QĐND - LTS: Ngày 29-4-1975 đã trở thành một dấu mốc quan trọng của công tác vận tải quân sự bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển. Bởi lẽ, đó là thời điểm phân đội chiến đấu cuối cùng của Trung đoàn 126 hoàn toàn làm chủ đảo Trường Sa, đồng thời cũng kết thúc nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt quan trọng của Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân. Đây cũng là thời điểm kết thúc công tác vận tải quân sự bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Để bạn đọc có thêm thông tin về dấu mốc lịch sử này, Quân đội nhân dân cuối tuần xin trích đăng tham luận của đồng chí Thượng tá, ThS Ngô Nhật Dương (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) tại Hội thảo “Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam” được Bộ Quốc phòng tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua.

Bộ đội đặc công Trung đoàn 126 giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu

Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 4-4-1975, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho Khu uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa”. Do tình hình chiến sự miền Nam phát triển rất nhanh, Bộ Tổng tham mưu lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân nhanh chóng giải phóng Trường Sa, không để cho các lực lượng khác vào đánh. Chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Hải quân nhanh chóng triển khai kế hoạch vận chuyển bộ đội, vũ khí trang bị kỹ thuật với số lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất và an toàn vào mặt trận. Đoàn 125 được phân công là lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ này. Lực lượng kỹ thuật gồm Trung đội trinh sát kỹ thuật của Đội 7, Trung đội thông tin của Trung đoàn 602 cùng hàng chục tấn vũ khí các loại do Trung đoàn 126 chỉ huy, lên đường vào Nam trước. Đồng thời, Tư lệnh Hải quân cử cán bộ vào quân cảng Đà Nẵng để quán triệt quyết tâm, triển khai kế hoạch tác chiến cho lực lượng ở Đà Nẵng và chỉ thị cho đồng chí Phó tư lệnh ở Sở chỉ huy phía trước hiệp đồng chặt chẽ với Quân khu 5 tổ chức tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. 

Quần đảo Trường Sa là cụm đảo xa nhất của Việt Nam về phía Đông, nằm trong khu tứ giác 060-12006’ vĩ độ Bắc, 1100-117020’ kinh độ Đông, có nhiều đảo và các bãi ngầm san hô. Quần đảo nằm dài trên tuyến biển Bắc - Nam. Đảo Trường Sa cách bờ biển nơi gần nhất (mũi Cà Ná) khoảng 240 hải lý. Đảo Song Tử Tây cách căn cứ Đà Nẵng khoảng 480 hải lý. Trong quần đảo này có 11 đảo có thể ở được. Các đảo cách nhau khá xa, trên đảo ít cây cối, xung quanh đảo có các bãi san hô bao bọc kéo dài, do vậy rất khó khăn cho các phương tiện tàu và lực lượng đổ bộ cùng vũ khí trang bị tiếp cận đảo. Các đảo có người ở do quân đội của 3 nước đóng giữ, trong đó Đài Loan đóng giữ đảo Thái Bình (Ba Bình); Phi-líp-pin đóng giữ đảo: Thị Tứ, Vĩnh Viễn, Bến Lạc, Nam Côn, Song Tử Đông; quân đội Sài Gòn đóng giữ đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa. Đảo An Bang mới dựng bia chủ quyền, chưa có người ở. Trong 5 đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ, có khoảng 150 lính bảo an thuộc Tiểu đoàn 371 Phước Tuy chốt giữ. Trên đảo không có dân. Đảo Nam Yết là nơi đặt sở chỉ huy của địch với 56 quân, đảo Song Tử Tây có 39 quân, còn các đảo khác, mỗi đảo có khoảng 20 quân. Vũ khí trên đảo, ngoài các loại vũ khí bộ binh, địch còn trang bị thêm hoả lực ĐKZ 90mm và cối 60mm. Địch tổ chức phòng ngự dàn mỏng, quanh đảo bố trí hàng rào kẽm gai và chướng ngại vật, các đảo có nhà hầm được xây dựng từ lâu. Do ta đánh mạnh trên đất liền nên từ lâu địch chưa kịp tiếp viện, khả năng ứng cứu của địch ra đảo rất hạn chế. Tinh thần binh lính trên đảo dao động khi được nghe các bản tin về tình hình chiến sự trên đất liền. Trước đây, quân đội Sài Gòn thường xuyên bố trí từ 1 đến 2 tàu, có lúc tăng đến 3 tàu tiếp tế, bảo vệ quần đảo Trường Sa. Ngày 26-3-1975, địch điều tàu HQ3 đang bảo vệ đảo về Đà Nẵng nên lúc này địch không có tàu ở đảo. Lực lượng hải quân địch ở ngoài khơi hoạt động cầm chừng, chủ yếu là tập trung vào kế hoạch di tản. Các đảo khác do nước ngoài đóng vẫn giữ thái độ im lặng.

