Ngày 4-1, chúng tôi "thực mục sở thị" hàng trăm cây thông có đường kính gốc từ 25 đến 50cm ở Cư Né bị đẽo vỏ (phía gốc) khiến cây chết khô. Tại buôn Rô 2, theo quan sát có khoảng 3.000m2, với hơn 100 cây thông bị đối tượng xấu đẽo, chặt gốc. Trong số đó, hơn 70 cây đã chết khô; hàng chục cây khác vết chặt còn mới. Ông Y Lem Mlô, Buôn trưởng buôn Rô 2, xã Cư Né, bức xúc: “Nhìn rừng thông bị xâm lấm, phá hoại, bà con trong buôn bức xúc lắm. Giờ người dân không dám cho bọn trẻ ra rừng thông chơi vì sợ cây đổ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri, nhưng tình trạng hủy hoại rừng thông không được ngăn chặn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Y Thân Mlô, Phó chủ tịch UBND xã Cư Né, khẳng định: "Lâm tặc" hủy hoại rừng thông nhằm mục đích xâm lấn đất rừng để sản xuất. Không chỉ rừng thông ở buôn Rô 2, mà ở các địa điểm khác, như buôn Mùi, gần trụ sở UBND xã cũng bị kẻ xấu phá hoại”.
 |
Cây thông dọc hai bên quốc lộ 14, đoạn qua xã Cư Né, huyện Krông Búc bị chặt gốc. |
Rừng thông dọc quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn huyện Krông Búc được trồng từ những năm 1980, với diện tích hơn 3.000ha, có chức năng phòng hộ, tạo cảnh quan cho quốc lộ 14. Tuy nhiên, do công tác quản lý, bảo vệ của chủ rừng thiếu trách nhiệm, dẫn tới tình trạng rừng bị chặt phá lấn chiếm lấy đất ở và đất sản xuất. Đến nay, diện tích rừng thông chỉ còn gần 500ha. Và với tình trạng rừng đang bị bức tử như hiện nay, thì không lâu nữa toàn bộ diện tích rừng ở đây sẽ bị xóa sổ. Theo người dân, đất dọc quốc lộ 14 lấn chiếm từ rừng được chuyển nhượng với giá 300 đến 400 triệu đồng/thửa diện tích 100m2(!).
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Búc, cho biết: "Thời gian qua, đơn vị đã tiến hành cưỡng chế, buộc phá bỏ nhiều diện tích cây công nghiệp, các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng thông; đồng thời đào hơn 3km đường mương và dựng hàng chục cột mốc để phân định giữa đất rừng tiếp giáp với đất rẫy của người dân. Hạt Kiểm lâm thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong năm 2018, hạt phối hợp với công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện xử lý một số tin tố giác về các đối tượng chặt phá, lấn chiếm rừng thông. Tuy nhiên, lâm tặc vẫn lén lút chặt phá, lấn chiếm rừng...".
Chúng tôi cho rằng, nếu những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thông ở huyện Krông Búc không được chấn chỉnh kịp thời, thì diện tích rừng còn lại sẽ tiếp tục bị lâm tặc chặt phá, chiếm đất bán để trục lợi. Chẳng lẽ, các cơ quan chức năng ở địa phương cứ để tái diễn thực trạng đáng buồn này?
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH