Theo các đại biểu, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là công tác có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, thực tế còn đang gặp không ít khó khăn trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, từ khâu hoạch định chính sách, soạn thảo văn bản cho đến tổ chức thi hành.
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định cụ thể đối tượng, chính sách đặc thù trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhằm bảo đảm minh bạch, đúng mục tiêu và tránh lạm quyền, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai.
 |
Quang cảnh phiên họp ngày 16-5 của Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), việc Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt, có tính đột phá, nhằm tạo cơ chế đặc thù về tài chính, nhân lực, công nghệ cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hoàn toàn xứng đáng và đúng tầm với vai trò quan trọng, chiến lược của công tác này.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng trên thực tế, có tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở, là rào cản hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên việc xem xét, xử lý trách nhiệm việc này chưa được quan tâm thỏa đáng.
Do đó, ở dự thảo nghị quyết lần này, đại biểu kiến nghị thiết kế quy định, có chế tài xử lý trách nhiệm cả hành chính và hình sự đối với người quyết định, người tham gia xây dựng pháp luật mà gây cản trở, tạo rào cản. Theo đó, chúng ta tăng chế độ, chính sách cho người làm công tác xây dựng pháp luật nhưng phải đi kèm với nâng cao trách nhiệm. "Bởi vì mục tiêu cuối cùng là phải có được một hệ thống pháp luật thực sự khoa học, sát thực tiễn, đi vào cuộc sống và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp", đại biểu nhấn mạnh.
 |
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) phát biểu thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết để thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, cùng với cơ chế đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu đề nghị cần thể chế hóa Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật như: Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng lạm dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, bảo vệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
 |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Tiếp thu và giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, trong việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa quyền và trách nhiệm, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tránh việc lạm dụng và trục lợi chính sách. Về mức khoán chi xây dựng pháp luật, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.
VŨ DUNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.