Buông lỏng quản lý

Khu đất trên do Ban quản lý dự án đường Láng-Hòa Lạc quản lý để xây dựng cầu vượt Phương Bảng. Năm 2006, Ban quản lý dự án cho Công ty cổ phần Giao thông Hà Nội mượn xây dựng nhà điều hành, trạm trộn bê tông. Năm 2010, lực lượng thi công rút đi, một số người dân đã lấn chiếm. Lãnh đạo Công ty cổ phần Giao thông Hà Nội liên tục có công văn đề nghị UBND xã An Thượng, UBND huyện Hoài Đức xử lý, nhưng chính quyền địa phương gần như “im lặng”, mặc cho nạn lấn chiếm đất công ngày càng ồ ạt hơn.

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến hàng chục ngôi nhà được xây dựng kiên cố, cái thì làm nhà kho, cái làm hàng quán, chưa kể hàng chục khu đất còn xây tường, phân lô. Nhiều nhà có cổng sắt kiên cố, xây xong cho thuê để kinh doanh. Tại một dãy nhà xây kiên cố còn treo biển của Nhà máy sản xuất Hương Ấn Độ, có địa chỉ tại 80B Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) tuyển dụng lao động. Chỉ cho chúng tôi xem một ngôi nhà còn có ô tô đỗ ngay trong sân, bà Nguyễn Thị Thắng, cán bộ Công ty cổ phần Giao thông Hà Nội bức xúc: “Nhà có cổng sắt, có người ở, đỗ cả ô tô mà chính quyền xã lại nói đây là công trình xây dựng “vô chủ”. Mấy năm rồi tôi được công ty giao phối hợp với địa phương giải tỏa khu đất, nhưng chính quyền gần như không hợp tác để rồi cứ tháng sau lại thấy nhà lấn chiếm mọc lên nhiều hơn tháng trước”.

Khu đất có 51 công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công. 

Cưỡng chế: Huyện kiên quyết, xã kêu khó!

Làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Tháng 2-2016, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra, phát hiện 51 công trình vi phạm, trong đó, 37 công trình do 5 hộ gia đình thực hiện (từ đầu năm 2012) và 14 công trình “vô chủ” (từ năm 2013 đến nay). Tổ công tác đã hướng dẫn UBND xã An Thượng lập hồ sơ, xử lý. UBND huyện đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã An Thượng phối hợp với phòng, ban chuyên môn của huyện kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa các công trình trái phép trước ngày 10-5.

Được phép của UBND huyện tham dự cuộc họp bàn biện pháp xử lý, chúng tôi chứng kiến trong khi UBND huyện tỏ thái độ kiên quyết xử lý thì ông Nguyễn Chí Lương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Thượng lại rất “lừng chừng”, viện dẫn nhiều lý do, kêu ca khó khăn. “Nhiều lần kiểm tra nhưng thiếu hồ sơ nên phải bổ sung. Giải quyết không thể một sớm một chiều. Có đơn của ông Chu Quang Đại khiếu nại…”- ông Lương trình bày.

 “Xây nhà trên đất công thì rõ ràng là vi phạm rồi. Trách nhiệm của xã anh phải chủ trì chứ. Đây là đất công phải thu hồi, họ vào lấn chiếm thì mình phải xử lý. Không thể chỉ vì mỗi cái đơn khiếu nại mà dừng xử lý vi phạm” - ông Nguyễn Anh chỉ đạo.

Ông Nguyễn Trọng Tấn, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết: "Khu đất nằm ngoài vành đai 4, không thuộc phạm vi đô thị, cũng không nằm trong nút giao thông. Nay đường làm xong sử dụng như thế nào UBND thành phố cần cho ý kiến để giải quyết dứt điểm”.

Ông Nguyễn Trung Lương, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức kiên quyết: "Vụ việc này đã được UBND huyện chỉ đạo rất nhiều lần, nhiều vụ việc lấn chiếm ở các xã khác khó hơn còn làm được, vụ này đã đủ điều kiện để cưỡng chế, không nên kéo dài".

Chung quan điểm trên, ông Giang Văn Thịnh, Phó đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Hoài Đức khẳng định: Chúng tôi đã tham mưu dừng cấp điện, kiểm tra về cư trú, lập và xử lý hồ sơ vi phạm. Các công trình đều thuộc thẩm quyền UBND xã An Thượng, nếu xã không cưỡng chế thì huyện phải cưỡng chế theo quy định của pháp luật, đồng thời kỷ luật Chủ tịch UBND xã. Đơn thư khiếu nại thì giải quyết theo quy trình cưỡng chế vẫn tiến hành. Chỉ có văn bản của tòa án mới dừng cưỡng chế".

Ông Nguyễn Chí Lương vẫn kêu khó, sau đó nói thẳng: “Bọn này nó ra lấn chiếm nó không đơn giản đâu mà có người… đứng sau nó. Theo tôi cần cưỡng chế ra làm hai đợt”.

Chậm cưỡng chế để hưởng lợi từ dự án Nhà tang lễ?

Phản bác ý kiến trên, ông Nguyễn Anh kết luận: "Việc vi phạm đã diễn ra từ lâu, không thể để kéo dài hơn được nữa. Thậm chí 14 công trình “không phép” chúng tôi cũng biết là ai rồi. Thế lực nào đứng sau thì nếu làm đúng chúng ta không sợ gì cả. Chậm nhất trước ngày 19-4, UBND xã phải hoàn thiện kế hoạch cưỡng chế báo cáo UBND huyện".

“Kết quả vẫn là họp xong rồi… để đó. Lãnh đạo huyện đã nêu ra mốc thời gian nhưng đến nay mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ", UBND xã vẫn chưa xong kế hoạch cưỡng chế. Công ty chúng tôi rất tích cực phối hợp, sẵn sàng hỗ trợ 100% kinh phí cưỡng chế nhưng UBND xã lại án binh bất động” - bà Nguyễn Thị Thắng trao đổi với phóng viên chiều 24-4.

Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân bế tắc của việc cưỡng chế, một cán bộ thanh tra xây dựng cho biết: Mấu chốt có thể do “thế lực đứng sau" như ông Bí thư Đảng ủy xã nêu. Đặc biệt mới đây, dự án Nhà tang lễ Quốc gia đã được phê duyệt quy hoạch, nằm đối diện khu đất nên nhiều người đã âm thầm “ém đất” bằng cách thuê xây dựng công trình trái phép từ lâu. Khu đất không còn nằm trong phạm vi công trình đường bộ nên có thể được chuyển giao cho các đối tượng khác sử dụng nên dẫn đến hiện tượng “câu giờ”, kéo dài thời gian cưỡng chế để được áp dụng cơ chế “phạt cho tồn tại”.

Đề nghị UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo xử lý nghiêm, lập lại trật tự quản lý và làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, không để nơi đây trở thành một điểm nóng đất đai.

Bài và ảnh: CÔNG MINH