 |
Già làng Kpă Hoách |
Một số vùng ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, lâu nay một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn truyền tụng nhau về hiện tượng “Ma lai”. Nếu trong làng, trong vùng không may có con “Ma lai” thì hậu họa sẽ đến với mọi người bất kể lúc nào. Ngược lại, nếu gia đình nào bị dân làng nghi ngờ có “Ma lai” thì bị mọi người xung quanh xa lánh, thậm chí còn bị đánh đập, phá phách nhà cửa và bị đuổi ra khỏi làng...
Dân làng Khối Zét xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê (Gia Lai) bỗng nhiên sống trong không khí ảm đạm, đường sá vắng teo, tất cả các ngôi nhà đều cửa đóng then cài. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: “Chỉ vì hủ tục lạc hậu, nhận thức của một bộ phận đồng bào còn thấp kém, nên dân làng Khối Zét nghi cho gia đình ông Kpă Byêng (56 tuổi) là “Ma lai”, đã làm chết một số dân làng vô tội. Để “diệt trừ” hậu họa, một số thanh niên quá khích tập trung nhau lại, dùng dao, rựa, gậy, cuốc kéo tới, đập phá 4 ngôi nhà của gia đình ông Kpă Byêng (trong đó có 3 ngôi nhà của ba đứa con Kpă Byêng, một trong 3 ngôi nhà này bị đốt), cùng một số đồ dùng sinh hoạt khác như xe máy, ti-vi, đầu VCD. Không dừng lại, họ còn bắt một con heo khoảng 40kg của anh Siu Bít (con trai ông Kpă Byêng) để làm thịt ăn và uống rượu “mừng chiến thắng”. Đây được xem là một vụ án nghiêm trọng, cũng là một vụ án hy hữu ở Gia Lai từ xưa tới nay”.
Qua điều tra, tìm hiểu chúng tôi được biết, cũng chỉ vì ông Kpă Byêng mang họ Kpă (theo quan niệm của người dân tộc thiểu số thì “Ma lai” chỉ tồn tại ở những người mang họ Kpă), những lúc va chạm với ai đó, hay bực tức, ông Kpă Byêng quen miệng hay nói: “mày ác với tau thì mày sẽ chết…”. Và chuyện bắt đầu từ cái chết của ông Rlan Bêh năm 2001. Lý do cái chết của ông Bêh đã được cơ quan chức năng ngành Y tế kết luận là do bị ung thư xương, nhưng dân làng Khối Zét lại cho rằng ông Bêh chết là do bị trúng “thuốc thư” của con “ma lai” Kpă Byêng. Vì trước đó, giữa hai người có mâu thuẫn tranh chấp đất đai ruộng vườn, bực tức nên ông Byêng đã dùng “thư” để hại ông Rlan Bêh. Sự việc cứ âm ỉ và càng bùng lên khi trong làng lại có thêm một bé gái con ông Nhi chết vào cuối năm 2002. Theo cán bộ xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê thì con gái ông Nhi chết là do bị sốt rét, nhưng dân làng Zét vẫn khăng khăng cho rằng con gái ông Nhi chết là do ông Kpă Byêng “thư”. Rồi đến chuyện ông Sui Tin (53 tuổi), trưởng thôn, bị bệnh lao, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dân làng Zét cũng bảo: tại con “ma gà” Byêng “chài thư” để trưởng thôn Tin chết dần chết mòn…
Từ đó, người dân trong làng Khối Zét bắt đầu nhỏ to, thông báo cho nhau về “cái ác” của con “ma lai” Kpă Byêng, để mọi người phòng thân và xa lánh. Một lần đi làm vườn về tới đầu làng thì gặp bà Then, ông Byêng đã đưa tay vỗ nhẹ vào vai hỏi thăm sức khoẻ… Nhưng bà Then thì cho rằng, con “ma lai” Byêng đã “chài thư” để mình chết như những người trước đó nên vội vã chạy về nhà thông báo với gia đình và dân làng là: con “ma lai” Byêng đã dùng thủ thuật để “thư” bà chết. Ngay lập tức ông Kpui Hớt (50 tuổi) chồng bà Then đã đến gặp và thẳng tay “trừng trị” kẻ gieo “tang thương” cho vợ mình. Hậu quả ông Byêng bị thương tích, ở nhà hơn chục ngày không đi làm được.
Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, vừa sàng lọc những kẻ quá khích, bắt chúng xử lý theo pháp luật; vừa vận động, giải thích về tác hại của những hủ tục lạc hậu, về nhận thức sai trái của một số đồng bào trong làng Zét về hiện tượng “ma lai”, “thuốc thư” trong đời sống cộng đồng, sự thật về những cái chết của những người xấu số.
Gặp chúng tôi bên căn nhà vừa được chính quyền cho dựng tạm lại trong khu vườn, ông Kpă Byêng vừa khóc vừa kể lại sự tình: “Gia đình ông từ bao đời nay sinh sống với bà con trong làng hoà thuận, đoàn kết thân thiện, nhưng thời gian gần đây cũng chỉ vì mang họ Kpă và những câu nói “quen miệng” mà dân làng đã nghi cho ông là con “ma lai” nên gia đình ông sống trong làng mà như tách biệt giữa ốc đảo. Đi đâu, làm gì cũng bị người dân để ý, xa lánh, khổ cực quá. Bây giờ, lại bị một số kẻ quá khích đánh đập, phá hoại nhà cửa, đập phá tài sản… Các con của ông sợ quá đã trốn đi làng khác.
Già làng Kpă Hoách trầm lặng, khuôn mặt ông như già hơn trước tuổi. Ông nói: “Hôm xảy ra “sự cố” tôi không có nhà. Mấy hôm nay không ngủ được vì buồn cái bụng, đau cái đầu quá, mình phải gọi lũ con cháu gia đình ông Kpă Byêng về lại thôn làng thôi”.
Những kẻ quá khích rồi sẽ bị pháp luật trừng trị đúng người, đúng tội. Nhưng có những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai thì biết bao giờ mới được dân làng từ bỏ để đến với cuộc sống văn minh, bình đẳng, hạnh phúc… Hy vọng qua vụ án này, người dân sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc sống cộng đồng, về tình làng nghĩa xóm, qua đó đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và hướng tới tương lai tốt đẹp.
Theo những người đã sống lâu năm ở Tây Nguyên, thì sự thực trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không bao giờ có “ma lai”. “Ma lai” tồn tại và truyền tụng lâu dài qua lời của những ông “thầy mo” khi đi cúng để lừa phỉnh người dân mê tín. Khi cúng bái cho người bị ốm đau không khỏi, thậm chí bị chết thì họ nói là do “ma lai” làm. (Cũng giống như ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số truyền tụng nhau về “ma gà”). Đồng bào dân tộc thiểu số mê tín ở Tây Nguyên cho rằng, người “ma lai” là người có “phép thuật huyền bí”, họ sử dụng phép thuật này để “thư” (làm cho người bị bệnh không khỏi được). Những người mà họ “không thích” là họ làm cho người đó ốm rồi chết dần. Những người ung thư, ho lao rồi chết mà bài viết đã đề cập đã bị các thầy mo lợi dụng xuyên tạc.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI