QĐND - Hiện chất thải vật nuôi chủ yếu được xử lý thông qua các biện pháp như ủ làm phân theo phương pháp truyền thống; xử lý bằng công nghệ khí sinh học biogas, các chế phẩm sinh học, ao sinh học… Tuy nhiên, các phương pháp này chưa thể giải quyết triệt để vấn đề về môi trường. Vì vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi nông hộ là rất lớn.

Nỗi lo xử lý chất thải chăn nuôi

Theo tính toán của các chuyên gia, hằng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm ở Việt Nam thải vào môi trường khoảng từ 80 đến 85 triệu tấn chất thải rắn. Đây là một trong những nguồn chất thải lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vùng nông thôn và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ở Việt Nam, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, dẫn tới việc xử lý và quản lý chất thải chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương do còn thiếu quy hoạch chăn nuôi đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Lấy ví dụ, tỉnh Cà Mau chỉ có 22 trang trại chăn nuôi, còn hơn 200.000 con lợn và 1,4 triệu con gia cầm là chăn nuôi nhỏ lẻ, không có biện pháp xử lý nguồn phân, nước mà đưa trực tiếp ra đồng ruộng, sông ngòi khoảng 870 tấn chất thải mỗi năm. Trong khi đó, chăn nuôi trang trại dù phần nào đã tiếp cận được với các tiến bộ kỹ thuật mới và có nhiều thay đổi đáng kể về giống, thức ăn, công nghệ chăn nuôi và công tác quản lý, nhưng do phân bố không đồng đều và chưa có sự thống nhất về quy hoạch tổng thể, thêm vào đó, kinh phí đầu tư cho xử lý chất thải và công nghệ xử lý còn thiếu sự đầu tư nên chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường.

 
Chăn nuôi gia cầm ở huyện Lương Tài, Bắc Ninh.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, trên thực tế, nếu ở một xã, số hộ chăn nuôi lợn chỉ chiếm 20-30% tổng số hộ thì hầm biogas là giải pháp hiệu quả cho việc xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng nếu số hộ chăn nuôi lợn chiếm tới 50-60% thì hầm biogas có những hạn chế. Lượng nước thải từ hầm biogas của từng hộ dồn chung vào nguồn nước thải của xã, nguồn nước thải này thường không được xử lý, vẫn nhiễm khuẩn và lại là nguồn gây bệnh cho gia súc, gia cầm trong toàn xã và các vùng xung quanh.

Thực tế này không chỉ khiến làng quê ô nhiễm, mà còn là nguyên nhân khiến các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Giải bài toán xử lý chất thải chăn nuôi

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh  Hà Nam đã xây dựng được 1.120 mô hình chăn nuôi lợn áp dụng quy trình chăn nuôi trên đệm lót sinh học với tổng diện tích đệm lót sinh học là 17.750m2. Hiện tỉnh đang hỗ trợ 100% chi phí làm đệm lót cho các hộ chăn nuôi áp dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học với mức 165.000 đồng/m2 đối với các hộ làm từ 10m2 trở lên và nuôi từ 5-10 con lợn trên một lứa. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ cho công tác đào tạo, tập huấn về quy trình, kỹ thuật đối với các hộ nuôi.

Bộ NN&PTNT cũng đã công nhận tiến bộ kỹ thuật cho chế phẩm sinh học BALASA N01 và Quy trình ứng dụng chế phẩm này làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn và gà. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ứng dụng và triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng và chuyển giao cho hộ nuôi và các địa phương có nhu cầu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, ứng dụng chế phẩm vi sinh vật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã được các nước có nền công nghệ vi sinh hiện đại áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, công nghệ này mới bước đầu được áp dụng tại Việt Nam. Việc ứng dụng hệ vi sinh vật được chọn tạo hoặc sản phẩm tách chiết từ chúng vào chăn nuôi cũng như xử lý chất thải sẽ mở ra tiềm năng lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là đối với chăn nuôi theo quy mô nông hộ. Ứng dụng chế phẩm sinh học giúp ngành chăn nuôi bảo vệ môi trường tốt hơn.

Đệm lót sinh học là một lớp đệm dày 60cm bao gồm tro than hút ẩm, trấu và rơm cắt nhỏ… được trộn với chế phẩm vi sinh có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu, hình thành một lớp sinh khối sạch, hạn chế vi khuẩn bệnh và ký sinh trùng, loại bỏ ruồi muỗi, không mùi hôi. Chăn nuôi lợn, trâu bò hay gia cầm đều rất hiệu quả. Chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học có thể tiết kiệm tới 80% lượng nước, chi phí lao động cũng giảm 60% do không phải tắm cho lợn và rửa chuồng. Lợn ít bệnh, hạn chế việc sử dụng kháng sinh, giảm chi phí thuốc thú y; lợn mau lớn, giảm chi phí thức ăn, chất lượng thịt ngon…

Trong các công nghệ áp dụng cho chăn nuôi lợn ở Việt Nam thì công nghệ vi sinh là lĩnh vực được phát triển nhanh và có tính ứng dụng cao. Trên cơ sở chế phẩm EM (vi sinh vật hữu hiệu) của Nhật Bản, Tiến sĩ Lê Khắc Quảng, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ Việt-Nhật, đã trực tiếp chuyển giao công nghệ này vào Việt Nam. Các sản phẩm EM (Effective Microorganisms-  các vi sinh vật hữu hiệu, sử dụng chế phẩm EM trong ủ phân chuồng, phun EM xử lý môi trường chuồng trại) chứa nhiều chủng loại vi sinh vật được chọn tạo đã có mặt trên thị trường. Các chế phẩm trên có hiệu quả khác nhau nhưng đều có một hoặc nhiều tác động lên chăn nuôi lợn như giảm mùi hôi từ chất thải và hô hấp từ lợn; tăng cường phân hủy chất thải thành vi sinh hữu cơ, góp phần tăng cường sức đề kháng cho lợn, đồng thời giảm được chi phí trong chăn nuôi. Do vậy, để bảo vệ môi trường rất cần ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương quan tâm đối với việc khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, đặc biệt là đối với chăn nuôi nông hộ. Nếu việc xử lý chất thải trong chăn nuôi không được xử lý tốt thì không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà tạo ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh đối với con người.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM - XUÂN THẮNG