Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã về địa phương tìm hiểu, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của người dân, làm việc với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Ngày 3-11, tại thôn Bến Bính A, xã Tân Dương (Thủy Nguyên, Hải Phòng), làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hường cùng ông Lê Văn Công-đại diện những người đứng đơn, cho rằng, ngoài phục vụ Dự án KĐTM Bắc sông Cấm, UBND huyện Thủy Nguyên còn tiến hành thu hồi đất, đền bù GPMB cho một số dự án khác.

Vì thế, người dân kiến nghị: UBND huyện phải thông báo rõ ràng, cụ thể và tiến hành thu hồi đất, đền bù GPMB đúng với từng dự án, đúng thời điểm dự án triển khai, có chính sách đền bù đúng thời điểm thu hồi đất. Ngoài ra, người dân cũng đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến quy hoạch Dự án KĐTM Bắc sông Cấm, cắm mốc giới thực hiện dự án.

leftcenterrightdel
Thực hiện giải phóng mặt bằng tại thôn Bến Bính A, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên. 

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, ngày 4-11, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hải Phòng. Ông Nguyễn Ngọc Long, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (thuộc ban quản lý dự án), khẳng định: “Toàn bộ quá trình quy hoạch và quản lý quy hoạch đều được thực hiện nhất quán, công khai, minh bạch. Các cấp quy hoạch đều có sự thống nhất cao, quy hoạch cấp dưới phù hợp, cụ thể hóa quy hoạch cấp trên. Quá trình thẩm định phê duyệt quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng các quy định hiện hành. Việc triển khai quy hoạch cũng được thành phố triển khai đúng quy trình, trình tự pháp luật”.

Cụ thể, theo ông Long, KĐTM Bắc sông Cấm được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2020 theo Quyết định số 04/2001/QĐ-TTg ngày 10-1-2001 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5-8-2003 và Kết luận số 72/KL-TW ngày 10-10-2003 của Bộ Chính trị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP Hải Phòng là đẩy mạnh việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị đi đôi với khẩn trương xây dựng hình thành các KĐTM, trước hết là KĐTM Bắc sông Cấm theo tiêu chí văn minh, hiện đại, xứng đáng là đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia.

Tiếp đến, ngày 16-9-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1448/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó KĐTM Bắc sông Cấm tiếp tục được kế thừa trở thành một trong 5 hướng phát triển đô thị của thành phố. Triển khai quy hoạch này, ngày 15-11-2011, UBND TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 1841/QĐ-UBND phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/5.000 KĐTM Bắc sông Cấm. Trong đó, khu vực đang triển khai thực hiện Dự án KĐTM Bắc sông Cấm thuộc phân khu 1: Khu trung tâm hành chính-chính trị, trung tâm thương mại và kinh doanh khu đô thị.

Sau đó, ngày 3-1-2012 và 12-12-2012, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng khóa XIV và HĐND TP Hải Phòng có các nghị quyết xác định việc xây dựng cơ sở hạ tầng KĐTM Bắc sông Cấm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. 

Triển khai các nghị quyết của Trung ương và thành phố, ngày 19-8-2015 và 21-3-2016, UBND TP Hải Phòng có các tờ trình số: 44/TTr-UBND, 60/TTr-UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án KĐTM Bắc sông Cấm (phân khu 1) với các hạng mục chính, gồm: San lấp mặt bằng, hệ thống giao thông chính, đường nội bộ, cấp điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, cây xanh với diện tích đất sử dụng khoảng 324ha. Ngày 24-6-2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1131/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án KĐMT Bắc sông Cấm theo đề xuất của TP Hải Phòng.

Trên cơ sở chủ trương đầu tư dự án, căn cứ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 được duyệt và hướng dẫn của Bộ Xây dựng, ngày 16-8-2016, UBND TP Hải Phòng có Quyết định số 1675/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 KĐTM Bắc sông Cấm đến năm 2025 và Quyết định số 1677/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hạ tầng kỹ thuật Bắc sông Cấm.

Nội dung các quy hoạch kế thừa đầy đủ các chức năng theo quy hoạch chung xây dựng thành phố và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000 KĐTM Bắc sông Cấm đã được duyệt trước đó. Quá trình thực hiện, ngày 16-3-2018, UBND TP Hải Phòng có Quyết định số 560/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hạ tầng kỹ thuật  Bắc sông Cấm nắn chỉnh tuyến đường trục đông tây tạo ra không gian quảng trường trước tòa nhà trung tâm hành chính-chính trị vuông vắn, khoa học; bổ sung một số hạng mục kè hồ điều hòa, kè sông Cấm, đường dây, đường ống kỹ thuật khác mà không làm thay đổi tính chất, chức năng của khu đô thị... Việc thu hồi đất, GPMB được thực hiện theo Điểm a Khoản 2 và Điểm c Khoản 3 Điều 62, Luật Đất đai năm 2013. Phạm vi thu hồi đất để thực hiện dự án là toàn bộ phân khu 1 của KĐTM Bắc sông Cấm với diện tích 324ha.

Về vấn đề thu hồi đất, GPMB, ông Nguyễn Văn Viển, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên khẳng định: “Huyện đang tập trung quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB với mục tiêu bảo đảm quyền và các lợi ích hợp pháp cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án KĐTM Bắc sông Cấm. Đồng thời, thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất được thực hiện theo Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 12-6-2018 và Quyết định số 3221/QĐ-UBND ngày 21-10-2020 của UBND TP Hải Phòng.

Ngoài ra, để bảo đảm chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi, UBND thành phố cho phép áp dụng biện pháp hỗ trợ khác tại các Văn bản số 4515/UBND-ĐC3 ngày 26-7-2019; số 300/TB-UBND ngày 25-8-2020; số 2531/UBND-ĐC3 ngày 20-4-2021... của UBND TP Hải Phòng. Chúng tôi quyết tâm trong năm nay sẽ cơ bản thực hiện xong việc bồi thường, GPMB đối với các khu vực ưu tiên và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ người dân”. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Viển, mốc giới thực hiện dự án được Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hải Phòng bàn giao cho UBND huyện Thủy Nguyên và UBND các xã nơi có đất thu hồi thực hiện Dự án KĐTM Bắc sông Cấm để quản lý.

Số lượng mốc giới theo mảnh trích đo địa chính đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là 41, đã được bàn giao trên thực địa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, các mốc trên thực địa không còn được bảo quản và giữ nguyên như hiện trạng ban đầu dẫn đến ý kiến, kiến nghị của người dân. Vì thế, UBND huyện Thủy Nguyên đã đề nghị Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hải Phòng tổ chức xác định và cắm lại mốc giới.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH - ĐỨC TUẤN