QĐND - LTS: Trải qua 66 năm lịch sử, “Tuyên ngôn lịch sử” năm 1945 vẫn khắc sâu vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt Nam. Xét từ góc độ pháp lý, đây là văn bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở ra những nguyên tắc mới trong luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế. Cho đến nay, giá trị của bản Tuyên ngôn này vẫn không hề thay đổi. Nhiều học giả nổi tiếng đã có những bài phân tích về nhiều khía cạnh trong bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945. Quân đội nhân dân Cuối tuần xin giới thiệu hai bài phân tích đó.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc:
Thời điểm và hoàn cảnh ra đời của “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945 càng tô đậm thêm tính truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Có một cái rất chung và cốt lõi xuyên suốt các tuyên ngôn chính thức và không chính thức của các vĩ nhân trong lịch sử Việt Nam là tiếng nói của họ cũng chính là tiếng nói của cả dân tộc. Bằng tiếng nói của mình, các vĩ nhân thể hiện thành lời những khát vọng của dân tộc về các quyền cơ bản, trong đó có quyền cơ bản nhất: Quyền sống trong độc lập, tự chủ, tự do, quyền tồn tại với tính cách là một dân tộc, một quốc gia. Dù cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng về nội dung, ý tưởng vẫn chỉ là một và đó là điều thống nhất, nhất quán dù khoảng cách về thời gian giữa các vị có khi phải đo bằng thiên niên kỷ.
Xét trên nhiều phương diện, có thể nói, “Tuyên ngôn độc lập” đã được cả dân tộc ta viết ra bằng máu, thể hiện nghị lực, quyết tâm giành và bảo vệ bằng được quyền sống trong độc lập, tự do. Tác giả Trần Dân Tiên hoàn toàn có lý, khi viết: “Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu tính mệnh đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, 2-9-1945. Ảnh tư liệu |
“Tuyên ngôn độc lập” đã trực tiếp khẳng định với thế giới về các quyền cơ bản mà nhân dân Việt Nam vừa giành được. Nhưng xét theo nội dung, tính chất và cả thời điểm ra đời, bản Tuyên ngôn hoàn toàn không phải là một sự kiện riêng lẻ, cá biệt mà là một xu thế tất yếu của thời đại.
Và thật kỳ diệu, chỉ gồm hơn một nghìn từ (hoặc chính xác hơn là 1120 từ) bản Tuyên ngôn với nội dung cô đặc, súc tích xét về phương diện quốc gia cũng như từ bình diện quốc tế, đều mang tính thời đại. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói đến: Một con người đã trở thành hiện thân của quá trình gặp gỡ lịch sử giữa một dân tộc, một thời đại. Con người ấy là Hồ Chí Minh.
Các quyền độc lập cơ bản được khẳng định mạnh mẽ trong “Tuyên ngôn độc lập” Việt Nam không phải là một cái gì chỉ riêng biệt Việt Nam. Trước và cả khi “Tuyên ngôn độc lập” Việt Nam được truyền đi rộng rãi đến các quốc gia trên thế giới thì các cường quốc thực dân, nhân danh những kẻ thắng trận và những kẻ tự phong cho mình “sứ mệnh” bảo vệ các dân tộc đang toan tính với nhau âm mưu đặt các nước thuộc địa cũ dưới chế độ ủy trị quốc tế thuộc Mỹ hay tiếp tục thừa nhận chế độ bảo hộ của thực dân Pháp. Đờ Gôn lấy tư cách của nước thuộc phe Đồng minh quyết liệt đòi quyền của kẻ chiến thắng được tiếp tục giữ trọn vẹn đất đai hải ngoại đã từng thuộc Pháp.
Ngày nay, các nhà chính trị học, sử học, luật học, xã hội học… đang cố gắng lý giải, mỗi người theo một cách, lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” của mình bằng sự trích dẫn “Tuyên ngôn độc lập” 1776 của Mỹ và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Cách mạng Pháp. Dù cách lý giải có thể rất khác nhau, nhưng mọi người đều thống nhất với nhau ở sự thừa nhận tính hợp lý, độc đáo, sáng tạo đầy tính nhân văn và tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị lỗi lạc.
Tuy vậy, dù có đánh giá cao ý tưởng của “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ là “bất hủ”, của Cách mạng Pháp là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, Người vẫn không dừng lại ở đấy mà đã đi xa hơn, đi đến những khái quát mới: “Suy rộng ra”, lời của “Tuyên ngôn độc lập” Mỹ có nghĩa là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Sự “suy rộng ra” đó ở Người là một bước phát triển mới có ý nghĩa thực sự vĩ đại, nâng những lý tưởng truyền thống của thế kỷ XIIIV lên ngang tầm những lý tưởng của thời đại mới: Thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới, thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do bước lên vũ đài thế giới sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
“Một dân tộc nô lệ không thể có con người tự do”. Đó là kết luận lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra từ thực tế đấu tranh không chỉ của riêng mình mà cho cả các dân tộc khác. Đây là vấn đề, là kết luận luôn luôn được đặt ra trong thời kỳ chế độ thực dân, thuộc địa thống trị thế giới và vẫn đang được đặt ra trong thời đại ngày nay, khi những kẻ đại diện cho quyền lợi ích kỷ của các cường quốc đế quốc vẫn nhân danh quyền con người can thiệp thô bạo vào công việc của các dân tộc khác.
