QĐND - Trại lúa giống ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình lúc 5 giờ sáng một ngày đông rét mướt. Một bóng đen lặng lẽ tiến về khu ruộng gieo giống lúa mới. Y ngó nghiêng rồi xắn quần lội xuống, ngang nhiên nhổ luôn mấy khóm mạ lên ngắm nghía… Hành động của y không qua mắt được anh bảo vệ vốn là một cựu chiến binh. “Đứng im! Anh là ai mà dám đột nhập vào phá hoại trại giống?”. “Tôi… tôi là tổng giám đốc đây mà!”. “Hừm… Cái ngữ anh mà là Tổng giám đốc ư? Yêu cầu anh về phòng bảo vệ, tôi sẽ gọi điện báo cáo Tổng giám đốc Trần Mạnh Báo!”. Và anh bảo vệ tra danh bạ, bấm máy. Chuông chiếc điện thoại trong túi quần người đàn ông bỗng réo vang...

 Xin mua cả... viện nghiên cứuX!

Câu chuyện gần giống như phim trinh thám trên đây có thật 100% và người đàn ông kỳ lạ đó chính là kỹ sư, thương binh Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Là tổng giám đốc, nhưng ông Báo thường đội nón, xắn quần, lọ mọ ngoài đồng từ tinh mơ đến tối mịt nhiều hơn ngồi phòng họp. Và chính trong cái buổi sớm buốt giá ấy đã góp phần cho ra đời giống lúa quốc gia mang tên BC15, hiện được cấy 82% diện tích ở Thái Bình và trải dài trên 52 tỉnh, thành phố, tạo ra lợi nhuận khoảng 11.000 tỷ đồng cho nông dân cả nước so với mua giống ngoại. Không dựa vào bầu sữa ngân sách, cả một đời chỉ hết mình nghiên cứu giống lúa, ông đã đưa các trại giống èo uột thoát khỏi cảnh bị giải thể như nhiều địa phương khác, trở thành một trong những công ty giống cây trồng hàng đầu Việt Nam.

Ông Trần Mạnh Báo bên giống lúa mới BC15 tại Nghệ An. 

Tại cuộc hội thảo quốc gia “Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới”, ông Báo là doanh nghiệp duy nhất đại diện cho tỉnh Thái Bình phát biểu. ông kể: “Cục trưởng Cục Trồng trọt về làm việc với tổng công ty tôi. Tôi nói luôn, chúng tôi không cần tiền. Riêng năm 2012 này, chúng tôi bỏ tiền túi đầu tư 12 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học. Số tiền ấy, Cục khó mà có cho một doanh nghiệp. Trong khi nhiều nơi chỉ chờ đi xin kinh phí nghiên cứu thì chúng tôi đã bỏ tiền tỷ cho cán bộ hằng năm đi nước ngoài nghiên cứu “như cơm bữa” rồi. Chúng tôi cũng đã tự thành lập Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng từ lâu rồi, tự tuyển dụng cả trăm cán bộ, tự trả lương, tự triển khai đề tài. Phương án hợp lý nhất là tổng công ty tôi sẽ “mua” luôn viện nghiên cứu của các anh rồi sáp nhập vào trung tâm nghiên cứu của tôi. Viện nằm trong doanh nghiệp cũng là mô hình nhiều nước trên thế giới đã làm”.

Cả hội trường vỗ tay rào rào. Nhiều người hỏi nhau: “ông Báo nói thật hay đùa?”. Bên lề hội thảo, chúng tôi được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Sinh cho hay: “Anh Báo nói thật đấy. Người có tâm, có tầm và có… tiền thật mới dám nói thế. Anh là mẫu người cháy hết mình cho khoa học. Lãnh đạo tỉnh nhiều lần có ý định bổ nhiệm anh làm bí thư huyện ủy hoặc giám đốc sở nhưng anh đều từ chối”.

Người “đi trước” Khoán 10

Sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo có tới 10 người con ở Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình, 13 tuổi anh đã ra đồng và luôn ước mơ thành một kỹ sư nông nghiệp. Nhưng đang học lớp 8 thì theo tiếng gọi của chiến trường, anh nhập ngũ năm 1968, được biên chế về Sư đoàn 1 Quân giải phóng, chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ, rất nhiều lần bị thương. Lần bị nặng nhất vào tháng 12-1972 tại Kiên Lương (Kiên Giang ngày nay), địch lùi ra, gọi máy bay, phi pháo bắn trùm lên trận địa, làm anh bị thương nặng ở đầu và mặt, “bay” một con mắt. Hòa bình, trở về quê với thương tật hạng 2/4, anh được nhận vào làm công nhân cho trạm “truyền giống lợn” rồi về Công ty Giống cây trồng Thái Bình làm tạp vụ cho giám đốc. Ngày đi làm, tối anh đạp xe đi học, hoàn thành chương trình phổ thông và thi đỗ đại học nông nghiệp.

Tốt nghiệp đại học, anh về làm Trại phó Trại Giống lúa Đông Cơ (huyện Tiền Hải). Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trại giống vô cùng èo uột. Nhà xưởng tồi tàn, công nhân thờ ơ làm việc theo tiếng kẻng. Thái Bình đã vang danh với “Bài ca 5 tấn” từ thời đánh Mỹ, thế mà trại giống chỉ đạt 3, 5 tấn/ha, nguy cơ phải giải thể? Năm 1966, Bác Hồ đã về thăm và ngợi khen Thái Bình trở thành quê hương 5 tấn, dặn dò phải nghiên cứu giống lúa cho nông dân. Chính vì thế từ năm 1967, cơ sở giống đầu tiên đã ra đời. Giờ hòa bình, điều kiện tốt hơn mà để thất bại, không làm được theo lời Bác thì đau lòng quá!