Đội tàu vận tải (673, 674, 675) của Đoàn 125 ra giải phóng Trường Sa. Ảnh: Bảo tàng Hải quân

Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa. Quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không cho lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta, sử dụng tàu của Đoàn 125 và bộ đội đặc công của Trung đoàn 126 thực hiện nhiệm vụ. Ngày 9-4, trong lúc các cánh quân lớn trên đất liền của ta bắt đầu tiến công mãnh liệt vào thị xã Xuân Lộc, Tân An là những tuyến phòng thủ vòng ngoài của Sài Gòn, thì Bộ Tư lệnh và bộ phận tiền phương của Quân chủng Hải quân nhận được lệnh của Quân ủy Trung ương giao cho nhiệm vụ đánh chiếm đảo Song Tử Tây.

Chấp hành mệnh lệnh, ngày 10-4-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân cấp tốc điều 3 tàu vận tải (673, 674, 675) của Đoàn 125 từ Hải Phòng vào Đà Nẵng. Tàu vừa cập bến, lực lượng kỹ thuật ngay lập tức bắt tay vào công tác chuẩn bị: tàu được kiểm tra kỹ thuật, các đơn vị nhận bổ sung đủ cơ số vũ khí trang bị rồi rời bến. Lực lượng chiến đấu gồm Đội 1 của Trung đoàn 126, một số đội đặc công của Quân khu 5 và tỉnh Khánh Hoà do Trung tá Mai Năng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126 chỉ huy. Mặc dù đảo Song Tử Tây ở giữa Biển Đông, cách xa Đà Nẵng tới 800km, nhưng đã bao năm nay, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 từng vào Nam ra Bắc, từng lăn lộn với Đường Hồ Chí Minh trên biển để vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật, nên con đường cơ động này đã trở thành thân quen và giúp họ nhanh chóng đưa bộ đội cùng vũ, khí trang bị tới vị trí chiến đấu đúng thời gian quy định.

Sau ba ngày đêm vật lộn với sóng biển, 19 giờ ngày 13-4, Tàu 673 đã chở lực lượng chiến đấu tiếp cận đảo. Tàu 674 và Tàu 675 vòng ra án ngữ ở phía Bắc và Nam đảo, sẵn sàng chi viện khi cần thiết. Rạng sáng ngày 14, các phân đội chiến đấu bí mật đổ bộ. Sau hai giờ vật lộn với dòng nước xoáy, với những con sóng lớn và những mỏm san hô vây quanh đảo, lực lượng đổ bộ đã bám được vào mép đảo. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, Đội trưởng Đội 1 chỉ huy trận đánh, chia đơn vị làm ba mũi áp sát mục tiêu. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14, quả đạn cối 82mm đầu tiên nổ là hiệu lệnh hiệp đồng cho toàn đơn vị tiến công. Do được bảo đảm tốt về vũ khí đạn dược, nên hoả lực các cỡ của quân ta nổ giòn giã, tới tấp nã đạn vào công sự địch. Bị đánh bất ngờ, bọn địch rất hoang mang chống trả yếu ớt. Các chiến sĩ ta lần lượt đánh chiếm hết công sự này đến công sự khác. Sau 30 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, toàn bộ quân dịch trên đảo hoặc bị bắt hoặc đầu hàng. Lá cờ Giải phóng được kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền lúc 5 giờ ngày 14-4-1975. 

