Ngày nay, thành Cửa Bắc trở thành điểm tham quan thú vị đối với du khách. Ngay trên cổng thành có khắc chữ “Chính bắc môn”. Bắc môn được xây dựng từ thời Nguyễn, trên nền Cửa Bắc thời Lê và hoàn thành năm 1805. Bắc môn được xây dựng theo kiến trúc vọng lâu phía trên là lầu phía dưới là thành. Thành Cửa Bắc không chỉ là một di tích còn sót lại của khu thành cổ Hà Nội mà nơi đây còn là minh chứng cho những cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân Hà Nội chống lại thực dân Pháp trong buổi đầu chiếm thành Hà Nội.

Với chiều cao gần 9m, với vòm cửa cuốn có rèm đá trang trí tinh xảo, cổng thành cửa Bắc không thật cao nhưng rất bề thế. Đứng trên cổng thành, dưới hai tầng ngói cong tám mái theo kiểu đình chùa, người ta dễ nhận thấy toàn bộ tháp chuông của nhà thờ Cửa Bắc mà nếu đứng vị trí khác sẽ khó thấy hết vẻ đẹp riêng biệt của nó.

Cửa Bắc xưa. Ảnh: TL

Điều thứ hai nữa, trên vị trí ấy có thể nhìn thấy những tán cây tròn vo, nhấp nhô như cả một đàn voi chiến đang tràn đi bốn phương tám hướng.

Tại đây đã xảy ra ít nhất là hai trận đánh lớn, có thể nói là long trời lở đất, cống hiến cho lịch sử giữ nước của dân tộc hai tên tuổi bất tử: Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu. Đêm 19, rạng sáng ngày 20-11-1873, quân Pháp bất ngờ đánh chiếm vòng phòng thủ bên ngoài của hai cửa phía nam, và vượt qua cầu trước khi quân trú phòng kịp bắn xuống. Cùng lúc đó, hỏa lực quân Pháp cũng bắn vỡ cửa Nam, và chỉ trong một giờ, quân Pháp đã treo cờ Pháp lên vọng lâu thành Hà Nội. Con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20-12- 1873 (1-11 Âm lịch), thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Đích thân vua Tự Đức tự soạn bài văn tế cho ba vị công thần (Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm, Nguyễn Tri Phương) và cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương tại quê nhà.

Cửa Bắc ngày nay. Ảnh: LONG TRẦN

9 năm sau, Pháp tấn công thành Hà Nội lần hai, Hoàng Diệu được vua Nguyễn giao chức Tổng đốc Hà Nội và ông đã dẫn đầu quân sĩ chiến đấu chống lại quân Pháp. Cuộc chiến trên mặt thành xem ra còn căng thẳng hơn, dữ dội hơn giữa đội quân của Thiếu tá Hen-ri Ri-vi-ê với quân của Tổng đốc Hoàng Diệu. Những dãy nhà tranh của phố Hàng Bún và Hàng Than bốc cháy dữ dội, lửa khói ngút trời. Lực lượng ngày càng yếu đi, không thể giữ được thành nữa, Tổng đốc Hoàng Diệu đã ra lệnh cho tướng sĩ giải tán để tránh thương vong, một mình vào hành cung, thảo tờ di biểu, rồi ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử. Đó là ngày 25-4-1882 (tức ngày 8 tháng 3 Âm lịch). “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng...”. Ông đã viết bằng máu những dòng này trong tờ di biểu.

Người Hà Nội vô cùng đau lòng. Ngay hôm sau, nhiều người họp lại, sắm sửa mền nệm tử tế, rước quan tài của Hoàng Diệu từ trong thành ra, tổ chức khâm liệm và mai táng tại khu vườn Dinh Đốc học (nay là địa điểm khách sạn Royal Star ở đường Trần Quý Cáp cạnh chợ Ngô Sĩ Liên, sau ga Hà Nội).

Khu di tích Cửa Bắc giờ đây trở thành một di tích lịch sử của Hà Nội, đến nơi đây du khách có thể cảm nhận một cách chân thực tội ác phá thành Hà Nội của thực dân Pháp. Hai pho tượng của tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu được thờ trên lầu của thành Cửa Bắc đã là một minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần quyết chiến, bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông ta.

ĐỨC THÀNH (Sưu tầm và biên soạn)