Năm 1968, ông Nguyễn Văn Lanh bị ta xử lý nhầm, đến nay vẫn chưa được minh oan và truy tặng liệt sĩ...
Qua thông tin tìm hiểu chúng tôi được biết, ông Nguyễn Văn Lanh sinh năm 1925, tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế), tham gia hoạt động cách mạng năm 1939, vào Đảng năm 1942. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Lanh hoạt động nội tuyến trong lòng địch, vừa là cơ sở của Thành ủy Huế, vừa là cơ sở của tình báo quốc phòng, bị thực dân Pháp bắt tù đày ở nhà lao Thừa Phủ-Huế và Thanh Liệt-Hà Đông. Năm 1954, sau khi được trả tự do, Nguyễn Văn Lanh tiếp tục được phân công hoạt động trong lòng địch. Do không biết là cơ sở cách mạng bí mật và hoạt động đơn tuyến, nên ông Lanh đã bị xử lý nhầm năm 1968.
 |
Ông Hoàng Minh Cảnh trao đổi về nỗi oan khuất của ông Nguyễn Văn Lanh hơn 40 năm qua. |
Các nhân chứng có thời gian cùng hoạt động, công tác với ông Nguyễn Văn Lanh, như: Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương; ông Lê Bá Hàm (bí danh Trần Nghĩa), cán bộ tình báo thuộc Chi Tình báo đặc biệt của Ban Quân báo Liên khu V (trong kháng chiến chống Pháp) và là cán bộ tình báo Cục Nghiên cứu-Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) trong kháng chiến chống Mỹ; ông Nguyễn Nho Quý (tức Xuân Mạnh, Mười Nho) là Đại tá, nguyên Trưởng phòng Tình báo chiến lược (Phòng 37), Cục Tình báo-BTTM (nay là Tổng cục II-Bộ Quốc phòng) và một số đồng chí hoạt động cùng thời với ông Nguyễn Văn Lanh đều có văn bản khẳng định: Ông Nguyễn Văn Lanh là cơ sở tình báo nội tuyến của quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên trong những năm 1939-1968. Trong khoảng thời gian đó, ông Lanh cung cấp nhiều tin tức, tài liệu quý cho cách mạng. Quá trình công tác, ông Lanh hoạt động đơn tuyến trong hàng ngũ của địch. Do cơ sở của ta không nắm được nên để xảy ra việc xử oan ông Nguyễn Văn Lanh...
Tại Văn bản số 16/PA-25 ngày 20-4-1993, Phòng PA-25 (Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế) ghi rõ: “Trong kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Văn Lanh tham gia tổ chức Liên đoàn Công chức kháng chiến ở Huế đã bị địch bắt cầm tù. Sau ngày hòa bình lập lại năm 1954 tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại Huế. Lúc này, vì chính sách đàn áp của Ngô Đình Diệm nên chủ trương của Thành ủy đưa ông Lanh vào hoạt động trong tổ chức địch. Đó là nhân viên công nhật sửa chữa máy móc của đại đội 2 quân cụ ở Huế. Thời gian này, ông Lanh đã nắm được tình hình và cung cấp cho Thành ủy Huế nhiều tin tức có giá trị. Đến năm 1964 bị mất liên lạc. Sang năm 1964, được sự giới thiệu của Thành ủy Huế, Cục Tình báo chiến lược thuộc BTTM Quân đội nhân dân Việt Nam móc nối và sử dụng từ năm 1964 đến năm 1966. Cuối năm 1966 mất liên lạc nên ông Lanh đã hoạt động “nằm”.
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp ông Nguyễn Văn Lanh, Trung tá Nguyễn Tiến Chương, Trưởng ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: "Ngày 15-5-2013, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức hội nghị minh oan cho ông Nguyễn Văn Lanh dưới sự chủ trì của Đại tá Nguyễn Việt Dũng, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế; cùng đại diện các cơ quan, như: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy Huế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh, Công an tỉnh, Huyện ủy Phú Vang, Cục 11 (Tổng cục II-Bộ Quốc phòng)… và các nhân chứng cùng tham gia hoạt động với ông Nguyễn Văn Lanh. Sau thảo luận, hội nghị kết luận: “Ông Nguyễn Văn Lanh là một cán bộ hoạt động cách mạng từ năm 1939 đến 1968; là cơ sở tình báo của Thành ủy Huế, đồng thời là một tình báo viên hoạt động đơn tuyến trong lòng địch do Cục Tình báo, BTTM quản lý (nay là Tổng cục II-Bộ Quốc phòng). Trong quá trình hoạt động, ông Nguyễn Văn Lanh đã cung cấp nhiều tin tức có giá trị. Đến năm 1968 bị ta xử lý nhầm. Qua xem xét, hội nghị nhận thấy có đủ điều kiện để minh oan cho ông Nguyễn Văn Lanh. Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy có quyết định minh oan cho ông Nguyễn Văn Lanh, đồng thời có văn bản đề nghị các cấp có thẩm quyền xét truy tặng liệt sĩ và giải quyết các chế độ hiện hành cho gia đình ông Nguyễn Văn Lanh”.
Ngày 27-6-2013, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục gửi Tờ trình số 1460/TTr-BCH đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy sớm có kết luận minh oan cho ông Nguyễn Văn Lanh, chỉ đạo Thành ủy Huế và Sở LĐ-TB&XH tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị truy tặng liệt sĩ và giải quyết các chế độ theo quy định. Tuy nhiên, không rõ lý do tại sao, đã hơn 5 năm trôi qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn chưa có câu trả lời về trường hợp này.
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 21-9-2018, bà Lê Thị Niềm, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định: “Đến thời điểm này, sở chưa nhận được bất kỳ sự chỉ đạo nào từ Tỉnh ủy. Hiện chúng tôi chưa nắm được thông tin và cũng không có hồ sơ về trường hợp ông Nguyễn Văn Lanh”. Còn Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Hiện cơ quan đang cho anh em tập hợp tài liệu. Vì sự việc diễn ra đã lâu nên tìm lại thông tin rất mất thời gian; khi nào có thông tin, văn phòng sẽ thông báo lại”.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công, với tinh thần không để sót lọt đối tượng xứng đáng được hưởng. Chúng tôi đề nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế khẩn trương chỉ đạo xem xét, xác minh rõ đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Lanh, không để sự việc kéo dài.
NGUYỄN VĂN CHUNG