QĐND - Một ngày cuối năm 2009, tại Xí nghiệp liên hiệp Đóng tàu Sông Thu, ông Cô-mơ, người sáng lập và là Chủ tịch tập đoàn đóng tàu hàng đầu thế giới Đa-men (Hà Lan) đã tới gặp Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đang làm việc tại đây. Ông được nghe lại câu chuyện sau ngày giải phóng, những người lính đã khởi nghiệp bằng con tàu đầu tiên mang tên ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại…
Nhổ hàng rào ấp chiến lược để đóng tàu
Nhớ lại cuộc gặp gỡ này, Đại tá Hà Sơn Hải, Giám đốc Xí nghiệp kể:
15 năm trước, khi ông Cô-mơ sang thăm dò, nhà máy chỉ là một tổ hợp nhỏ bé, phải “vã bọt mép” thuyết phục thì Đa-men mới đồng ý hợp tác với Sông Thu. Hồi ấy, có lẽ một trong những câu chuyện khiến lãnh đạo Tập đoàn Đa-men tin tưởng ở Sông Thu là chuyện: Con tàu mừng sinh nhật Bác Hồ.
 |
Đại tướng Phùng Quang Thanh kiểm tra một con tàu xuất khẩu do Xí nghiệp liên hiệp Sông Thu đóng năm 2009.
|
Sau ngày hòa bình, bộ đội Quân khu 5 rất thiếu tàu thuyền. Trong số hơn 30 tàu, sà lan chiến lợi phẩm, chỉ có 4 chiếc tàu hiện đại, hai chiếc còn chạy được, hai chiếc hư hỏng nặng. Nhiệm vụ cấp trên giao là bằng mọi giá phải sửa chữa hai con tàu này. Nhưng ở Đà Nẵng chưa có nhà máy sửa chữa. Có ý kiến cho rằng phải đưa hai con tàu này vào Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ra Hải Phòng. Nếu thế thì quá lâu và quá tốn kém! Tự lực cánh sinh, một xưởng sửa chữa tàu biển của Quân khu 5 đã ra đời trên cơ sở 11 tổ hợp cơ khí dân sinh, nòng cốt là tổ hợp Đồng Tiến với tài sản đáng giá nhất là dãy nhà lợp tôn cùng vài chiếc máy hàn, máy tiện cũ.
Trung tá Lê Tất Lăng, Giám đốc xí nghiệp cơ khí là người có mặt tại Sông Thu từ những ngày đầu thành lập cho biết: “Tôi cũng như nhiều thợ cơ khí “bỗng dưng” được trưng dụng vào quân đội. Công trường sửa chữa tạm thời lấy hơn 3000m2 tại một cảng gỗ. Chẳng có triền, đà bài bản như bây giờ, chúng tôi phải lợi dụng thủy triều, dùng hai xe đầu kéo Reo 10 và Reo 7 kéo từng con tàu lên bãi cạn. Thiếu thốn và cả… đói nữa”.
Một chiều tháng 5-1976, anh Lăng cùng đồng đội đang còng lưng gò hàn dưới cái nắng miền Trung như đổ lửa thì hay tin Thiếu tướng Nguyễn Chánh, Phó tư lệnh Quân khu tới thăm. Nghe anh em kể chuyện sáng tạo, dùng cả cọc rào ấp chiến lược và máy hàn của Mỹ để lại vào công cuộc “hồi sinh” con tàu, Phó tư lệnh Quân khu rất xúc động. Ông hỏi:
- Anh em có thiếu thốn gì không?
- Dạ thưa! Thiếu điện để hàn…
- Thiếu cả… cả… gạo nữa ạ! - ai đó ngập ngừng.
Sau chuyến thăm ấy, Bộ tư lệnh Quân khu cho xuất ngay 3000 tấn gạo chiến lợi phẩm tại kho An Đồn để trả lương cho công nhân. Một phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ sửa chữa con tàu đầu tiên, chào mừng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát động. Dự kiến tàu khi sửa chữa hoàn chỉnh thì sẽ đặt tên là “Tàu 19-5”.
Con tàu đầu tiên mừng sinh nhật Bác đã được sửa chữa nhanh chóng. Sau khi hoàn thành, tàu nhiều năm liên tục chạy trên biển miền Trung, phục vụ xây dựng các công trình trên các đảo Cù Lao Thu, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Cù Lao Xanh...
