Chiếc xe CA10, số hiệu CE 1283, do chiến sĩ Dương Quang Lựa ở Đại đội 5, Tiểu đoàn 964, Sư đoàn ôtô vận tải 571 (trong kháng chiến chống Mỹ trực thuộc Binh đoàn 12, năm 1976 chuyển về trực thuộc Tổng cục Hậu cần) lái cơ động mũi thọc sâu hướng chính, đã trở thành chiếc xe ôtô vận tải đầu tiên của quân đội ta tham gia đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. Báo Chiến sĩ Hậu cần số 214, ngày 10-11-1976, trong bài "Người lái xe đầu tiên vào Dinh Độc Lập-Sài Gòn" có nhắc đến sự kiện này. Chiếc xe ấy nay ở đâu?

Chiến sĩ Dương Quang Lựa và chiếc xe CE 1283 tại Sài Gòn sau ngày chiến thắng 30-4-1975

Những người biết đến sự kiện này còn nhớ, sau ngày chiến thắng, theo lệnh của Tổng cục Chính trị, Dương Quang Lựa đã tự tay lái xe CE 1283 từ Quảng Trị ra Hà Nội và đưa lên bệ xi măng trong khu triển lãm Giảng Võ... Vậy nhưng từ ấy đến nay, không ai còn rõ chiếc xe ở đâu. Để góp phần giáo dục truyền thống của bộ đội vận tải Anh hùng, mới đây, Ban liên lạc Sư đoàn 571 viết đơn đề nghị lãnh đạo Tổng cục Hậu cần cho phục chế chiếc xe lịch sử ấy. Vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần đã đồng ý chủ trương này.

Lữ đoàn 971 (Cục Vận tải - Tổng cục Hậu cần) được vinh dự làm nhiệm vụ phục chế xe CE 1283. Trong tay họ có 2 chiếc xe loại CA10 do Trung Quốc sản xuất vào đầu thập kỉ thứ bảy của thế kỉ trước. Chúng đã cùng các chiến sĩ lái xe "tăng cung, vượt chuyến" qua hàng vạn ki-lô-mét ở tuyến lửa, với bao lần sửa chữa, "đổ kéo, méo gò"… nay chỉ còn khung và ca bin rách rưới. Vật tư thay thế cho loại xe này trên thị trường không có. Thời gian lại gấp, trong vòng một tháng phải làm xong  hiện vật giống như "bản gốc" để trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội, phục vụ bộ đội và nhân dân tham quan dịp kỉ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 20 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-2009). Thật khó và không đơn giản chút nào!

Chiếc xe CE1283 phục chế, tại Bảo tàng Hậu cần ngày 12-8-2009

Nhóm thợ phục chế xe chụm đầu lại, nhìn thật kĩ ảnh tư liệu ghi hình anh lính trẻ Dương Quang Lựa đang nắm chắc tay lái chiếc xe tải, mắt dõi căng về phía trước trên đường tiến vào Dinh Độc Lập - Sài Gòn ngày 30-4-1975. Họ lặn lội tới các bãi thu gom sắt vụn để tìm mua từng đoạn ke, ốp thùng, bu lông, ốc vít… Nghe ngóng thấy ở đâu còn lưu giữ các chi tiết loại xe CA10 thời ấy, kể cả phế thải là họ đến tận nơi sưu tầm bằng được, mang về phục dựng. Sau ba tuần sưu tầm, sửa chữa, hai cặp thân xe và ca bin đã được ghép lại và "bồi đắp da thịt". Thật vui khi chiếc xe xuất hiện, được nhiều đại biểu… khen! Đại tá Nguyễn Văn Ninh, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn, Sư đoàn 571 (sau là Bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng Cục Xăng dầu) cùng các nhân chứng lịch sử nhận xét: "Nó y hệt chiếc xe CE 1283 do Dương Quang Lựa lái vào Dinh Độc Lập năm ấy".

Người chiến sĩ lái xe Lữ đoàn 971 thế hệ hôm nay đã lái chiếc CA10 - CE 1283 phục chế từ Sóc Sơn về Bảo tàng Hậu cần Quân đội tại Hà Nội. Chiếc xe đã trở thành hiện vật trực quan sinh động giáo dục truyền thống bộ đội vận tải, truyền thống Hậu cần Quân đội.

Được biết, tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam còn có một chiếc xe CA10 khác, biển hiệu đăng kí DD 4432, do Anh hùng Phan Văn Quý (tuyên dương ngày 14-10-1976, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Bình Dương) - nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 76, Trung đoàn 11, Sư đoàn ô tô vận tải 571, lái trên đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Do thời gian và điều kiện bảo quản, chiếc xe này đã xuống cấp nhiều, một số chi tiết gia cố thêm trong chiến tranh nay không thấy. Vì vậy, Ban liên lạc Sư đoàn 571 đã đề nghị Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cho phép bàn bạc cùng với Bảo tàng Hậu cần tiến hành tu sửa, khôi phục, nâng cấp chiếc xe để bảo quản được lâu dài. Toàn bộ kinh phí do Tập đoàn Thái Bình Dương tài trợ.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG