QĐND - 1. Trà Sư mỗi lúc mỗi khác, mỗi mùa mỗi đẹp, nhưng đẹp nhất vào quãng từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 - Lời giới thiệu này khiến tôi có nghĩ nối theo: Đâu có dễ để xem trọn bốn mùa, để biết Trà Sư mùa nước nổi có sự biến đổi thế nào đối với người phương xa. Trước khi đi đã có thông tin: Rừng Trà Sư là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. 845ha rừng Trà Sư có 140 loài thực vật thuộc 52 họ. Trong đó, loài cây phát triển mạnh nhất là cây tràm. Nơi đây có nhiều loài động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Điển hình là các loài chim nước. Trong số 70 loài chim từng trú ngụ tại đây có hai loài quý hiếm là giang sen và điêng điểng - đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam... Giờ, đến rồi, mới thấy, giá trị của khu rừng không chỉ ở riêng đó, mà nếu được đầu tư, khai thác hơn, hẳn sẽ còn thêm nhiều điều thực ý nghĩa.

Ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, thú nhất là được nhẹ nhàng thả mình trên những chiếc xuồng (người miền Tây gọi là vỏ lãi hay tắc ráng), xuôi theo những con rạch được hình thành giữa rừng tràm vào mùa nước nổi, nhìn mũi thuyền rẽ trên mặt bèo như đang tách đôi tấm thảm màu xanh. Hai bức “thành tràm” được tạo nên bởi không biết bao nhiêu thân cây, lướt mãi lại phía sau mà không dễ để dự chừng điểm mở. Phía trước, có lúc cứ ngỡ là những dải cát vàng mơ miên man theo những gốc tràm. Khi đến gần, hóa ra lại là thảm bèo tấm xanh tươi với những phiến lá nhỏ bé. Khẽ chạm ngón tay xuống, mảng bèo tan ra, thấy nụ cười mình chao qua giữa những vòng sóng.

Trước khi bắt đầu chuyến thủy trình lạ lẫm đó, chúng tôi đã thưởng ngoạn cảnh sắc, đẫm mình trong hương tràm bằng cách thuê xe đạp, chầm chậm đi trên quãng đường chưa đến 5km. Men theo mương nước, nhìn ngắm và cả ngửi mùi cây, mùi đất rồi có thể chủ động dừng chân nơi mình thích, ngả người nghe tiếng chim hót trên cây lẫn trong tiếng cá quẫy, đớp mồi dưới nước… Đạp xe, đi xuyên rừng theo tuyến đường nội bộ của khu vào mùa hạ hay leo lên tháp canh, cố ngắm được toàn cảnh khu rừng cũng khá thích nhưng để có sự thi vị như khi rẽ thảm thực vật, len qua những gốc tràm, thấy thấp thoáng dáng bạn đồng hành hay bóng ai kia phía trước thì phải lên xuồng trong mùa nước nổi.

Chị ngồi cạnh tôi, tay khư khư cái khẩu trang từ khi ở bến, lúc đi sâu vào rừng tràm cứ nhìn mấy em gái tỏ vẻ thích thú khi vừa ngồi trên xuồng, vừa khỏa tay xuống nước vớt bèo hay hái rau muống, rau dừa… Khi đi sâu vào rừng, đến thế giới của các loài chim, chị thốt lên: Nơi này như trong phim vậy! Tay chị nhét cái khẩu trang vào chiếc túi đeo ở nách. Phía trước, cò trắng, cồng cộc, chích, le le vẫn đang chao liệng, chí chóe.

Giữa những cơn gió man mác, người bồng bềnh, hương vây quanh, dễ cho lòng lâng lâng, thư thả mà nghe tiếng thiên nhiên đầy sức sống, tôi chợt nghĩ về chuyện kiểm lâm viên kiêm hướng dẫn viên du lịch. Nhưng rồi, lại yên tâm khi nhớ lời anh Phạm Thế Triều, Phó giám đốc thường trực Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch An Giang: Rừng tràm Trà Sư là một trong bốn điểm du lịch trọng yếu của tỉnh An Giang. Công tác quy hoạch, đầu tư đã được chú trọng, triển khai trong những năm qua và sẽ được tiếp tục. Đề án về đào tạo nhân lực du lịch của tỉnh sẽ được thực hiện từ năm tới.

Là người đã xa quê hàng chục năm, anh Nguyễn Hà Đại, hiện đang kinh doanh tại Nga, nay về thăm quê, gặp tôi trong chuyến đi này, chia sẻ: Nói thực, bao năm rồi nhớ quê nhưng tôi vẫn không về được. Nhưng tôi vẫn hay mơ thấy màu tràm. Nghe anh nói nhìn theo ngút ngát rừng tràm, tôi như thấy tôi của ngày mai, xa nơi này rồi, nhưng hẳn sẽ còn bị nét hoang sơ nơi đây ám ảnh. Nhiều người sẽ không bảo tôi nói thế là quá, khi biết câu chuyện dưới đây của Đinh Thị Mỹ Lan, cán bộ Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn Thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm An Giang.

2. Tháng 6 năm 2006, khi làm khóa luận tốt nghiệp Khoa Du lịch, Trường Đại học Dân lập Hùng Vương, Mỹ Lan chọn đề tài “Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang”.

