QĐND - Tháng 7-2011, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã ký nghị định về việc áp dụng biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các nhóm tội phạm có tổ chức (OPG). Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu soạn thảo danh sách cập nhật OPG mới và cuối cùng đi đến kết luận rằng, ma-phi-a Nga nguy hiểm nhất đối với Mỹ.

Danh sách OPG mới của Bộ Ngoại giao Mỹ lập tức nhận phải sự phản đối của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm liên quốc gia. Họ cho rằng, tài liệu được soạn thảo cẩu thả và giờ đây có thể gây khó khăn cho vấn đề đơn giản hóa chế độ thị thực giữa Nga và Mỹ. Và thực tế, trong danh sách tội phạm được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biên soạn, chủ yếu là các công dân U-crai-na, U-dơ-bê-ki-xtan, Ác-mê-ni-a và một số nước khác.

Dù thực tế ma-phi-a Nga có thể không phải là mối nguy hiểm nhất so với ma-phi-a I-ta-li-a, nhưng tập đoàn tội phạm này cũng đáng để lực lượng an ninh, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu phải lưu tâm.

Theo ước tính, ma-phi-a Nga có khoảng 100.000 đến 500.000 thành viên. Chúng dính líu tới các hoạt động tội phạm có tổ chức ở nhiều nước như Hung-ga-ri, Tây Ban Nha, Ca-na-đa, Anh, Mỹ, Nga… Chúng cũng xâm nhập sang I-xra-en, Mỹ và Đức bằng cách sử dụng các thẻ định danh là người Đức và Hồi giáo. Các hoạt động của ma-phi-a Nga bao gồm: Buôn bán ma túy, vũ khí, đánh bom, buôn lậu, khiêu dâm, lừa đảo qua mạng… Một trong những nguyên tắc của chúng là không bao giờ hợp tác với chính quyền. Nếu có bất cứ thành viên nào hé răng khi bị bắt lập tức bị giết chết ngay sau khi được thả ra.

Một nhóm ma-phi-a Nga bị bắt giữ.Ảnh: grind365

“Chiến lược phát triển" của ma-phi-a Nga

Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, theo báo cáo của Cục Quản lý tội phạm có tổ chức của Nga, Liên đoàn Bộ Nội vụ (MVD), có khoảng 750 đến 800 “kẻ trộm trong pháp luật”- những ma-phi-a Nga. Đến năm 2001, ma-phi-a Nga đã lên tới 200 và 300 nhóm với quy mô khác nhau từ vài chục đến vài trăm thành viên.

Sự phát triển của tổ chức tội phạm Nga trong những năm 90 cơ bản theo 3 hướng.

Hướng đầu tiên tập trung vào các quốc gia mới độc lập của Liên Xô trước đây. Từ đây, các băng nhóm ma-phi-a dễ dàng truy cập các thị trường mới bên ngoài Nga. Ngoài việc thiết lập một chỗ đứng trong các thị trường mới này, ma-phi-a Nga còn hướng tới việc tấn công vào Tây Âu và Liên minh châu Âu thông qua phương Đông và Trung Âu. Hơn nữa, nó cũng tạo điều kiện cho ma-phi-a Nga mở rộng tới các nước vùng Ban-căng đầy xung đột, phía nam Cau-ca-su và vào I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ và I-rắc. Trong suốt thập kỷ này, ma-phi-a Nga thâm nhập các thị trường mới, áp đảo các tổ chức tội phạm địa phương và đặt nền móng cho những hệ thống tội phạm có tổ chức.

Hướng phát triển thứ hai của ma-phi-a Nga ở nước ngoài là châu Á. Đầu những năm 90, các nhóm ma-phi-a Nga đã tìm cách liên minh với “Hội Tam hoàng” ở Trung Quốc. Chúng cùng hoạt động tại Thượng Hải, Ma Cao, Hồng Công và thậm chí cả Ma-lai-xi-a. Ma-phi-a Nga sử dụng cảng Vla-đi-vô-xtốc làm cơ sở hoạt động và tận dụng lợi thế giao thương giữa Nga và các thị trường béo bở như Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, ma-phi-a Nga đã không tìm kiếm được lợi nhuận như dự kiến ban đầu. Một phần nguyên nhân là do sự thất bại của giao thương Trung-Nga và Nga-Hàn Quốc.

Mối quan hệ với các đối tác Trung Quốc cũng khó khăn hơn những gì ma-phi-a Nga tính toán. Các băng đảng tại Trung Quốc đều cảnh giác với người Nga và hoài nghi về những lợi ích tiềm năng của việc hợp tác.

