Trung tá, thương binh Phạm Văn Vân, chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) từng có 23 năm quân ngũ, hết Nam lại ra Bắc, tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ. Phần lớn thời gian ở quân đội, ông là cán bộ chính trị. Ông thuộc rất nhiều ca dao, thành ngữ và đã từng sử dụng “kho tàng” này vào trong cả những trận... chiến đấu.

 

Ông Vân (thứ hai từ bên trái sang) cùng đồng đội thuộc Đại đội 5 đặc công năm xưa

Vượt rào kiểu “cá rô ngược nước”

Năm 1971, tại vùng A (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), địch xây dựng quận lỵ Ái Nghĩa thành một chi khu quân sự mạnh bên dòng sông Vu Gia để ngăn quân ta tiến công Đà Nẵng từ phía Tây Bắc, đồng thời là nơi tiếp tế cho căn cứ Thượng Đức… Ở Ái Nghĩa, trọng điểm Đồn Cao có 6 lớp rào thép gai bảo vệ, bên trong là những hầm hào, công sự bằng bê tông cốt thép cùng các nhà lính kiên cố. Địch rêu rao: “Ai đánh sập được Ái Nghĩa thì nước sông Vu Gia sẽ chảy ngược dòng!”.

Theo yêu cầu của chiến dịch, ta phải “nhổ”  gấp Ái Nghĩa. Hạ tuần tháng 4-1971, mặt trận 4 Quảng Đà lệnh cho Tiểu đoàn đặc công 491: “Trong vòng 7 ngày chuẩn bị, đêm cuối cùng phải làm chủ Đồn Cao”. Hiểu ý định của trên, chi ủy, chỉ huy đại đội 5 - đơn vị được phân công đánh Đồn Cao - quán triệt để bộ đội xác định tinh thần vượt mọi khó khăn, bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Đêm cuối tháng, trời nóng nực. Trước giờ G 30 phút, tổ cắt rào theo hướng đã chọn đột nhập Đồn Cao. Sau khi cắt xong 3 lớp rào ngoài cùng, gặp taluy gần như dựng đứng, cao tới 4 - 5m, anh em công kênh nhau mãi mà vẫn chưa thể cắt được lớp rào tiếp theo, liền bò ngược ra gặp đồng chí Tham mưu phó Tiểu đoàn và các cán bộ đại đội ở vòng ngoài, cùng bàn bạc khắc phục. Thời gian gấp gáp. Trời thì mưa như thác đổ. Bỗng nhiên Trung úy  Phạm Văn Vân, Chính trị viên Đại đội 5 nhớ tới câu ca: “Trời mưa đi xét cá rô/ Gặp thằng cu Tý đội ô cởi trần” mà ngày nhỏ anh cùng bạn bè chăn trâu vẫn hát, anh vui sướng reo thầm: “Cá rô ngược nước, tìm ra rồi!”… Đồn Cao đất pha sỏi đá, qua nhiều năm, tất sẽ có rãnh nước chảy từ đỉnh xuống theo hướng vuông góc với các lớp rào. Bám theo đó ngược lên, lợi dụng chỗ trũng chân hàng rào, nếu cần thì moi rộng thêm rồi luồn qua, toài lên… Thật là kỳ diệu, cả bốn người như những chú cá rô rạch mưa mùa hạ, nhanh chóng vượt qua hàng rào trong cùng dưới mưa giông. Khi bọn lính gác phát hiện ra, cũng là lúc chúng cùng các nhà lính bị “dính lửa” của những quả thủ pháo do tổ cắt rào “gửi tặng”. Từ bên ngoài, bộ đội phát huy tối đa  các loại hỏa khí, hỏa lực, hạ 4 lô cốt đầu cầu trong vòng 3 phút, lao vào trong trừng trị quân địch. Sau một giờ đồng hồ, Đại đội 5 làm chủ hoàn toàn Đồn Cao, cùng các mũi tiến công khác làm nên chiến thắng Ái Nghĩa…

Vượt dốc nhờ “cầm đèn chạy trước ô tô”

Một đêm hè năm 1984, sau khi làm nhiệm vụ ở vùng Thanh Thủy, Pa Hán (Hà Giang), Trung đoàn 818 thuộc Sư đoàn 314, Quân khu 2 củng cố lực lượng ở huyện Yên Minh, được lệnh cơ động về chốt tại Quản Bạ. Trên đường từ Yên Minh đi Quản Bạ có một cái dốc dài khoảng 3km. Nếu mở đèn ô tô, thì xung quanh sẽ phát hiện toàn bộ đội hình đơn vị hành quân. Làm thế nào để giữ được bí mật? Vì thế, vừa chạm dốc, đoàn quân phải dừng lại.

Trước tình huống ấy, Thiếu tá Phạm Văn Vân, Trung đoàn phó Chính trị chợt nhớ câu: “Cầm đèn chạy trước ô tô”. Sau khi hội ý với Thiếu tá Trần Văn Minh, Trung đoàn trưởng, anh cùng một đồng chí đại đội trưởng cầm đèn pin đi trước, bật công tắc, dốc ánh sáng xuống hai mép đường làm “hoa tiêu” để xe ô tô đi theo. Sau 3 giờ đồng hồ, cuộc hành quân hoàn thành, bộ đội về đích an toàn.

Giờ đây ở cương vị chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Vân vẫn say mê nghiên cứu ca dao, tục ngữ, dân ca, vận những lời hay ý đẹp vào tuyên truyền vận động hội viên và bà con quê hương tham gia các phong trào sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Ông thường nói: “Nói hay nhưng cày phải giỏi”, “Quanh năm soi chiếc gương mờ/ Không bằng một phút soi nhờ gương trong”…

Bài và ảnh: Phan Tử Phăng