GS Song Thành, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng:
“Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử có giá trị về nhiều mặt: Chính trị, pháp lý, văn hóa, tư tưởng… đồng thời là một tác phẩm chính luận lớn, có giá trị cao về ngôn ngữ và văn học, xứng đáng được xếp vào hàng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc. Bản “Tuyên ngôn độc lập” đã lập luận trên một số cơ sở pháp lý vững chắc:
1. Thực dân Pháp xâm lược nước ta là chà đạp lên chân lý, chính nghĩa. Chúng đã không bảo hộ được ta, trái lại trong 5 năm đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
2. Nước ta bị Nhật chiếm đóng. Ta đã lấy lại đất nước từ tay Nhật. Theo các Hiệp nghị Tê-hê-ran (I-ran) và San Phran-xi-xcô (Mỹ): Nếu đã công nhận quyền dân tộc tự quyết của các nước đã bị phát xít chiếm đóng thì phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam, một nước đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít, giành độc lập.
Một lập luận như vậy đã có tác dụng cảnh cáo Pháp, một số nước Đồng minh đã cam kết ở Tê-hê-ran và San Phran-xi-xcô không thể núp bóng Đồng minh lăm le trở lại thống trị dân ta một lần nữa!
“Tuyên ngôn độc lập” 1945 mở đầu bằng cách viện dẫn lại những “lời bất hủ” được ghi trong các bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 của nước Mỹ và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” năm 1791 của nước Pháp về những quyền cơ bản của con người. Những quyền đó là thành quả chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh hàng nghìn năm chống lại ách áp bức, bất công của các chế độ nô lệ, phong kiến và thực dân tàn bạo đối với con người. Các quyền đó đã dần dần được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật của nhiều nước tư bản Âu-Mỹ. Nhắc lại những chân lý bất hủ đó để chứng tỏ rằng, tư duy pháp lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam là thống nhất và liền mạch với tư duy pháp lý của nhân loại tiến bộ, không xa lạ với những chân lý phổ biến đã được coi là thành quả văn minh của loài người.
Tuy nhiên, tác giả “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam đã không dừng lại ở đó. Người thấy rõ công lao và hạn chế của các cuộc cách mạng tư sản. Các cuộc cách mạng này đã biết giương cao ngọn cờ nhân quyền và khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” nên đã lôi cuốn được nhân dân đứng lên lật đổ chế độ phong kiến tàn bạo, lập nên chế độ cộng hòa; đã nâng các quyền con người lên thành các nguyên tắc pháp lý, coi đó là những quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất di bất dịch. Nhưng giai cấp tư sản, xuất phát từ đặc điểm và lợi ích giai cấp của họ, đã tuyệt đối hóa vai trò của tự do cá nhân, của quyền tư hữu “thiêng liêng, bất khả xâm phạm”, đã nhấn mạnh cực đoan, một chiều yếu tố cá nhân, đi tới đối lập cá nhân với cộng đồng, quyền của mỗi con người với quyền của tập thể, xã hội và dân tộc. Vì vậy, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ những hạn chế của các cuộc cách mạng tư sản. Người viết: “Cách mạng Pháp cũng như cách mạng Mỹ, nghĩa là cách mạng tư sản, cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó bóc lột công nhân, ngoài thì nó áp bức thuộc địa!”. Vì vậy, dưới chế độ tư sản, bất công xã hội và áp bức bóc lột vẫn không ngừng tăng lên, đặc biệt ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, và chiêu bài về quyền con người chỉ còn là một trò bịp lớn.
Trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà trật tự pháp lý quốc tế chỉ nhằm phục vụ quyền lợi ích kỷ của các nước lớn tư bản, đế quốc, “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính là lời tuyên bố cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức, đồng thời cũng là lời báo hiệu mở đầu thời đại trỗi dậy của các dân tộc thuộc địa đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.
Chính vì vậy, nhiều nước Á-Phi đã thừa nhận đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự xác lập một nền công pháp quốc tế mới, một nền công pháp bảo đảm cho các quyền tự do, bình đẳng của con người và quyền tự quyết, quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc trong việc lựa chọn con đường phát triển của mình về chính trị, kinh tế, văn hóa…
Hoàng Gia Phong lược ghi