúng ta đã giữ được các đặc tính kỹ thuật, chiến thuật, độ tin cậy và tuổi thọ của VKTBKT, tạo điều kiện để quản lý, khai thác lâu dài, làm nguồn dự trữ cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Anh Hai Châu đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm kỹ thuật VKTBKT cho các đơn vị biển, đảo. Thực hiện công tác này, TCKT thành lập một hội đồng kỹ thuật, gồm những cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý kỹ thuật từ các viện nghiên cứu, các quân chủng, binh chủng, đến các quân khu có biển... để nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm, biên soạn, nghiệm thu, trình cấp trên phê duyệt, ban hành. Nhờ đó, Bộ Quốc phòng ban hành "Quy định bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT trên đảo" và xuất hiện những chiếc túi bảo quản có máy hút ẩm, những cấu kiện composite để bảo quản, che đậy VKTBKT trong các nhà kho chiến lược, chiến dịch, ở các trận địa, trên các sân bay và ngoài hải đảo. Vấn đề bảo quản, niêm cất VKTBKT trong hang, hầm cũng được xúc tiến bằng những giải pháp KHCN tiên tiến, cho phép chúng ta nghĩ đến những công việc xa hơn đế đối phó với chiến tranh công nghệ cao.

Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp quốc phòng, vào thời kỳ này, anh chỉ đạo Chương trình đầu tư chiều sâu công nghệ cho các xí nghiệp sửa chữa được tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn một cách hiệu quả, vững chắc. Mục tiêu là, phải sửa chữa được tất cả các loại VKTBKT có trong biên chế, nhất là các loại nhãn hiệu mới, vũ khí, trang bị chủ lực, đồng thời phải phục hồi, sửa chữa, tiến tới sản xuất được các loại vật tư kỹ thuật thiết yếu cho sửa chữa VKTBKT. Bằng nguồn đầu tư của Nhà nước, quân đội, cùng với sự năng động, sáng tạo của từng xí nghiệp, TCKT đã huy động đông đảo cán bộ KHCN trong và ngoài quân đội vào việc biên soạn quy trình công nghệ sửa chữa VKTBKT, sản xuất vật tư kỹ thuật. Nhờ đó, năng lực sửa chữa của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kỹ thuật có những bước tiến bộ nhảy vọt, từng bước tự chủ, hạn chế sự lệ thuộc từ nước ngoài.

Nguyên Chủ nhiệm TCKT Trương Khánh Châu quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu tăng hạn sử dụng, tăng vòng đời của VKTBKT; quy hoạch hệ thống kho tàng hợp lý, cơ bản ở ba cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; xây dựng nền nếp chính quy công tác kỹ thuật. Trong giai đoạn 1993-1998, hệ thống điều lệ công tác kỹ thuật và các văn kiện công tác kỹ thuật được Bộ Quốc phòng ban hành, đã tạo nên sự đột phá mạnh mẽ trong xây dựng nền nếp chính quy công tác kỹ thuật. Bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, không chỉ TCKT, mà các cấp ủy Đảng, chỉ huy trong toàn quân đã có sự chuyển biến nhận thức mới, khẳng định công tác kỹ thuật là một mặt công tác quân sự và được thực hiện thống nhất toàn quân.

Được làm việc cùng anh Hai Châu, tôi học được nhiều điều, từ quyết tâm, hoài bão, ý chí rèn luyện phấn đấu, tinh thần ham học, tìm tòi, đến tác phong làm việc tỉ mỉ, chính xác và tính tình đôn hậu, dí dỏm, phóng khoáng đậm chất Nam Bộ. Là người nhiệt tâm và cần mẫn đối với công việc, nên anh đòi hỏi rất cao ở cấp dưới, buộc mỗi người phải không ngừng học tập, sáng tạo, phải làm tốt công việc được giao. Còn nhớ trước khi tiếp nhận một số cán bộ từ các đơn vị về TCKT làm việc, anh yêu cầu phải làm "tập bài", qua đó kiểm tra kiến thức, năng lực. Xuống thăm và làm việc tại một xưởng kỹ thuật của quân khu, anh thẳng thắn và chân tình nhắc nhở các cô thợ trẻ không được làm sạch tay bằng cách quệt mỡ bảo quản vào các cặp má ê-tô. Anh cũng yêu cầu quản đốc phân xưởng cơ khí cùng anh đặt lại các bàn "máp" (một loại dụng cụ cơ khí chính xác) cho ngay ngắn khi thấy hai cái bàn "máp" bị kê đè ghếch lên nhau. Kiểm tra một nhà máy, anh thấy hầu hết cầu chì bị thay thế dây chì bằng dây đồng. Anh yêu cầu phải thay ngay bằng dây chì để bảo đảm an toàn. Có lẽ đó là phản xạ nghề nghiệp của một vị tướng đã một thời làm thợ nguội của Quân giới miền Tây Nam Bộ những năm chống Pháp; là thợ đặc thiết của Không quân nhân dân Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ, trước khi anh là một nhà lãnh đạo đầu ngành kỹ thuật quân đội với các học hàm, học vị trong nước và nước ngoài.