Thảm bèo tấm tạo cho rừng tràm Trà Sư vẻ đẹp độc đáo. Ảnh: Đà Lâm

 

Mỹ Lan tâm sự: Khi về Trà Sư lấy thông tin, em mới biết mình là người đầu tiên làm khóa luận về đề tài phát triển du lịch sinh thái Trà Sư. Do đó cũng có chút khó khăn vì nơi đây còn rất hoang sơ, do lực lượng kiểm lâm vừa bảo vệ rừng vừa kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ đưa rước khách tham quan những nơi có các loài động vật hoang dã sinh sống và phục vụ ăn uống... Khi biết em đến xin tư liệu về rừng để làm đề tài, các anh, các chú ở Trà Sư rất vui vẻ và phấn khởi, đã nhiệt tình giúp đỡ tiếp cận thực tế và tiếp xúc với người dân xung quanh rừng. Nhờ những thông tin quý báu của ba lần đến Trà Sư, cùng với nhiều ngày ngủ nhờ nhà những người bạn hiếu khách mà em đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp của mình. Tháng 10 năm đó, em báo cáo tốt nghiệp và kết quả thật hài lòng với mức điểm tối đa.

Cũng từ những chuyến về với rừng đó mà trong em bỗng dậy lên lòng yêu thiên nhiên sâu sắc, bỗng nhớ da diết những thảm bèo xanh biếc, nghe thoang thoảng hương hoa tràm, rồi cảnh, rồi hình ảnh con người lam lũ cứ hiện lên trong tâm trí. Em quyết định về An Giang, về khu rừng tràm Trà Sư với quyết tâm phát triển vùng đất phèn này thành khu du lịch lý tưởng nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Thế nhưng gia đình em phản đối vì ai đời tốt nghiệp loại khá, có hộ khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh mà lại tìm về nơi “khỉ ho cò gáy”, nơi phèn chua, điện sinh hoạt có chỗ còn chưa có để làm việc. Em đã khóc thật nhiều vì ý tưởng của mình không được mọi người ủng hộ nhưng em không buông xuôi. Cuối cùng, sự bướng bỉnh của em đã chiến thắng. Ba em nói: “Cho con ba tháng, còn nhiều hơn là sáu tháng để theo đuổi ước mơ của mình. Còn thấy không được thì trở về, gia đình luôn ở phía sau”.

Nghe ba nói vậy, em mừng như bắt được vàng, thế là em khăn gói tức tốc lên xe thẳng tiến miền Tây, về với Trà Sư. Tháng 12 năm 2006, em được nhận vào làm nhân viên tại Trạm Kiểm lâm Trà Sư, phụ trách đón tiếp khách tham quan, hướng dẫn và đưa các ý tưởng thiết thực để từng bước phát triển du lịch nơi đây. Do cơ quan chưa có nơi nghỉ ngơi nên buổi trưa em phải xếp ghế lại để ngả lưng, còn chiều về nhà thuê ở tận Nhà Bàng, cách trạm khoảng 10km, để nghỉ ngơi”.

10km đi đi về về ấy đã cho Lan nhiều kỷ niệm do gần nửa chặng đường là đường đất có bề rộng hơn 3m, có nơi đất bị lở mất một phần ba. Mùa khô đi lại chỉ e bụi đường bám đầy quần áo và có khi bay cả vào mắt, còn mùa mưa thì đó là nỗi sợ của Lan. Lan nói: “Không biết bao nhiêu lần em bị té xe, “đo đường” vì đường rất trơn, có lúc đứt cả đôi dép mới mua vì trượt chân. Do đó, câu cửa miệng của em khi chạy xe trên con đường kỷ niệm đó là “Nam mô a di đà phật cho con qua đoạn đường này và về nhà an toàn”. Cuối tuần, em phải chạy xe hơn 70km về nhà, ở Chợ Mới, để thăm gia đình và cũng để ba mẹ an tâm mà cho đi làm tiếp, nhưng lần nào về cũng bị la sao mà đen và ốm vậy. Em bảo, chỉ năm đầu thôi, sang năm thứ hai là con sẽ lấy lại phong độ của mình”.

Khi này, đã chuyển về Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn Thiên nhiên,  Lan vẫn có thể nói về Trà Sư không muốn dứt như thuở đó em thăm nhà, líu lo đủ chuyện về rừng, về chim cò, về cây cối cho mấy đứa em nghe. Nào là mùa khô thì phải xả nước phèn trong rừng ra để rửa phèn đồng thời để rễ cây dễ thở và bám chặt lại đất. Vì sau một thời gian bị ngập nước, bộ rễ đã lỏng lẻo, khiến cây dễ đổ ngã. Lúc đó, cá nổi dày trên mặt nước đỏ ngầu vì nhiễm phèn, ăn không hết phải làm khô. Rồi, về mùa lũ, nước theo các cống mở vào khu rừng, những chất bẩn trong mùa khô sẽ bị đẩy ra ngoài rừng, nước trong xanh, bèo tấm bắt đầu phát triển…

Tấm thảm thực vật xanh tươi của rừng lại trải ra… Đó chính là điểm đặc biệt nhất của rừng tràm Trà Sư mà tôi đang nhớ và Đinh Thị Mỹ Lan không thể nào quên.
QUỲNH LINH