QĐND - Ở Phan Thiết có nhiều địa danh đã in dấu chân thầy giáo Nguyễn Tất Thành, trong đó có làng Xuân Phong là nơi Người đã gắn bó những năm dạy học, trước khi  ra đi tìm đường cứu nước…

Làng Xuân Phong, xã Tường Phong có từ năm 1692 khi chúa Nguyễn Phúc Chu mở mang bờ cõi về phương Nam, sau đổi thành thôn Xuân Phong, xã Phong Nẫm, nay thuộc khu phố 1, phường Phú Tài (TP. Phan Thiết, Bình Thuận).

Những năm 1909 - 1910, làng Xuân Phong có dân đông đúc, gần Trường Dục Thanh. Xuân Phong nổi tiếng có nghề đúc đồng, đèn thờ bằng đồng. Đặc biệt, đèn ở đây khác với các loại đèn thờ bằng đồng trong cả nước, bộ chân đèn đẹp thon thả, thanh lịch. Bộ chân đèn ở đây tính chiều cao bằng thước, mới nghe lạ nhưng là thước tay, từ chỗ khuỷu tay đến đầu ngón giữa là một thước. Thường thì nhà dân ở Bình Thuận thờ đèn một thước, một thước mốt. Chỉ những nhà địa chủ ở nông thôn, hàm hộ ở vùng biển mới thờ đèn một thước hai là cao to nhất.

Nghề đúc đồng do ông Nguyễn Tàu, từ thành Huế mang vào khi ông vào làm việc trong tỉnh Bình Thuận. Vợ ông Nguyễn Tàu là bà Lê Thị Hai. Những năm 1909 - 1911, bà Hai giúp việc cho Ngọa Du Sào, Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học. Bà Nguyễn Thị Trợ, 94 tuổi, hiện ở khu phố 1, phường Phú Tài (Phan Thiết), nay còn minh mẫn, là con thứ 5 (Năm Trợ) của ông Nguyễn Tàu và bà Lê Thị Hai. Bà Trợ nói với tôi: Khi Bác Hồ dạy học ở Trường Dục Thanh có kết nghĩa chị em với mẹ bà. Bác Hồ thường về nhà bà thăm chơi mỗi khi rảnh rỗi.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường qua đò Văn Thánh, theo đường Nguyễn Hội ngày nay để về làng Xuân Phong. Nhà bà Lê Thị Hai hiện nay vẫn còn, gồm hai căn rộng rãi lợp ngói âm dương, nằm trong diện tích khoảng 500m2. Nhà cũng còn những bộ tràng kỷ của hơn 100 năm trước. Nhà bà Lê Thị Hai còn có nghề làm cốm nếp. Đây cũng là nghề nổi tiếng của làng, thường thì làm hằng năm, nhưng cứ rằm tháng 10 âm lịch là cả làng sáng rực lửa bếp về đêm, cùng âm thanh nổ giòn lốp bốp của hơn chục lò rang nổ. Thầy giáo Thành năm xưa rất thích ăn cốm nếp, đặc biệt thầy rất vui với việc rang nổ cốm vào mỗi chiếu tối. Vốn có phong cách sống giản dị và gần gũi với nhân dân nên thầy giáo Nguyễn Tất Thành được người làng Xuân Phong rất yêu mến.

Bà Nguyễn Thị Trợ và những người trong gia đình bà cho biết, lúc sinh thời cha mẹ bà thường kể lại rằng, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rất thích chơi đá banh và đánh bóng chuyền với trai làng. Xuân Phong có cánh đồng lúa một mùa, từ đầu xóm, ruộng ngút ngàn đến làng Đại Nẫm (Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), chuyên cấy lúa nàng thơm, nàng sậu, nàng yếu, nàng hương, mắt cu và nếp hương. Tháng 5, tháng 6 cấy thì đến tháng 10, tháng 11 gặt, loại lúa này khi gió bấc về mới chín thơm. Gặt lúa xong, đồng ruộng khô là lúc thanh niên trong làng dùng ruộng làm sân đá banh, đánh bóng chuyền, thể dục vào mỗi buổi chiều. Mới đây, do xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khu dân cư Phú Tài – Phú Trinh và trường dạy nghề của tỉnh nên không còn ruộng nữa, mất luôn truyền thống thể dục đá banh, đánh bóng mỗi khi chiều về.

Lý Nam