Những ngày hè năm 1987, Trần Mạnh Báo xoay trần ngồi viết bản đề án mang tên: “Khoán sản phẩm đến người lao động trong nông nghiệp quốc doanh”. Đề án bị phản đối vì nó khác với đường lối chung quá. “Xin các đồng chí cho tôi thí điểm. Nếu thất bại hoặc có khuyết điểm gì tôi xin nhận trách nhiệm hết”. Lời khẩn cầu của anh cuối cùng cũng được chấp thuận. Ngay từ vụ “khoán thử” lúa xuân 1988, trại Đông Cơ đã đạt năng suất cao nhất kể từ ngày thành lập, cao hơn hàng chục lần so với trước. Các vụ sau cũng liên tiếp thành công, trại thoát cảnh giải thể, trở thành cánh chim đầu đàn của ngành nông nghiệp. Kỹ sư Báo được đề bạt Trại trưởng.

Mô hình quản lý của Trần Mạnh Báo nhanh chóng được áp dụng ở Thái Bình. Năm 1988, đồng chí Nguyễn Đức Bình, ủy viên Bộ Chính trị khi về nghiên cứu chuẩn bị Nghị quyết “Khoán 10” đã đến tìm hiểu và đánh giá cao mô hình này.

Những bông lúa 500 hạt, 1000 hạt

Năm 2000, kỹ sư Báo trở thành Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Hơn một thập kỷ miệt mài nghiên cứu, ươm trồng, sản xuất, chế biến, giúp đỡ nông dân, anh đã đưa những trại giống nhỏ bé thành hàng chục nhà máy, xí nghiệp sản xuất giống, trung tâm nghiên cứu giống hiện đại nhất Việt Nam và đạt tiêu chuẩn âu -Mỹ.

Anh đã đi hơn 20 nước học hỏi về nghiên cứu lúa giống, nắm được nhiều kinh nghiệm từ Giáo sư Yaun Longping, cha đẻ của các giống lúa lai Trung Quốc. Năm 2001, anh bắt đầu triển khai nhân giống lúa lai với bao kỳ vọng.

Vào mùa. Điện thoại liên tục gọi về. Vì sao thóc giống ngâm 4 tiếng đã nảy mầm? Vì sao mầm mới mọc đã thối ngay? Đài, báo đưa tin dồn dập chuyện ông Báo bán lúa giống “giả”. Tìm hiểu kỹ mới hay lỗi do công nhân thiếu tỉ mỉ, cây lúa lai gặp bão bị đổ đã nảy mầm sau đó khô đi vẫn được tuyển lựa đóng bao. Tuy nhiên, từ thất bại lại lóe lên ý tưởng: Làm gì để có giống lúa chống chịu được mưa bão? Làm gì để có những giống lúa thuần Việt?

Nghe tin kỹ sư Đặng Tiểu Bình đang nghiên cứu một giống lúa quý nhưng gặp khó khăn, anh Báo đã tìm đến, mời bạn cùng cộng tác và đầu tư nhiều tỷ đồng cho việc xây dựng bản quyền giống lúa BC15. Dư luận xôn xao vì chưa ai dám bỏ bạc tỷ cho một giống lúa mới toanh. Có người bĩu môi: “Đã yếu còn ra gió”.

Chưa hết, năm 2008, khi giống lúa này triển khai, do nông dân gieo mạ trước 10 ngày nên bị đạo ôn nặng nề. Đài Truyền hình Việt Nam đưa hình ảnh nông dân khóc. Có báo đặt câu hỏi: Công ty Giống cây trồng Thái Bình có bị phá sản vì phải đền nhiều tỷ đồng? Anh Báo vẫn bình tĩnh hỗ trợ nông dân và giải thích. Quả nhiên năm ấy, lúa vẫn vượt lên bệnh, cho năng suất cao. BC15 dần trở thành giống lúa chủ lực ở 52 tỉnh, thành phố hiện nay. Đến nay, sau nhiều năm miệt mài, anh Báo và cộng sự đã có trong tay 8 giống lúa quốc gia, nhiều ưu việt hơn giống nhập ngoại.

Được chỉ định làm thành viên Hội đồng tư vấn Giống cây trồng quốc gia, anh còn nuôi khát vọng xa hơn, xây dựng được doanh nghiệp giống mạnh như trên thế giới, như hai tập đoàn Monsanto và Sygenta cung ứng giống cho nước Mỹ và cả thế giới. Gần 60 tuổi rồi nhưng anh vẫn ngày ngày kéo các kỹ sư trẻ lội đồng nghiên cứu và thường dặn dò họ: Làm khoa học nông nghiệp phải bám đồng, bám nông dân, yêu mùi bùn, cánh bèo. Từ đơn vị “yếu, đói”,  anh đã đưa doanh doanh nghiệp thành đơn vị Anh hùng Lao động, doanh thu hơn 300 tỷ đồng, thu từ khoa học chiếm 82%, trở thành doanh nghiệp khoa học -công nghệ đầu tiên của tỉnh Thái Bình.

Một lần, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát về thăm Thái Bình, Ban giám đốc bàn bạc nên tặng quà gì cho ý nghĩa? ông Báo bảo việc đó để ông lo. Bất ngờ, khi bộ trưởng tới, ông Báo mang tặng… một bông lúa. Đó là bông lúa của giống lúa mới mang tên ĐH8 có tới 1000 hạt thóc (cái tên ĐH8 cũng mang ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh). Cầm bông lúa trên tay, ông Phát lặng đi xúc động, ông nói sẽ dành bông lúa này để có dịp tặng lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nền nông nghiệp nước nhà đang cần lắm những bông lúa như thế này và cần hơn nữa là những con người làm ra bông lúa như thế này...

Bài và ảnh: Nguyên Minh