Hoạt động dưới “vỏ bọc” công ty

Công ty TNHH Dịch vụ tài chính (DVTC) Đại Tín, do Đỗ Thế Đại, sinh năm 1984, trú tại phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa đứng ra thành lập từ năm 2016, gồm 12 điểm kinh doanh trên địa bàn các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, thị xã Bỉm Sơn, TP Sầm Sơn và TP Thanh Hóa. Từ khi thành lập công ty, Đỗ Thế Đại thuê Nguyễn Thế Hùng làm giám đốc. Đến tháng 6-2018, Hùng bị bắt về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Đại tiếp tục thuê Cao Xuân Thu làm giám đốc và làm trưởng 12 chi nhánh, mỗi điểm kinh doanh thuê từ 2 đến 3 người thực hiện việc cho vay. Thủ đoạn hoạt động của công ty này là khi khách hàng đến vay tiền, công ty yêu cầu phải làm thủ tục mua bán xe của khách hàng và cho thuê lại chính chiếc xe đó để hợp thức hóa việc cho vay với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương 182%/năm). Sau khi vay tiền, khách hàng phải để lại đăng ký xe chính chủ, giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe) và đóng trước 10 ngày tiền lãi của số tiền đã vay, sau đó tiếp tục đóng lãi 10 ngày (một kỳ lãi). Từ năm 2016 đến nay, công ty này đã cho 4.056 khách hàng vay vốn với tổng số tiền 47 tỷ đồng; số tiền lãi thu được hơn 13 tỷ đồng. Quá trình điều tra, nhiều khách hàng cho biết vay công ty này 30 triệu đồng nhưng sau một năm đã trả hơn 100 triệu đồng tiền lãi mà vẫn chưa trả hết tiền gốc.

Công an TP Thanh Hóa làm việc với đối tượng Cao Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Đại Tín. Ảnh do Công an TP Thanh Hóa cung cấp

Một trường hợp tương tự là Công ty TNHH Trường Cửu, được thành lập năm 2016, do Nguyễn Duy Minh, sinh năm 1989, ở phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa làm giám đốc, địa bàn hoạt động ở các huyện: Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn và TP Thanh Hóa. Công ty này hoạt động với thủ đoạn: Khi khách hàng đến vay tiền, nhân viên yêu cầu khách hàng phải làm thủ tục bán tài sản sử dụng làm tài sản thế chấp, sau đó thuê lại chính tài sản đó để hợp thức hóa việc cho vay. Người vay phải để lại các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, giấy tờ tùy thân và cắt trước 10 ngày lãi (kỳ đóng lãi). Lãi suất cho vay từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tính trên tổng số tiền vay) tùy theo từng trường hợp. Kết quả phân tích tài liệu của cơ quan chức năng cho thấy, công ty này đã cho 2.631 khách hàng vay vốn với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng, tiền lãi thu về hơn 9 tỷ đồng.

Ngoài hai công ty trên, còn có thêm 3 công ty bị điều tra do có dấu hiệu hoạt động tín dụng "đen" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đó là: Công ty TNHH DVTC Thương Tín, Công ty TNHH TMDV Quyền Quý, Công ty TNHH Nam Tiến 36.

Đồng loạt triệt phá nhiều tụ điểm

Ngày 22-12-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ tiến hành đồng loạt khám xét đối với 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính ở 14 huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (TP Thanh Hóa 10 điểm, TP Sầm Sơn 2 điểm; các huyện: Hoằng Hóa 4 điểm, Tĩnh Gia 3 điểm, Hậu Lộc 2 điểm, Thọ Xuân 2 điểm, Ngọc Lặc 2 điểm, Bỉm Sơn, Thạch Thành, Triệu Sơn, Hà Trung, Cẩm Thủy, Bá Thước, Yên Định mỗi huyện 1 điểm). Đây là kết quả ban đầu thực hiện chuyên án T118 của Công an TP Thanh Hóa để đấu tranh với hành vi cho vay nặng lãi xảy ra tại 4 công ty tài chính, cầm đồ có trụ sở chính đặt trên địa bàn.

Tại 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính bị khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách, số liệu liên quan đến hoạt động vay tín dụng, nhiều giấy tờ được sử dụng thế chấp vay tiền, nhiều công cụ, phương tiện nghi vấn được các nhóm đối tượng này sử dụng khi siết nợ (1 quả lựa đạn, 90 vỏ đạn súng quân dụng, một bình xịt khí bóng cười, một dùi cui điện, một bình xịt cay, 20 dao, lê, kiếm các loại, 4 tuýp sắt). Cơ quan chức năng đã tạm giữ nhiều tài sản có giá trị liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi (1 ô tô, 20 xe máy, 6 két sắt, 30 điện thoại, 19 CPU máy tính, 8 laptop và hơn 1,5 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31-12-2018, Công an TP Thanh Hóa đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 5 đối tượng, gồm: Cao Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH DVTC Đại Tín và Đỗ Nguyễn Minh Tân, kế toán Công ty TNHH DVTC Đại Tín cùng về hành vi cho vay nặng lãi; khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Phú Lượng, Trưởng chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu, ở 84 Tống Duy Tân, phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn và Đỗ Văn Thái là quản lý điều hành chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu ở 74 thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa cùng về hành vi cho vay nặng lãi; khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trương Đình Tâm, nhân viên Công ty TNHH DVTC Thương Tín về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hiếu, Phó trưởng Công an TP Thanh Hóa, cho biết: Ngay sau khi khám xét tại 32 chi nhánh dịch vụ công ty tài chính thì hầu hết các công ty tài chính trên địa bàn Thanh Hóa đã đóng cửa, gỡ bảng hiệu, một số cơ sở nộp đơn đề nghị dừng kinh doanh DVTC. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi cho vay nặng lãi của các đối tượng thuộc các công ty trên, đồng thời tiến hành thông báo công khai, kêu gọi người dân đã và đang vay tiền của các công ty trên phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ vụ án.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quân đội nhân dân và thông tin bước đầu của lực lượng chức năng, thủ đoạn hoạt động của các công ty này thường là các giao dịch diễn ra kín đáo, bí mật, trong đó các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hoạt động cho vay nợ sang hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý. Mặt khác, khi người vay mất khả năng chi trả số tiền vay, tiền lãi thì nhóm đối tượng này sử dụng nhiều biện pháp tiêu cực để đòi nợ, như: Đe dọa, ném chất bẩn, cố ý gây thương tích, hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật...

NHÓM PHÓNG VIÊN BẠN ĐỌC-CTV