Vào giữa những năm 90, cảm thấy thất vọng trước kết quả của chiến lược mở rộng sang châu Á, ma-phi-a ngày càng quan tâm và tập trung vào những cơ hội mới ở khu vực Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê. Đây là những khu vực cho ma-phi-a Nga cơ hội truy cập dễ dàng vào các mạng lưới tài chính toàn cầu cho mục đích rửa tiền. Hơn nữa, các quốc gia khu vực này tương đối yếu, lại khá phổ biến “văn hóa tham nhũng”, một môi trường quen thuộc gợi nhớ về không gian hậu Xô-viết, nơi các tổ chức tội phạm Nga đã phát sinh và phát triển rực rỡ.

Theo Interpol, ở Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê, ngày nay, ma-phi-a Nga tập trung tham gia vào các hoạt động buôn bán ma túy, vũ khí, rửa tiền. Cùng với các hoạt động hình sự cốt lõi, còn có một số bằng chứng cho thấy sự tham gia của ma-phi-a Nga với các doanh nghiệp ở khu vực Mỹ La-tinh. Ví dụ như việc kinh doanh mại dâm quốc tế, cho vay nặng lãi, tống tiền, bắt cóc, gian lận thẻ tín dụng, gian lận máy tính, sản xuất hàng giả... Mức độ tham gia của ma-phi-a Nga trong các hoạt động hình sự ở Mỹ La-tinh rất khó để xác định chính xác và thường xuyên thay đổi từ nước này sang nước khác.

Tại Mê-hi-cô, theo báo cáo của Interpol, các nhóm ma-phi-a Nga như Pôn-đôn-xcai-a, Ma-đu-kin-xcai-a, Tam-bô-xcai-a, I-da-mai-lốp-xcai-a đều liên quan đến một trong những tổ chức lớn tội phạm xuyên quốc gia của Nga-Vô-ri Gia-côn. Cùng đó, còn có các băng nhóm ma-phi-a khác đến từ Trê-xni-a, Gioóc-gia, Ác-mê-ni-a, Li-thua-ni-a, Ba Lan, Croa-ti-a, Séc-bi-a, Hung-ga-ri, An-ba-ni và Ru-ma-ni-a. Hoạt động chủ yếu của các nhóm ma-phi-a này bao gồm buôn ma túy, vũ khí, rửa tiền, mại dâm, buôn bán phụ nữ từ Đông, Trung Âu và Nga, buôn lậu di dân, bắt cóc và gian lận thẻ tín dụng.

Mối liên kết với các tổ chức tội phạm ở Mê-hi-cô cho phép các băng nhóm Nga có được các loại ma túy (đặc biệt là cocaine, heroin, và methamphetamine) với giá thấp. Vì thế, trong 5 năm qua, các tuyến đường buôn lậu qua Thái Bình Dương hoạt động mạnh mẽ, thay thế tuyến đường qua biển Ca-ri-bê bị giám sát ngày càng chặt chẽ. Hơn một nửa số cocaine vào nước Mỹ hiện tại được cho là đến phía Thái Bình Dương.

Ngày 3-5- 2001, lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đã bắt giữ ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương một tàu đánh cá của một người Nga chở 12 tấn cocaine. Sự kiện bắt giữ ma túy lớn nhất trong lịch sử ngành hàng hải này càng củng cố thêm bằng chứng về sự tham gia của ma-phi-a Nga trong buôn bán ma túy ở Mê-hi-cô.

Mối đe dọa an ninh quốc gia

Đầu năm 2005, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nga Ra-sít Nu-ga-li-ép cho biết, các nhóm tội phạm ma-phi-a Nga đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực trọng yếu trong nền kinh tế Nga, trở thành mối hiểm họa lớn đối với an ninh nước này. Báo cáo trước Quốc hội, ông Nu-ga-li-ép nói: “Hiện có hơn 100 nhóm tội phạm có tổ chức đang cắm vòi bạch tuộc của chúng trên khắp vùng biên giới giữa Nga với các nước, thậm chí còn vươn ra cả nước ngoài”.

Hiện tại, trên khắp lãnh thổ Liên bang Nga hiện hữu khoảng 8000 băng nhóm tội phạm có tổ chức, với 25 vạn thành viên. Trong vòng 10 năm qua, theo những thống kê không chính thức, đã có hơn 10.000 cuộc chạm súng tranh giành ảnh hưởng giữa các băng nhóm tội phạm ở Nga. Chúng cũng thực hiện hơn 600 vụ giết người thuê, trong đó có 95 người là chủ các nhà băng.

