QĐND - Ở xã Tân Thanh (Lạng Giang, Bắc Giang) có di tích lịch sử đình làng Bừng, nơi cơ sở in Báo Phục Quốc của Trung ương Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhưng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Không những vậy, Đội tự vệ cứu quốc của địa phương với 48 thành viên đến nay hầu như vẫn chưa được công nhận là có công với cách mạng. Đã nhiều năm qua, họ vẫn mang đơn đến các cơ quan chức năng xin được công nhận đúng với những gì mình đã làm.

Di tích xuống cấp

Sử sách còn ghi: Làng Bừng xưa kia có tên là Chuyên Mỹ, thuộc tổng Mỹ Thái, Bắc Giang. Năm 1943, cơ sở in Báo Phục Quốc của Trung ương Đảng chuyển về đặt tại nơi đây. Vào thời điểm đó, bà Hà Thị Quế được giao nhiệm vụ phụ trách in Báo Phục Quốc tại làng Bừng rồi phân phát đi các nơi.

Ông Nguyễn Khắc Nhượng, 77 tuổi, thành viên của đội tự vệ cứu quốc tâm sự: "Sở dĩ làng Bừng được chọn làm nơi đặt cơ sở in Báo Phục Quốc là vì nơi đây có địa thế hiểm trở, ba mặt đều giáp với núi, xung quanh có nhiều rặng tre bao bọc, phía trên đồi có một rừng lim bạt ngàn. Đầu năm 1945, đồng chí Hà Thị Quế quyết định thành lập Đội tự vệ cứu quốc làng Bừng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, với 48 thành viên. Đội tự vệ cứu quốc của làng được Trung tướng Lư Giang về huấn luyện võ thuật, tổ chức đội ngũ, trang bị súng kíp. Lúc đó, tôi được giao làm tổ trưởng tổ liên lạc".

Ông Nguyễn Khắc Nhượng với tập đơn đề nghị.

Với những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân địa phương, năm 1978, làng Bừng được Nhà nước trao Bằng khen công nhận: “Nhân dân và cán bộ làng Bừng đã tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám”.

Thế nhưng, do địa phương không có nơi cất giữ nên tấm bằng khen này vẫn phải “đi ở nhờ” trong nhà dân. Chính vì vậy, tấm bằng khen này đã nhiều lần bị thất lạc, trong đó hai lần mất không tìm lại được phải đi xin cấp mới. Còn từ năm 2010 đến nay, ông Giáp Văn Hiếu cất gói, bảo quản trong tủ.

Được biết, hiện nay đình làng Bừng đang được trùng tu xây dựng. Bên đống vật liệu đổ nát, hàng gỗ mục vừa mới được gỡ xuống xếp chất đống, ông Giáp Văn Hiếu-người trông coi đình Bừng buồn rầu cho biết: “Trước đây, đình làng Bừng thuộc dạng to nhất nhì vùng này. Đây là nơi che giấu thương binh, nơi sinh hoạt của đội du kích làng Bừng nên đã nhiều lần bị địch càn quét, đốt phá. Năm vừa rồi, UBND tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, cộng với tiền công đức của dân làng, nên công trình được triển khai. Song do thiếu kinh phí nên đến nay công trình vẫn trong tình trạng dang dở”.

Ông Hiếu cho biết thêm: “Người dân làng Bừng nói riêng và xã Tân Thanh nói chung rất mong các cơ quan chức năng sớm hỗ trợ địa phương sớm xây dựng nhà lưu niệm để có nơi trưng bày các hiện vật về cách mạng. Hiện tại, trong làng vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật như: Nòng súng kíp, tranh ảnh, tư liệu quý...”.

Về vấn đề xây dựng nhà lưu niệm, ông Giáp Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thanh giải thích: Từ năm 1995, UBND tỉnh Bắc Giang có ý định hỗ trợ làng Bừng 18 triệu để xây dựng nhà lưu niệm, nhưng do nguồn kinh phí này không đủ, trong khi đó địa phương còn nghèo nên dự án không được thực hiện. Sau này, khi UBND xã lên xin lại thì UBND tỉnh không cho nữa. Sau năm 1975, bà Hà Thị Quế có về thăm lại làng Bừng và ủng hộ vật tư, gỗ lim để tu bổ đình Bừng. Song, thời kỳ đó cán bộ địa phương đã sử dụng số gỗ lim trên để làm nhà hội trường xã. Đến nay, đình Bừng xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền xã đang đi vận động quyên tiền để tu bổ, tỉnh đã hỗ trợ 50 triệu đồng nhưng còn rất khó khăn”.

Nỗi niềm nhân chứng sống

Ông Nguyễn Khắc Nhượng, một trong ba thành viên Đội tự vệ làng Bừng năm xưa hiện còn sống đưa cho chúng tôi xem tập hồ sơ đề nghị được công nhận là người có công với cách mạng và tâm sự: “Những năm chiến tranh nhà tôi bị cháy, toàn bộ giấy tờ lý lịch bị thất lạc. Sau này, tôi đã cất công xin xác nhận của bà Hà Thị Quế, ông Hoàng Quốc Sử và lãnh đạo xã Tân Thanh. Thế nhưng hồ sơ vẫn bị trả lại. Họ yêu cầu tôi phải có biên bản của các cán bộ lão thành cách mạng hoạt động cùng thời đề nghị với Nhà nước về trường hợp của mình. Yêu cầu này quá khó, bởi các cụ hầu như đã về với tiên tổ hết cả rồi”.

Ông Hà Văn Cứ (91 tuổi), một thành viên khác của Đội tự vệ làng Bừng góp lời: Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi được bổ sung vào quân đội, biên chế vào Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Tôi đã tham gia hai cuộc kháng chiến và được tặng nhiều huân, huy chương. Thế nhưng cũng vì thất lạc hồ sơ lý lịch Đảng thời đó, không xác nhận được nên cho đến hôm nay vẫn không được hưởng bất kỳ một chế độ gì. Năm 2012, tôi làm hồ sơ lên huyện để xét các trường hợp còn lại nhưng tất cả đều bị trả lại, vì lý do thiếu các giấy tờ lý lịch cần thiết và không có người xác nhận. Về lý lịch đảng viên, yêu cầu phải khai từ những năm 1960 về trước, trong khi đó Đảng ủy xã chỉ lưu trữ được từ những năm 1980 trở lại đây. Việc tìm người xác nhận là rất khó vì số đông họ đã mất, hoặc bản thân họ chưa được công nhận chế độ gì cả nên không thể làm chứng cho đồng đội cùng thời của mình”.

Được biết, chỉ có 4/48 chiến sĩ tự vệ cứu quốc làng Bừng năm xưa được công nhận là có công với cách mạng. Đến thời điểm hiện nay, chỉ còn lại 3/48 người và đã nhiều năm qua, họ đi xin xác nhận, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ, nhưng vẫn chưa được. Hiện nay, số này tuổi cũng đã cao, sức yếu, có thể chẳng sống được là bao. Đề nghị các cơ quan chức năng của địa phương sớm kiểm tra, xác minh và giải quyết chế độ cho những đối tượng này theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

Bài và ảnh: TRÚC LÂM