QĐND - Trên địa bàn biên giới tỉnh Cao Bằng, tình trạng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy có chiều hướng gia tăng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, khép kín. 

Năm 2013, tội phạm mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy trên tuyến biên giới tỉnh Cao Bằng diễn biến phức tạp. Ngày 11-9, Đồn Biên phòng Thị Hoa (BĐBP tỉnh Cao Bằng) đã phối hợp với Công an huyện Hạ Lang bắt quả tang đối tượng Hoàng Văn Học, sinh năm 1983, tạm trú tại xóm Pò Măn, xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy tại nhà, thu giữ 6,99g hê-rô-in... Ngày 24-5, Đồn Biên phòng Lý Quốc phát hiện một đối tượng nữ điều khiển xe gắn máy biển kiểm soát 11K1-000.22 chạy hướng từ TP Cao Bằng qua Thác Bản về bản Thang. Bám nắm đối tượng có nhiều dấu hiệu khác thường, tổ công tác ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, phát hiện một bao tải màu trắng nhét ở khung xe, bên trong có một gói màu trắng giấu trong chiếc áo vải, chứa 10 bánh hê-rô-in. Đối tượng là Lý Thị Duyên, thường trú tại xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

BĐBP tỉnh Cao Bằng bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy, tháng 5-2013.

Các đối tượng mua bán, tàng trữ chất ma túy, ngoài vận chuyển đi các tỉnh khác tiêu thụ còn cung cấp cho các con nghiện trên địa bàn. Thượng tá Trịnh Xuân Khỏe, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thị Hoa cho biết: Địa bàn đồn quản lý gồm 3 xã biên giới (Cô Ngân, Thị Hoa, Thái Đức), có tới 4 tụ điểm thường xuyên hoạt động mua bán, sử dụng ma túy với 45 người nghiện. Theo thống kê chưa đầy đủ của BĐBP tỉnh, hiện nay, tại các huyện biên giới tồn tại 6 tụ điểm mua, bán lẻ, sử dụng chất ma túy với khoảng 360 người nghiện. Bên cạnh đó, tại một số xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, không ít người dân vẫn lén lút trồng cây thuốc phiện. Mới đây, tại xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, BĐBP tỉnh phải nhổ phá hơn 890m2 cây thuốc phiện. Thống kê của BĐBP tỉnh Cao Bằng, chỉ hơn 8 tháng năm 2013, BĐBP phối hợp với các ngành chức năng phát hiện, bắt giữ 27 vụ với 43 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; thu giữ 3,846kg hê-rô-in, 12 điện thoại di động, 16 xe máy. Tuy nhiên, con số mà BĐBP bắt được còn rất khiêm tốn so với thực tế. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Văn Phú, Phó chủ tịch UBND xã Việt Chu, huyện Hạ Lang cho biết: Địa bàn rộng, người dân ở cách xa nhau, nếu đi từ xã xuống xóm xa nhất cũng phải hơn 10km đường rừng. Mặc dù chúng tôi tích cực tuyên truyền, tổ chức các lực lượng vận động, nhưng do cán bộ kiêm nhiệm nên vẫn không xuể.

Trung tá Nguyễn Văn Mận, Phó trưởng phòng phòng Phòng, chống tội phạm ma túy (PCTPMT) BĐBP tỉnh Cao Bằng cho biết, công tác PCTPMT rất khó khăn vì Cao Bằng có địa hình rừng núi hiểm trở, phức tạp, nhiều đường mòn qua biên giới. Các đối tượng mua, bán ma túy thường thiết lập đường dây khép kín, hầu hết là người họ hàng, thân quen. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chủ yếu vận chuyển, sử dụng vào ban đêm và nhiều khi hoạt động có tính chất thanh trừng lẫn nhau nên tình hình an ninh rất phức tạp. Chúng sẵn sàng vứt bỏ hàng, tháo chạy sâu vào trong núi, rất khó truy đuổi. Bên cạnh đó, lực lượng PCTPMT lại mỏng, trang bị phương tiện còn hạn chế. Nhận thức, dân trí của đồng bào vùng biên còn thấp, đời sống khó khăn, họ thường qua lại biên giới, tập trung tại các cửa khẩu làm thuê nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia.

Để ngăn chặn nạn mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, trước hết, tỉnh Cao Bằng cần khẩn trương rà soát các tụ điểm mua bán, sử dụng ma túy trên tuyến biên giới; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân. Từng địa phương cần thành lập các tổ công tác, trong đó có cả cán bộ chuyên trách của huyện, xã, thôn và BĐBP thường xuyên bám bản, tổ chức tốt giáo dục kiến thức pháp luật, quốc phòng-an ninh... Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần phát huy vai trò các tổ chức quần chúng, lực lượng công an, dân quân tự vệ tại chỗ. Các lực lượng quân sự-công an-biên phòng-hải quan cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm ma túy. Trước hết, cần tập trung giải quyết các tụ điểm nóng; nắm chắc địa bàn, tổ chức tốt tuần tra, kiểm soát, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, linh hoạt xử lý các tình huống.

Về lâu dài, địa phương cần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, củng cố cơ sở hạ tầng, tạo nhiều ngành nghề, việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường củng cố hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, thường xuyên quan tâm đến công tác PCTPMT, góp phần củng cố quốc phòng, xây dựng biên giới an toàn, hòa bình, hữu nghị.

Bài và ảnh: DUY HIỂN