Quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản còn theo kiểu xin-cho

Theo Thông báo số 901/TB-TTCP ngày 11-6-2018 của Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý, khai thác khoáng sản ở tỉnh Lào Cai còn nhiều tồn tại, khuyết điểm, vi phạm ở hầu hết các khâu từ quy hoạch khoáng sản, cung cấp thông tin về quy hoạch và giới thiệu địa điểm dự án, thẩm định đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất liên quan đến hoạt động khoáng sản và thực hiện nghĩa vụ tài chính, như: Tiền thuê đất, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Lào Cai không ban hành quyết định tính hệ số quy đổi khối lượng thành phẩm hoặc quặng tuyển ra quặng nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, vi phạm quy định tại Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13-5-2008 của Chính phủ và Thông tư số 67/2008/TT-BTC ngày 21-7-2008 của Bộ Tài chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Qua thanh tra 6 chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện việc quản lý nguồn thu tài chính từ hoạt động khoáng sản còn nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây thất thu ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 95 tỷ đồng.

Khai thác quặng A-pa-tít tại khai trường Mỏ Cóc do Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam khai thác, quản lý.

Công tác quản lý và khai thác khoáng sản thiếu chặt chẽ, nhất là việc chấp hành chính sách, pháp luật về hoạt động khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, quản lý tài chính thiếu chặt chẽ, có nhiều dự án đầu tư về khoáng sản không hiệu quả, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc quản lý và khai thác khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên và khoáng sản của Nhà nước. Như tại dự án khai thác vàng gốc tại mỏ vàng Sa Phìn và Tsuha do Công ty Cổ phần Nhẫn làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Lào Cai cấp phép khai thác cho đơn vị này trên diện tích đất không nằm trong quy hoạch hoạt động khoáng sản, vi phạm Điều 4, Luật Khoáng sản năm 2010. Cũng tại dự án này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai điều chỉnh lại diện tích trên giấy chứng nhận đầu tư từ 38,93ha xuống 26,03ha đúng như giấy phép khai thác khoáng sản và quyết định cho thuê đất.

Đặc biệt, tại dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn do Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama được Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai (nay là Sở Giao thông vận tải-Xây dựng) giới thiệu địa điểm lập dự án với diện tích 3,77ha không thuộc quy hoạch sử dụng đất dịch vụ. Nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp này còn được UBND tỉnh Lào Cai cho tận thu, thu gom quặng Apatit khi thực hiện dự án trên, vi phạm Điều 65 và Điều 67, Luật Khoáng sản năm 2010. Vụ việc này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan và chỉ đạo Công an tỉnh Lào Cai xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Vũ Đình Thủy, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, cho biết: “Để xảy ra các tồn tại trên là do lực lượng chuyên môn của các huyện còn yếu, lực lượng của sở lại mỏng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh tăng cường chỉ đạo các địa phương chủ động kiểm tra, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý; kiến nghị giao chủ tịch các huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép”.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị rà soát, sửa đổi một số chính sách

Liên quan đến giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Vinaapaco), Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp đổi Văn bản đăng ký mỏ số 148 Apa-93, 149 Đv-93 ngày 28-8-1993; quyết định gia hạn hoặc đóng cửa mỏ đối với một số khai trường đã hết hạn khai thác. Bởi trước đó, vào năm 2014, các sở, ngành liên quan của tỉnh Lào Cai đã phát hiện Vinaapaco chỉ căn cứ vào hai văn bản trên để khai thác ở 5 khai trường trong một thời gian dài với tổng lượng quặng gần 17,6 triệu tấn, trị giá gần 2,7 nghìn tỷ đồng mà không có giấy phép khoáng sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Sau đó, Vinaapaco bị ông Nguyễn Văn Vịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai (nay là Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai) ra quyết định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường đối với tổng số tiền 1 tỷ 130 triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả và chấm dứt mọi hoạt động khai thác.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND các tỉnh thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26-3-2012 nhằm bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động khoáng sản, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi thể chế trong việc kê khai các loại thuế, phí và các khoản thu từ hoạt động khoáng sản. Không để các doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về việc kê khai, mà phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý thuế.

 ĐỨC TUẤN