Phu nhân Giắc-ki Ken-nơ-đi và con gái quỳ trước linh cữu Tổng thống J.F.K - hình ảnh từng gây xúc động đối với nhân dân Mỹ

Sau hơn 40 năm mịt mờ trong tấm màn bí mật, thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục xuất hiện những thông tin mới xung quanh vụ Tổng thống Giôn Phít-gơ-ran Ken-nơ-đi (thường được gọi vắn tắt là J.F.K) bị ám sát.

Lược thuật vụ ám sát

Ngày 22-11-1963, các nhà chính trị đã đưa vị tổng thống 46 tuổi đến Tếch-dát. Chuyến đi 2 ngày tới đây là để vận động cho chiến dịch tranh cử năm 1964. Cùng với đệ nhất phu nhân Giắc-ki ở hàng ghế sau, J.F.K mỉm cười và vẫy đám đông. Trên hàng ghế trước, thống đốc Giôn Côn-nan-li và bà Nen-li, vợ ông, tươi cười trước sự chào đón của người dân Tếch-dát.

11 giờ 37 phút, J.F.K từ Phoót Uốt tới Đa-lát. Khoảng 200.000 người dân Đa-lát đã vẫy chào tổng thống khi đoàn mô-tô hộ tống xuất hiện.

12 giờ 30 phút, J.F.K bị bắn. Thống đốc bang Tếch-dát bị thương nặng.

12 giờ 32 phút, Li Ha-vây Ô-oan bị phát hiện tại phòng ăn ở tầng 2 của kho sách đối diện với Di-lây Plaza. Khoảng 35 phút trước khi đoàn mô-tô của J.F.K đi qua, Ô-oan đã có mặt trên tầng 6 của tòa nhà.

13 giờ 00 phút, vị tổng thống trẻ nhất nước Mỹ được xác nhận là đã chết tại bệnh viện Pác-len Mê-mô-ri.

13 giờ 12 phút, cảnh sát lục soát kho sách và tìm thấy vài chiếc hộp, 3 vỏ đạn và một chiếc túi giấy ở tầng 6. Vài phút sau, họ phát hiện một khẩu súng gần cầu thang. Cảnh sát kết luận rằng Ô-oan liên quan đến vụ ám sát.

13 giờ 18 phút, cảnh sát phát hiện thi thể của J.D. Típ-pít, một cảnh sát tuần tra Đa-lát bị bắn chết ở phía nam thành phố.

13 giờ 50 phút, Ô-oan bị bắt tại nhà hát Tếch-dát sau khi một nhân chứng nhìn thấy ông ta tại nơi Típ-pít bị bắn. Sau đó, Ô-oan bị kết luận là liên quan đến cái chết của Típ-pít và vụ ám sát J.F.K.

14 giờ 38 phút, Giôn-xơn tuyên thệ nhậm chức tổng thống trên phi cơ Air Force One.

24-11-1963, Ô-oan bị Giắc Ru-bi, một chủ hộp đêm, bắn chết khi đang chuyển trại giam. Ru-bi bị kết tội giết người và nhận án tử hình. Ông này kháng cáo. Tháng 1-1967, Ru-bi chết vì ung thư tại bệnh viện Pác-len Mê-mô-ri khi đang chờ tòa xét lại.

29-11-1963, Tổng thống Giôn-xơn thành lập ủy ban điều tra đặc biệt do thẩm phán tòa án tối cao Ơn Oa-ren đứng đầu để điều tra vụ ám sát J.F.K.

24-9-1964, Ủy ban của Oa-ren kết luận Ô-oan đã hành động một mình. Bản báo cáo này gây nhiều tranh cãi.

2-1-1979, Ủy ban điều tra của quốc hội kết luận rằng Ô-oan đã bắn J.F.K. Tuy nhiên, họ khẳng định rằng phát súng thứ hai được bắn đi từ hướng khác, yếu tố quan trọng dẫn tới kết luận cuối cùng rằng có âm mưu ám sát tổng thống.

Những năm 1980, các cuộc điều tra của chính phủ bác bỏ kết quả của ủy ban điều tra của quốc hội. Năm 1988, Bộ Tư pháp chính thức ngừng điều tra vụ ám sát và kết luận rằng không đủ bằng chứng cho thấy có âm mưu ám sát tổng thống.

1992, Quốc hội Mỹ công bố hơn 6 triệu trang tài liệu liên quan đến cái chết của J.F.K.

Trong một thời gian dài, Đa-lát bị ghét bỏ vì người ta cho rằng chính thành phố này gây ra cái chết của tổng thống. Người dân Đa-lát cho hay các điện thoại viên đã không nối máy cho họ và lái xe ta-xi không thèm chở họ. Bí mật “tày trời”

Hơn 40 năm sau, J.F.K vẫn là nhân vật được chú ý ở Mỹ, một vị tổng thống được yêu mến sau khi qua đời hơn lúc còn sống. Đa-vít Crốc-két, nhà khoa học chính trị tại đại học Tri-ni-ty, bình luận: “Người ta thương cảm Ken-nơ-đi mà phần lớn là vì ông ấy bị ám sát. Ông ấy trẻ, hấp dẫn, và là một nhân vật gặp thảm kịch”.

Đề tài về vụ ám sát J.F.K cũng được mổ xẻ trên vô số phương tiện thông tin đại chúng. Cách đây chưa lâu, “Những tiết lộ mới” - bộ phim tài liệu về J.F.K- là kết quả của một cuộc điều tra của hai nhà báo Uy-li-am Rây-mông và Béc-na Ni-cô-lát đã được phát trên kênh truyền hình Pháp Canal +. Uy-li-am Rây-mông còn là đồng tác giả quyển sách “J.F.K, nhân chứng cuối cùng” viết chung với Bin-li Ét-tê, người đã giữ kín những bí mật chung quanh vụ ám sát J.F.K hơn 40 năm qua.

Cả hai tài liệu này cung cấp những thông tin mới lạ khẳng định ít nhất 3 điều hoàn toàn khác với những gì chính thức được công bố. Đó là J.F.K bị bắn từ phía trước làm vỡ một phần hộp sọ trên trán phải chứ không phải bị bắn từ phía sau.

Thứ hai, ngoài sát thủ Ô-oan chính thức được nêu tên còn có sát thủ thứ hai là Man-com Oa-lít. Chính loạt đạn của tên này giết chết J.F.K. Oa-lít là một sát thủ chuyên nghiệp, năm 1963 từng giết chết nhiều người nhưng chỉ bị trừng phạt nhẹ nhàng.

Thứ ba, người đứng đằng sau vụ ám sát lịch sử này có thể là Phó tổng thống Lin-đơn Giôn-xơn. Cái chết của J.F.K được coi là hậu quả của một cuộc đối đầu kinh tế - tài chính.

Trong quyển “J.F.K, nhân chứng cuối cùng”, Bin-li kể lại: Các-tơ khuyên ông nên tài trợ Giôn-xơn để chứng tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ. Từ đầu thập kỷ 1950, Bin-li, với tư cách là chủ tịch công ty mai táng Billie Sol Estes, xuất quỹ đều đặn khi thì nửa triệu, khi thì cả triệu USD sung vào quỹ đen của Giôn-xơn. Do việc làm kéo dài cả chục năm này là trái luật, Giôn-xơn muốn giấu nhẹm không cho ai biết mối quan hệ giữa ông ta với Bin-li.

Tuy nhiên, đối với Rô-bớt Ken-nơ-đi, bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng thời là em ruột của J.F.K, mối quan hệ này không thể giấu giếm được lâu. Thay vì dồn Bin-li vào thế bí, Rô-bớt đề nghị Bin-li hợp tác cung cấp thông tin về Giôn-xơn. Đứng giữa cuộc nội chiến giữa hai phe J.F.K và Giôn-xơn, Bin-li tự cứu bằng cách ghi âm tất cả những cuộc điện đàm tại nhà hoặc tại văn phòng công ty. Trong khi đó, Bin-li từ chối đề nghị của Rô-bớt. Ông chấp nhận đi tù vì lúc đó Giôn-xơn hứa sẽ cứu ông ra. Tuy nhiên, đó chỉ là một lời hứa suông. Năm 1962, công ty của Bin-li phá sản, bản thân ông ta ngồi tù 15 năm vì tin lời Giôn-xơn.