Đến những con tàu đẳng cấp thế giới
“Chúng tôi rất tự hào khi được hợp tác với một đơn vị quân đội có truyền thống tốt đẹp như vậy” – ông Cô-mơ nói. Trở lại Sông Thu lần này, ông không còn phải đắn đo khi ký các hợp đồng mới nữa, bởi từ khi xê-ri tàu cảnh sát biển mà Sông Thu thực hiện từ công nghệ chuyển giao của Đa-men với chất lượng “như đóng tại Hà Lan”, thì đó chính là “tấm thẻ thông hành” đầu tiên để đơn vị này được Đa-men xác định “làm ăn lâu dài”.
 |
Công nhân Xí nghiệp liên hiệp Sông Thu đang thi đua nước rút hoàn thành 10 con tàu xuất khẩu năm 2011.
|
Trong cái nắng miền Trung chói chang, vị Chủ tịch Tập đoàn Đa-men dừng chân rất lâu ngắm nghía, gật gù trước dây chuyền nâng hạ tàu tự động của hãng Roll Roys nổi tiếng. Thêm một ngạc nhiên nữa khi ông được nghe người phiên dịch kể về sự có mặt của nó tại đây. Đầu những năm 2000, khi lệnh cấm vận của Mỹ được xóa bỏ, Tập đoàn Roll Roy-Sycro đã tới Việt Nam giới thiệu hệ thống nâng hạ tàu bằng cơ điện và tin học hóa. Giám đốc Hà Sơn Hải sau khi nghiên cứu đã bàn với cộng sự việc Sông Thu cần có hệ thống này. Nhưng cũng còn không ít ý kiến khác nhau, phần chưa tin vào công nghệ, phần vì đầu tư khá lớn. Thế rồi, may mắn vào năm 2003, nhân dịp Đại tướng Phùng Quang Thanh, khi ấy là Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng vào làm việc, anh Hải đã tranh thủ báo cáo, xin ý kiến về vấn đề này. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đồng ý khuyến khích đơn vị áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, nhưng lưu ý: “Phải đảm bảo chắc thắng!”. Thực tiễn đã chứng minh đó là lựa chọn đúng. Nếu như trước kia, phải mất hai ngày với 30 công nhân mới có thể nâng, hạ được một con tàu, thì nay chỉ cần 30 phút với 2 người sử dụng. Chính hệ thống này đã giúp Sông Thu ra lò nhiều con tàu hiện đại nhanh chóng. Hiện cả nước đã có 5 nhà máy áp dụng hệ thống như của Sông Thu.
Thấy Đại tướng Phùng Quang Thanh rất quan tâm đến hiện đại hóa quân đội, ông Cô-mơ cho biết: Tập đoàn của ông cũng từng đóng rất nhiều tàu quân sự hiện đại, cả tàu chiến, tàu tàng hình. Đại tướng Phùng Quang Thanh rất mừng: “Hy vọng Sông Thu sẽ hợp tác với các ngài nhiều hơn và sẽ học hỏi được nhiều hơn…”.
Những kỳ vọng ấy ngày càng được hiện thực hóa. Sau xê-ri 4 tàu kéo xuất khẩu sang châu Âu, Sông Thu lại tiếp tục đóng 8 tàu kéo cảng (trị giá mỗi chiếc 7 triệu USD) xuất khẩu, rồi tàu ứng phó sự cố tràn dầu hiện đại nhất Đông Nam Á… Riêng năm 2011, Đa-men lại tiếp tục ký với Sông Thu đóng tới 10 tàu kéo xuất khẩu, trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Trong cuốn lịch treo tường do Tập đoàn Đa-men biên soạn và phát hành toàn thế giới Xuân 2011, hình ảnh tàu cứu hộ sự cố tràn dầu MPV-5212 do Sông Thu đóng đang chạy thử tại Cù Lao Chàm đã được in trang trọng ở tờ đầu tiên. Và những ngày tháng 5 này, 10 con tàu đang nằm trên triền đà bên những khẩu hiệu đẩy mạnh thi chào mừng sinh nhật Bác, gợi nhớ về con tàu đầu tiên giữa bộn bề gian khó…
Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ PHAN