 |
Nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991), tác giả cuốn sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”. |
Viết bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX’’ về địa lí đường phố nội thành và khu vực nội thành Hà Nội, ông đã làm việc cần mẫn trong thời gian 10 năm (1975-1985), thể hiện được tình yêu và tấm lòng của mình dành cho Hà Nội...
Nhà giáo - nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991) quê ở Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Ông nguyên là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” (Nhà xuất bản Hà Nội-năm 2000, tái bản lần thứ 2) do ông biên soạn, giới thiệu và ghi chú cụ thể địa chỉ tên đường phố, phường và quận, thị xã, huyện thuộc thành phố Hà Nội. Tác phẩm của ông đã đoạt giải thưởng “Sách Thăng Long-năm 1996”.
Bộ sách gồm 6 tập, in chung trong một quyển tập khổ lớn (19x 27cm), dày 1.648 trang. Tập 1 gồm có: Thành Hà Nội, Cửa Tây-Tổng nội, Khu vực Hồ Tây và tổng Yên Thành ô ngoài Cửa Bắc. Tập 2: Khu phố Cửa Đông; Dọc hai bên một con đê cũ; Khu vực Cửa Đông giáp bờ Sông Hồng. Tập 3: Khu phía Tây - Trung tâm Hà Nội cũ; Phần đất phía Đông-Khu vực Hồ Gươm Tràng Tiền-Đồn Thủy; Phần đất Tây Nam… Tập 4: Khu vực Nam Hà Nội cũ; Ngoài cửa Tây Nam và Đông Nam thành cũ; Trên phần đất phía Tây tổng Yên Hòa, Tổng Hạ… Tập 5: Khu vực Đông Nam Hà Nội cũ, trên đất phía Đông tổng Yên Hòa; Phía Bắc tổng Thanh Nhàn; Phần đất Nam Thanh Nhàn và Đông Kim Liên; Vùng Mơ Sát. Tập 6: Sông Hồng với Hà Nội; Ngoại thành Hà Nội mở rộng; Phụ lục tên phố Hà Nội; Phần chỉ dẫn đường phố, làng, xã Hà Nội cuối thế kỷ 19, thế kỷ 20 qua những lần thay đổi…
 |
Bìa cuốn sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”. |
Trong lời mở đầu bộ sách, nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn tâm sự: “… Tôi đã chọn chủ đề Hà Nội đầu thế kỷ XX, Hà Nội mà tôi đi điều tra tìm hiểu đây là Hà Nội thời Tự Đức để lại (những năm thập niên 90 của thế kỷ 19) và Hà Nội của thời thực dân Pháp thống trị một nửa thế kỷ (từ năm 1895 - 1945), thời kỳ mà Hà Nội chịu sự đổi lốt, quá trình không khỏi có những sự đau khổ, mất mát. Song theo tôi nghĩ, còn có một mặt khác, đó là giai đoạn đầy thử thách với người Hà Nội, với dân tộc ta vốn có tinh thần quật cường, liên tục phải đấu tranh với những sức mạnh gian tà hung bạo lớn hơn ta gấp bội. Cha ông ta thuở trước đã từng dựng nước, giữ nước gian lao; ta kế tục truyền thống đó thế nào để vẫn tự hào mình là người Việt Nam, là người Thủ đô…”. Địa chí Hà Nội trình bày trong bộ sách này là Hà Nội tương đương với 4 quận nội thành, nó gần khắp về phạm vi địa lí với 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn và gần như địa giới Hà Nội thời Pháp thuộc… Theo ông, chia Hà Nội ra làm 18 khu vực để trình bày, gần sát với những đơn vị hành chính cũ trước năm 1895, ở mỗi khu vực, ông cố gắng đặt nó vào một bối cảnh địa lí và lịch sử để tìm hiểu những điều kiện sinh hoạt kinh tế và văn hóa của nhân dân trong khu vực đó, những yếu tố tác động đến nền nếp làm ăn sinh sống, đến những biến thiên trong cả quá trình diễn biến suốt nửa đầu thế kỷ 20…
Để hoàn thành được bộ sách về địa chí Hà Nội này, ông đã nhờ sự giúp đỡ và cộng tác của hơn 300 bạn bè, người thân và bạn học cũ. Ông bắt tay vào viết, tự mình đi tìm tài liệu qua sách vở, báo chí và bản đồ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Cục Lưu trữ quốc gia. Đọc và nghiên cứu các tài liệu trong thư viện, đi điều tra thực địa cho chính xác, đối chiếu các tài liệu cũ mới, quả thực ông làm việc cần mẫn, kiên trì với tấm lòng yêu say mê Hà Nội. Ông bộc bạch: “… Ban đầu tôi dự định viết chủ đề là dạo các phố phường (Phố đây là phố phường Hà Nội cũ), tôi chỉ định ghi lại những phố xá mình đã thấy. Nhưng khi cầm bút viết, như thể người ta vẽ lại hình ảnh thân yêu, ghi lại tình cảm ở thời điểm không thể phai nhạt, tôi không thể kìm lòng mình được, như thi sĩ làm một bài thơ, viết thành một bộ sách địa phương chí, một bộ địa lí lịch sử thủ đô Hà Nội.
Theo ông, viết bộ sách địa chí về Hà Nội là một thành phố thì bắt đầu giới thiệu thành là đúng, rồi đến phố là hợp lí, phố đây là những đường phố cổ của khu cửa Đông đã từ lâu đời gắn liền đời sống với thành. Cũng có thể giới thiệu thành với cửa Tây trước và cửa Tây cùng với thành có quan hệ mật thiết về mặt lịch sử hình thành của Hà Nội từ nguồn gốc xa xưa đến nay. Hà Nội có thành và có lũy, Đại La là tiền thân của thành Thăng Long cũng như Thăng Long với Hà Nội. Tìm lại cội nguồn là cần thiết. Hà Nội có nhiều khu vực, đi từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là cách ta vẫn thường làm. Hơn nữa, Hồ Tây mở đầu cho bộ sách với những truyền thuyết xa xưa “Nơi chôn rau cắt rốn” của Hà Nội, một bộ phận mà suốt thời kỳ thành lập thành phố cho đến bây giờ và cả trong chương trình quy hoạch Hà Nội mai sau, khu vực này sẽ là trung tâm của Thủ đô…
Nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn cũng đã cho xuất bản những tập sách của ông viết về Hà Nội: Lịch sử Việt Nam sơ khảo (2 tập-1946), Việt Sử cương yếu (3 tập-1948), Lịch sử thủ đô Hà Nội (2 tập-1962)… Bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” là bộ sách quý dành cho những người say mê tìm hiểu về lịch sử và địa chí vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
HOÀNG VIỆT - MINH THƠ