Nhận định đây là vụ án hình sự có tính chất nghiêm trọng, số lượng bị cáo đông (14 bị cáo), thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân nên phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự Sùng A Sính và đồng phạm được TAND tỉnh Điện Biên tiến hành xét xử công khai.
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án như sau: Năm 2010, Lầu A Lềnh tham gia tổ chức lập ra cái gọi là “nhà nước Mông” do Tráng A Chớ trú tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé cầm đầu. Lầu A Lềnh đã tham gia 5 cuộc họp. Nội dung các cuộc họp này là để phân công chức vụ, đúc sao, quân hàm, soạn thảo tài liệu, cương lĩnh phục vụ tuyên truyền lôi kéo người tham gia tổ chức lập "nhà nước Mông". Ngày 29-6-2011, Lầu A Lềnh bị cơ quan Công an tỉnh Điện Biên khởi tố về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, nhưng sau đó bỏ trốn.
 |
Hội đồng xét xử triệu tập 14 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. |
Từ tháng 8-2018 đến tháng 3-2019, nhằm lật đổ chính quyền, chống lại Nhà nước, các bị cáo: Sùng A Sính, Lầu A Lềnh, Hờ A Hù, Chang A Súa, Hoàng Văn Páo, Giàng A Sinh, Sùng A Dơ, Giàng A Và, Sùng A Sình, Giàng A Dia, Hoàng Văn Chơ đã có hoạt động xây dựng lại tổ chức, lập lại “nhà nước Mông” tại huyện Mường Nhé. Mục đích của tổ chức này là cướp đất, cướp chính quyền, thay thế chính quyền tại huyện Mường Nhé bằng một chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy, tổ chức riêng, có chữ viết, có con dấu, cờ, đồng tiền, lực lượng công an, quân đội riêng của người Mông, có cương lĩnh riêng. Thào A Khu, Phàng A Minh, Phàng A Lanh biết rõ Hờ A Tàng, Vàng A Chủa đang lẩn trốn cơ quan chức năng vì hành vi tham gia tổ chức thành lập “nhà nước Mông” nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng mà còn cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đối tượng, gây cản trở quá trình điều tra nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Nói lời sau cùng, các bị cáo đều đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ chính trị của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đủ các yếu tố cấu thành tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; che giấu tội phạm theo quy định tại khoản 1, Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); khoản 1, 2, Điều 109; khoản 1, Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015. Từ đó cần áp dụng một hình phạt nghiêm minh tương xứng với hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra.
Sau khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nghẹ, Hội đồng xét xử tuyên án: Sùng A Sính chịu mức án chung thân về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Lầu A Lềnh chịu mức án chung thân về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, 7 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tổng hình phạt là chung thân. Hoàng Văn Páo chịu mức án 20 năm tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Sùng A Dơ, Giàng A Và, Sùng A Sình, Giàng A Dia, Giàng A Sinh, Hờ A Hù, Cháng A Súa, Hoàng Văn Chơ cùng chịu mức án 8 năm tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Thào A Khu, Phàng A Minh, Phàng A Lanh cùng chịu mức án 24 tháng tù về tội che giấu tội phạm.
Bản án tại phiên tòa sơ thẩm là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các đối tượng tham gia các hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước, lật đổ chính quyền nhân dân.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN