QĐND - Vào những năm 1965-1967, Thiếu tướng Gri-gô-ri Bê-lốp là Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam. Nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông lưu lại trong tâm khảm những tình cảm tốt đẹp về Người. Bài viết này của ông in trong cuốn sách "Người Nga nói về Hồ Chí Minh" xuất bản ở Mát-xcơ-va năm 2010, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác.
Chúng tôi xin chuyển ngữ bài viết này từ nguyên bản tiếng Nga.
Trong đời người, có những cuộc gặp gỡ trở thành sự kiện sâu sắc trong ký ức suốt cả cuộc đời. Vào giữa những năm sáu mươi của thế kỷ trước, tôi đã có một số cuộc gặp gỡ như vậy.
Cuộc đời binh nghiệp đã đưa tôi tới Việt Nam vào những năm đó. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào thời đó đã trải qua những năm tháng khó khăn trên bước đường trưởng thành của mình là một quốc gia độc lập có chủ quyền ở Đông Nam Á.
“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” tháng 8-1964 đã thành cái cớ để Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh trên không chống miền Bắc Việt Nam.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chuyên gia quân sự Nga thăm trận địa tên lửa bảo vệ Hà Nội. Ảnh trong cuốn sách “Người Nga nói về Hồ Chí Minh” |
Ngày 14-8-1964 tôi được gọi về Mát-xcơ-va theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái P.Y-a.Ma-li-nốp-xki. Trong cuộc trao đổi mật ngắn gọn, Rô-đi-ôn Y-a-cốp-lê-vích nói rằng, tôi - Thiếu tướng Bê-lốp Gri-gô-ri An-đrây-ê-vích được trao trọng trách của Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ ngoài lãnh thổ Liên Xô. Ông nhấn mạnh: “Đồng chí được trao nhiệm vụ chỉ huy một đơn vị của quân đội Xô-viết gửi đến Việt Nam để giúp đỡ họ trong cuộc chiến đấu chống sự xâm lược của Mỹ. Quyết định của Chính phủ về giúp đỡ Việt Nam đã được phê chuẩn. Sau vài ngày đồng chí sẽ bay sang Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Vậy là tôi đã đến Việt Nam với vai trò Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô (tên gọi chính thức của các nhân viên quân sự của Quân đội Liên Xô ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa).
Bắt đầu những công việc bận rộn suốt ngày để xây dựng mặt trận phòng không ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng; huấn luyện các chiến sĩ phòng không và không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, kỹ năng hoạt động tác chiến ở các binh chủng pháo cao xạ - tên lửa chống máy bay Mỹ.
Tôi sẽ không kể lại tất cả các sự kiện của thời kỳ đó, bởi vì việc đó đã được viết cụ thể trong cuốn sách “Chiến tranh ở Việt Nam. Điều đó đã xảy ra như thế nào (1965-1973)?” xuất bản ở Mát-xcơ-va năm 2005.
Tôi chỉ muốn làm sao viết được kỹ hơn những sự kiện đã để lại trong đời tôi dấu ấn và làm xúc động tận đáy lòng tôi. Là một người tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng và lý thú khi bảo vệ Tổ quốc mình, đã từng nhận những huân chương, huy chương từ tay các vị chỉ huy và lãnh đạo cao cấp của quân đội. Nhưng ở đây, tại Việt Nam, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy thật sự có trách nhiệm cao cả vì công việc được Tổ quốc giao phó - Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết.
Trong việc thực thi nhiệm vụ của Trưởng nhóm chuyên gia quân sự, tôi thường phải giải quyết các vấn đề đảm bảo chiến đấu, đến gặp và trao đổi với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, ở cấp cao hơn nữa là gặp Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và cả gặp Chủ tịch nước - đồng chí Hồ Chí Minh.
Mùa xuân năm 1966, tôi nhận được lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô là trình bày cho lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam môn xạ kích từ các thiết bị phản lực di chuyển. Để hoàn thành nhiệm vụ cụ thể đó, một nhóm sĩ quan pháo binh do Đại tá A-da-rốp chỉ huy đã tới Việt Nam. Từ bản báo cáo của ông, tôi được biết rõ rằng: Đã có ý định qua miền Bắc Việt Nam cung cấp cho các đơn vị của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam các thiết bị tên lửa cỡ nhỏ (Ca-chiu-sa thu nhỏ dã chiến) được lắp đặt trên giá ba chân. Sau khi thống nhất các vấn đề liên quan tới việc trình diễn xạ kích, tôi cùng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - tướng Trần Sâm, chuẩn bị cho việc bắn thử trên thao trường. Sau bảy ngày thì mọi việc chuẩn bị xong.
Đúng giờ đã định, các vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tới. Tôi đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc đã sẵn sàng bắn theo mục tiêu trong một địa điểm hình vuông đã định. Ở đó đã được bố trí hào giao thông, công sự, hầm tránh, mô hình máy bay lên thẳng, xe vận tải, xe thiết giáp, công sự bê tông cốt thép nhẹ. Cự ly bắn là 8km.
Bộ trưởng Quốc phòng nói với tôi: “Chúng ta hãy đợi thêm tí chút nhé”. Sau 15 phút, một chiếc ô tô con hiệu “Pô-bê-đa” đến địa điểm, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh từ xe bước ra. Sau khi tôi báo cáo về việc chuẩn bị bắn và trình bày thực chất của việc bắn này, đồng chí Hồ Chí Minh đã yêu cầu được xem các thiết bị phản lực “Ca-chiu-sa”. Dĩ nhiên là mọi việc đã diễn ra chóng vánh và tôi cũng không kịp đánh giá đúng mức sự kiện gặp gỡ với đồng chí Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ chiến đấu đã hoàn thành tốt đẹp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến lại gần tôi và nói: “Đồng chí Bê-lốp, xin cảm ơn vì tất cả. Đề nghị đồng chí chuyển tới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên Xô lời cảm ơn của chúng tôi và lòng mong muốn được bố trí ngay các thiết bị này cho anh em chúng tôi ở Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Tôi chăm chú lắng nghe và quan sát cách nói của đồng chí Hồ Chí Minh. Lời đối thoại đơn giản, quần áo khiêm tốn giản dị, không một chút vội vàng, không có gì thừa trong vẻ ngoài của vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Đó là những gì đã gây ấn tượng mạnh hơn cả với tôi trong những giây phút tôi đứng gần Người. Ngay cả cái bắt tay của Người cũng thật ấm áp, chân tình và thiện chí. Rồi sau đó, tại khách sạn, khi trao đổi ý kiến với các đồng chí của mình (mà họ cũng ghi nhớ về Người như vậy), tôi hiểu rằng vì sao nhân dân Việt Nam rất kính trọng, yêu quý Hồ Chí Minh.
Cũng đúng với hình ảnh như vậy, chúng tôi đã nhiều lần thấy đồng chí Hồ Chí Minh khi Người gặp gỡ các chiến sĩ và cán bộ của Quân đội nhân dân Việt Nam tại các trận địa khói lửa, gặp gỡ các chuyên gia quân sự Xô-viết ở tiểu đoàn pháo cao xạ - tên lửa của Thiếu tá Prô-xcu-nhin.
Nhiều lần có mặt tại các lễ kỷ niệm, ngày hội của nhân dân Việt Nam, tại các buổi tiếp khách quan trọng, các hoạt động do Chính phủ và Chủ tịch tổ chức - nơi đồng chí Hồ Chí Minh có mặt, tôi luôn luôn nhìn thấy ở Người hình ảnh của một nhà hoạt động chính trị kiệt xuất, con người giải quyết những nhiệm vụ lớn lao tầm cỡ quốc gia, đồng thời lại là một con người rất giản dị và gần gũi - một CON NGƯỜI viết hoa.
Tôi có thể nói rằng, tôi đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tất cả bảy lần. Một lần, tôi còn được mời ăn tối tại nhà của Người.
Bữa tối diễn ra trong ngôi nhà gỗ ở sân của dinh Chủ tịch. Chúng tôi cùng Chủ tịch trò chuyện với nhau bằng tiếng Nga. Đồng chí Hồ Chí Minh nhớ lại những lần gặp đầu tiên của mình với những người dân Xô-viết vào năm 1923, khi Người làm việc ở Quốc tế cộng sản. Tìm hiểu cuộc sống ở Liên Xô, Người nhìn thấy ở đây tương lai của Tổ quốc mình lúc đó còn nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp.
Nhiều vấn đề được đề cập có liên quan tới đời tư của tôi, đồng chí Hồ Chí Minh đã quan tâm từng chi tiết đến gia đình tôi. Bữa tối kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, nhưng tôi thấy như thời gian trôi chỉ một thoáng qua.
Từ đó tới nay, đã qua nhiều năm tháng, giờ thì tôi khó nhớ lại tất cả cuộc trò chuyện thoải mái giữa hai chúng tôi. Nhưng còn đọng lại rõ ràng trong ký ức tôi điều quan trọng nhất. Đó là tình cảm và lòng biết ơn khi Người nói về Liên Xô, về nhân dân Xô-viết, về chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô trước quân phát xít Đức xâm lược. Nhân dân Nga, Người nói, đó là một dân tộc vĩ đại. Dân tộc đó vốn có tình cảm anh em và sự giúp đỡ các dân tộc khác. Đồng chí Hồ Chí Minh đã dẫn ra những tấm gương từ lịch sử nước Nga: Còn với ai mà những người con trai và con gái nước Nga không chìa bàn tay giúp đỡ anh em của mình! “Và ngày hôm nay, chúng tôi, những người Việt Nam”- Người nói - “luôn cảm thấy bên mình tình cảm giúp đỡ anh em đó. Kinh nghiệm vô giá của các chiến sĩ tiền tuyến của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chúng tôi luôn giữ gìn, vận dụng các truyền thống chiến đấu của các bạn cho các chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam biết đánh giá những việc làm tốt, và chúng tôi luôn luôn ghi nhớ những gì Liên Xô đã làm cho nhân dân Việt Nam”.
Để kết thúc, tôi muốn dẫn ra đây một tình tiết nữa từ cuộc đời tôi có liên quan tới đồng chí Hồ Chí Minh.
Sau khi tôi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng tôi phần thưởng cao quý của Việt Nam - Huân chương Lao động hạng nhất và khẩu súng lục có khắc tên “Smit-vesson”. Cảm ơn và đánh giá cao sự lao động của tôi!
Tôi thì lại rất cảm động vì những lời của đồng chí Hồ Chí Minh nói theo một duyên cớ khác: “Đồng chí Bê-lốp, tôi muốn được cảm ơn vợ của đồng chí. Chị ấy đã đợi đồng chí tới hai năm đằng đẵng khi đồng chí làm việc với chúng tôi ở Việt Nam. Hãy chuyển lời cảm ơn của tôi và để thể hiện lòng tri ân và kính trọng, tôi xin tặng chị ấy một bộ nữ trang bằng bạc có nạm ngọc lam”.
... Đã lâu rồi, đồng chí Hồ Chí Minh không còn ở bên chúng ta nữa, nhưng hôm nay Người vẫn hiện lên trước mắt tôi, như tôi đã thấy Người hơn bốn mươi năm về trước.
Con người ở lứa tuổi tôi (nay tôi đã 91 tuổi) thường hay nhớ lại những năm tháng mình đã sống qua. Những sự kiện ở Việt Nam, nơi tôi có góp một phần nhỏ công sức của mình, luôn luôn đọng mãi trong tâm trí tôi. Những cuộc gặp riêng với lãnh tụ của Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh là trang tươi sáng và đẹp nhất của đời tôi.
Gri-gô-ri Bê-lốp (Tiến Cường dịch)