Tôi còn nhớ trong một lần được cùng anh Hai Châu về dự kỷ niệm ngày truyền thống của Quân khu 4. Anh kể: Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt ở miền Bắc, nhất là ở Khu 4, anh đã phải chủ trì việc tháo dỡ toàn bộ máy bay MIG-17 ở sân bay Vinh để đưa lên xe tải chuyển ra Bắc. Tất cả phải làm trong đêm tối, vì ban ngày địch bắn phá. Trong tay chỉ có những dụng cụ tối thiểu, không cần cẩu để vận chuyển động cơ máy bay lên xe. Nhân dân ở đây đã dỡ cả nhà để lấy cột làm cần cẩu cho bộ đội...

Hiện nay, đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, người ta thấy chiếc máy bay YAK-40 số hiệu 42, mà Bác Tôn thường dùng đi công tác lúc sinh thời. Chiếc chuyên cơ này được anh cùng với cán bộ, nhân viên kỹ thuật Nhà máy A41 phục hồi, sửa chữa và vận chuyển từ Đà Lạt vào An Giang bằng đường bộ. Anh hoàn thành công việc này bằng tâm nguyện với quê hương, với Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người con ưu tú của quê hương An Giang yêu dấu!

Khắt khe với công việc, với chính mình, nhưng anh Hai Châu lại rất gần gũi, hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Anh nhắc cán bộ cơ quan khi xuống làm việc với đơn vị phải hết sức khiêm tốn, cầu thị, không được phân biệt "cấp trên, cấp dưới". Đánh giá, nhận xét đơn vị phải thẳng thắn, khách quan.

Anh Hai Châu không chỉ là một người chỉ huy sáng suốt, quyết đoán, sáng tạo, mà còn hội đủ tố chất của một người làm khoa học thực thụ. Anh là chủ nhiệm nhiều đề tài KHCN cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn nghiên cứu sinh; báo cáo tại hội nghị khoa học; viết sách, làm báo; trực tiếp giảng bài cho các lớp tập huấn chỉ huy tham mưu kỹ thuật toàn quân... Anh là người từng được giao nhiệm vụ tập hợp các cán bộ khoa học kỹ thuật của Quân chủng Phòng không-Không quân, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự (nay là Viện Khoa học-Công nghệ quân sự) và các cơ quan khác nghiên cứu, chế tạo chiếc máy bay đầu tiên của Việt Nam. Về hưu, anh vẫn tham gia cùng đồng nghiệp nghiên cứu, chế tạo những chiếc thủy phi cơ phù hợp với điều kiện địa hình và khí hậu nước ta, tiện dụng cho vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long quê anh. Với những đóng góp của anh cho ngành hàng không, trong đó có việc tổ chức khai thác an toàn máy bay của Liên Xô (trước đây) có trong biên chế của Không quân nhân dân Việt Nam, không ai ngạc nhiên khi anh được công nhận là Viện sĩ chính thức Viện Hàn lâm Công nghệ hàng không và Vũ trụ Cộng hòa Liên bang Nga.

Sau khi có chỉ thị của Bộ Quốc phòng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong quân đội, Chủ nhiệm TCKT Trương Khánh Châu đã tự học và sử dụng thành thạo các thiết bị ngoại vi, máy tính, thuyết trình bằng máy chiếu hiện đại.

Tiếc là những điều tôi được biết về cuộc đời binh nghiệp của anh Hai Châu còn quá ít ỏi, nhất là về những chiến công oanh liệt một thời của anh-người Anh hùng trong lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước tuyên dương vào năm 1973.

Thời gian trôi thật nhanh. Dù tuổi đã cao, nhưng anh vẫn rất minh mẫn, sức làm việc vẫn bền bỉ, dẻo dai. Với tư cách là đồng tác giả, anh đã dành thời gian chỉnh lý, bổ sung để Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tái bản cuốn sách "Đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng" trên cơ sở cuốn "Đặc trưng công nghệ VKTBKT các LLVT nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng", đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1994. Cách đây mấy năm, tôi hỏi anh sao không viết hồi ký. Anh cười, bảo: "Mình còn khỏe thì còn làm việc, còn đọc, còn viết, còn hội thảo, tham gia vào các vấn đề của thời cuộc. Còn hồi ký thì...". Rồi anh với tay đưa cho tôi bài báo mới viết "Như cái này chẳng hạn, vấn đề bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho các LLVT trong tình hình mới". Tôi biết, đây là những điều mà anh đã và đang theo đuổi gần như cả cuộc đời.

Năm 2010, gặp gỡ thanh niên quê nhà nhân dịp xã Khánh Hòa quê anh đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, anh nói: “Nhiệm vụ của thanh niên ngày nay là phải cố gắng học. Học để có tri thức khoa học. Học để biết sống nhân ái. Chỉ có học mới đưa được quê hương mình phát triển, xóa nghèo, tiến tới xây dựng đất nước. Và một khi đất nước ta giàu mạnh thực sự, thì không kẻ thù nào dám xâm phạm nữa...".

Thật vậy, chỉ có phấn đấu bền bỉ và học tập không ngừng mới có được một anh Hai Châu như thế. Từ một chiến sĩ, một người thợ quân giới bình thường của chiến khu miền Tây Nam Bộ khi mới 14 tuổi, rồi trở thành Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, Tiến sĩ, Viện sĩ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bây giờ anh Hai Châu đã đi xa, song anh mãi là người thầy, người anh vô cùng kính mến của thế hệ chúng tôi!

Đại tá NGUYỄN TOÀN