Năm 2009, một tờ tin tức hằng ngày của Anh đưa tin, ma-phi-a Nga đang chỉ đạo các hoạt động kinh doanh mại dâm ở Ma Cao (Trung Quốc) và Đức. Tờ báo này còn khẳng định, ma-phi-a Nga đang kiểm soát các hoạt động buôn bán ma túy ở Tát-di-ki-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan, thực hiện rửa tiền ở Xi-rút, I-xra-en, Bỉ và Anh. Hơn nữa, lực lượng này còn cầm đầu đường dây trộm cắp xe hơi, thậm chí là buôn lậu các nguyên liệu hạt nhân.

Trong khi đó, tờ Pravda nhận định, tội phạm Nga đang hoạt động rất tinh vi và không thể nắm bắt, ngay cả với phương Tây. Không chỉ có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, giới ma-phi-a Nga còn nổi tiếng bởi sự máu lạnh và không nể nang bất kể lực lượng nào. Cảnh sát, quan tòa, công tố viên, nhà báo… đều có thể bị khử nếu tạo ra mối đe dọa hay thậm chí cản trở tổ chức này.

Nhằm đối phó với nạn ma-phi-a Nga, năm 2010, một chiến dịch truy lùng đã được tiến hành đồng thời tại nhiều nước châu Âu. Tại Tây Ban Nha, chiến dịch này do lực lượng đặc nhiệm chống buôn lậu ma túy và tội ác có tổ chức tiến hành. 24 người đã bị bắt tại nước này. Các vụ bắt giữ có liên quan đến ma-phi-a Nga, bị cáo buộc buôn ma túy, rửa tiền. Báo chí Tây Ban Nha còn cho biết thêm, chiến dịch nói trên được tiến hành cùng một lúc tại Đức, Áo, Thụy Sĩ, Pháp và Ý. Bộ phận chống tham nhũng thuộc Viện Công tố Tây Ban Nha đã chỉ đạo phối hợp chiến dịch. Trong khuôn khổ chiến dịch, ngày 13-6, hơn 400 nhân viên cảnh sát và an ninh Tây Ban Nha, Mỹ, Thụy Sĩ, Nga và Đức đã tham gia các cuộc bố ráp ở Ma-la-ga, Ma-loóc-ca, Va-len-xi-a và Ma-đrít. Trong số những kẻ bị bắt giữ có Gen-na-đi Pê-tơ-rốp và A-lếch-xan-đơ Ma-li-xép, bị nghi ngờ là đầu sỏ. Ma-li-xép bị bắt cùng với vợ và một người bạn trong một điền trang ở Phri-gi-li-a-na, thuộc tỉnh Ma-la-ga. Còn Pê-tơ-rốp bị bắt tại nhà riêng nằm trên đảo Ma-loóc-ca. Những kẻ tình nghi bị buộc tội liên kết tội phạm, gian lận thuế, rửa tiền kiếm được từ các phi vụ giết người theo hợp đồng, buôn lậu vũ khí và ma túy. Bọn chúng sống xa hoa ở Tây Ban Nha suốt 12 năm nay và sử dụng các công ty ma ở đây để rửa tiền từ các hoạt động tội phạm ở Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây. Cảnh sát đã tịch thu khoảng 200.000 ơ-rô, 23 xe hơi sang trọng, một lượng lớn tác phẩm nghệ thuật và nhiều tài khoản ngân hàng với tổng trị giá 12 triệu ơ-rô.

Vla-đi-mia Ba-ru-cốp, một doanh nhân giàu có và là thủ lĩnh nổi tiếng của băng Tam-bót ở Xanh Pê-téc-bua, đã bị bắt tại nhà từ trước. Y hiện đang bị giam giữ ở Mát-xcơ-va trong lúc các ủy viên công tố điều tra những hoạt động của y. Một thủ lĩnh nổi tiếng khác của băng Tam-bót là Mi-khai-in Glu-xen-cô bị nghi ngờ vạch kế hoạch và điều khiển vụ mưu sát Phó chủ tịch Viện Đu-ma Quốc gia Nga Ga-li-na Xta-rô-vôi-tô-va ở Xanh Pê-téc-bua năm 1998.

Thẩm phán Ban-ta-xa, người ra lệnh chiến dịch tấn công ma-phi-a Nga này, bắt đầu điều tra các băng nhóm tội phạm có tổ chức vào năm 2006 và đã nhận được thông tin từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ và cảnh sát các nước Đức, Mỹ, Thụy Sĩ, Nga. Trong khi đó, tại Nga, từ thời Tổng thống V.Pu-tin đã công khai tuyên chiến với các hoạt động tội phạm, các băng đảng, cũng như nạn tham nhũng.

Nguyễn Hà Tuấn