Sau trận chiến đấu này, ta có nguồn vũ khí bổ sung nhờ thu được của địch 1 khẩu ĐKZ 90mm, 2 súng cối 60mm, 2 đại liên, 2 trung liên và 45 súng bộ binh các loại. Ngay sáng hôm đó, lực lượng kỹ thuật thông tin trên đảo đã lắp đặt máy vô tuyến trên đảo liên lạc thông suốt với sở chỉ huy phía trước của Quân chủng. 

Từ sau ngày giải phóng đảo Song Tử Tây, trên vùng biển quần đảo Trường Sa xuất hiện nhiều tàu và máy bay lạ. Rút kinh nghiệm phòng tránh trong những năm vận chuyển vũ khí vào Nam bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển nên ta không để sự việc gì xảy ra. Sau khi rút kinh nghiệm, củng cố lực lượng, bổ sung vũ khí trang bị, ta tiếp tục giải phóng các đảo còn lại. Lực lượng sử dụng lúc này là Tàu 673 và Tàu 641 chở Đội 1 Trung đoàn 126 và Tiểu đoàn 471 - đơn vị đặc công của Quân khu 5, đi giải phóng đảo Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn.

4 giờ sáng ngày 21-4, các tàu nhổ neo tiến về phía các đảo. Lúc 1 giờ 30 phút ngày 25, Tàu 641 đổ bộ thành công lên đảo Sơn Ca. 2 giờ 30 phút các cỡ súng của ta nổ mãnh liệt. Bị đánh bất ngờ, quân địch trên đảo chống cự yếu ớt rồi đầu hàng. Lực lượng bảo đảm kỹ thuật có thêm 2 máy vô tuyến, 4 máy điện thoại, 2 xuồng máy, 1 máy nổ, 4 phuy xăng và nhiều vũ khí chiến lợi phẩm.

20 giờ ngày 26-4, đài kỹ thuật của ta bắt được điện của sở chỉ huy địch lệnh cho quân rút khỏi đảo Nam Yết. 10 giờ 30 phút, ngày 27, lực lượng trên Tàu 673 hành quân đổ bộ lên đảo. Các tàu địch chở quân vội vàng bỏ chạy. Sau khi để lại lực lượng chốt giữ đảo, Tàu 673 tiếp tục hành trình trên biển đi giải phóng đảo Sinh Tồn. Cũng như đảo Nam Yết, quân địch ở đây đã rút chạy từ ngày 27. Trưa ngày 28, ta làm chủ hoàn toàn đảo. Sau đó, Tàu 673 lại đưa lực lượng ra đảo Trường Sa là đảo xa nhất ở phía Nam quần đảo. Sáng ngày 29, phân đội chiến đấu cuối cùng của Trung đoàn 126 đã hoàn toàn làm chủ đảo Trường Sa, đồng thời cũng kết thúc nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt quan trọng của Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân.

Sau gần 20 ngày chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 126 và Tiểu đoàn 471 được trang bị vũ khí đầy đủ, hành quân trên các con tàu với tình trạng kỹ thuật tốt của Đoàn 125 Hải quân, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa. Với kết quả trên, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vận tải quân sự đường biển mà Đoàn 125 làm nòng cốt, cùng các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu giải phóng các đảo, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chiến thắng này một lần nữa chứng minh sự thành công của Hải quân trong việc chỉ đạo xây dựng và chiến đấu của lực lượng vận tải chiến lược và công tác bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật. Đây cũng là thời điểm kết thúc công tác vận tải quân sự bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Để đưa được một khẩu súng, một viên đạn đến quần đảo Trường Sa, các đội tàu đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ. Trang bị tàu của ta còn rất thiếu. Mỗi tàu chỉ có một máy nổ, không có máy dự bị. Không có máy siêu âm đo độ sâu, khi vào đến gần bờ anh em thuỷ thủ phải lấy sào tre làm thước đo dẫn tàu vào bến. Vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, các Tàu 673, 674, 675 liên tục vận chuyển đưa người cùng vũ khí trang bị đến đảo an toàn. Các đồng chí chỉ huy tàu là những tấm gương mẫu mực, tận tụy và dũng cảm, điều khiển tàu vượt qua đá ngầm, sóng gió và sự ngăn chặn phong toả của kẻ thù, cập bến thành công.

Ngô Nhật Dương