Chuyện khuôn mặt của J.F.K bị “tân trang” để che giấu những vết đạn bắn từ phía trước của sát thủ chuyên nghiệp Oa-lít đã được hai nhà báo Pháp chứng minh như sau: bà Loi, vợ của Giôn Li-dét- chuyên gia sửa sang mặt người chết-xác nhận với các nhà báo Pháp rằng ngay sau khi J.F.K bị bắn, chồng bà đã được mời tới sửa mặt J.F.K.

24 giờ sau, Li-dét trở về nhà bảo vợ và con gái lập tức lên xe chạy về hướng San An-tô-ni-ô cách Đa-lát 800km. Họ thuê nhà trọ. Giôn bật ti-vi theo dõi tin tức nóng hổi chung quanh vụ ám sát tổng thống Mỹ. Sau khi ti-vi phát cảnh Ru-bi bắn chết Ô-oan để bịt miệng, Li-dét mới đưa vợ con về nhà.

Khi tấm ảnh chụp khuôn mặt J.F.K lúc lâm chung công bố năm 1990, bác sĩ Cren-xâu, phẫu thuật gia tiếp nhận bệnh nhân số 24740 (tức J.F.K) khẳng định với các nhà báo Pháp rằng, khuôn mặt đã bị “tân trang” vì ông là người chăm sóc những vết thương trầm trọng do đạn bắn từ phía trước. Điều này chứng minh Li-dét đã sửa sang lại khuôn mặt J.F.K theo yêu cầu của một thế lực bí mật. Nhưng Li-dét chưa bao giờ có dịp nói ra điều đó thì năm 1975, y đã biến mất khỏi trái đất một cách bí hiểm.

Về chứng cứ Phó tổng thống Giôn-xơn đứng đằng sau vụ ám sát J.F.K, hai nhà báo Pháp đã thuật lại trong cuốn phim phóng sự điều tra công phu của mình qua những tình tiết thú vị. Tỉ phú Bin-li đã cung cấp những cuộn băng ghi âm lời thú tội của Clíp Cát-tơ, cánh tay mặt của Giôn-xơn. Theo mô tả của Clíp, Giôn-xơn là một người khao khát quyền lực, đã tuyên chiến với phe Ken-nơ-đi. Clíp cũng tố cáo một nhóm đại gia ở Đa-lát bất mãn cho rằng J.F.K là một tổng thống trẻ, ngạo mạn và muốn can thiệp vào công việc làm ăn của họ.

Sự thực đúng vậy, tháng 1-1963, J.F.K khẳng định quyết tâm tạo áp lực với quốc hội thông qua Đạo luật Ken-nơ-đi sửa lại những điều luật thuế ưu đãi các đại gia dầu lửa. Điều này có nghĩa là các đại gia sẽ mất đi 300 triệu USD mỗi năm. Đối với các đại gia này, với hành động đó, J.F.K đã tự ký bản án tử hình. Ngay sau khi J.F.K bị thủ tiêu, Giôn-xơn xóa bỏ ngay dự luật sửa thuế của J.F.K.

Trong quyển “J.F.K, nhân chứng cuối cùng”, Bin-li xác nhận Clíp Cát-tơ từng phân tích rằng, vụ ám sát J.F.K là một giai đoạn tất yếu để áp đặt những ý tưởng của tổng thống Giôn-xơn lên toàn nước Mỹ. Hơn nữa, cuộc chiến giữa hai phe Ken-nơ-đi và Giôn-xơn lúc bấy giờ đã lên đến cực điểm sau khi J.F.K tỏ ý muốn gạt bỏ Giôn-xơn, chọn một người ở bang Phlo-ri-đa để thay thế trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1964.

NGUYỄN HỮU CHIẾN (Tổng hợp từ báo chí nước ngoài)