QĐND - Năm 2015 khép lại với nhiều thành công và không ít trăn trở đối với NSƯT Ngọc Thư. Đây là năm đầu tiên chị nhận trách nhiệm Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội. Tuy bận rộn với cương vị mới, nhưng ngọn lửa đam mê và khát vọng sáng tạo luôn cháy bỏng trong chị...
Những ai đã từng làm việc và công tác với NSƯT Ngọc Thư đều nhận thấy chị lao động nghệ thuật rất chuyên nghiệp. Chị luôn khắt khe với bản thân, biết làm “sống” các vai diễn và gây được ấn tượng khó quên với khán giả. Bén duyên với môn nghệ thuật thứ bảy qua nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình từ khi mới đôi mươi, với gương mặt trái xoan, những đường nét thanh tú và đôi mắt biết nói, NSƯT Ngọc Thư thường cuốn hút người xem bởi những vai cá tính, sắc sảo như: Vai Quê trong phim “Nước mắt đàn bà”; vai Lan trong phim “Cha tôi và hai người đàn bà”; vai Thoa trong phim “Ngọt ngào và man trá”; vai Sinh trong phim “Chuyện làng Nhô”, vai Xoan trong phim “Người đàn bà không con”... Ở vai diễn nào chị cũng để lại những dấu ấn riêng bởi khả năng khắc họa nhân vật rất đặc biệt và lối diễn xuất tự nhiên, sâu lắng, ấn tượng, có lẽ bởi vậy mà những vai diễn của chị luôn “chạm” được vào cảm xúc của người xem và giành giải cao trong các kỳ liên hoan phim.
 |
NSƯT Ngọc Thư. |
Tuy nhiên, lĩnh vực chị dành nhiều tâm huyết và đam mê nhất lại là sân khấu kịch quân đội. Với chị, trở thành người nghệ sĩ-chiến sĩ, khoác ba lô lên vai đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trên khắp mọi miền đất nước là những tháng ngày đẹp nhất, nhiều kỷ niệm nhất. Chị tâm sự: “Một năm hai lần, tôi cùng các đồng nghiệp đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở các vùng, khu vực xa xôi của Tổ quốc. Nhiều lần, đoàn đi công tác 3 tháng, xa gia đình, vất vả, khó khăn thiếu thốn, nhưng tôi và đồng đội luôn khắc phục, vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi “cháy” hết mình trên sân khấu, đem những vở diễn có giá trị cao về nghệ thuật và chính trị tư tưởng đến với bộ đội và nhân dân”. Tháng 7-2005, chị được phân công là Đội trưởng Đội diễn 2 (nay là Đoàn diễn 2), thường xuyên đưa đoàn công tác đi biểu diễn xa phục vụ bộ đội và nhân dân. Chị luôn nghiêm túc, chỉn chu trong công việc, tác phong chỉ huy quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tháng 12-2012, chị được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội. Ngay sau khi được bổ nhiệm, chị đã chủ động tiếp cận tác giả kịch bản, cùng tác giả gặp những nhân chứng sống để hiểu thêm về cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những chiến sĩ thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc, đặc biệt là những cô gái, chàng trai đã hy sinh tại Lèn Hà-Tuyên Hóa, Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ. Tháng 3-2015, Ngọc Thư chính thức trở thành Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội. Chị đã triển khai dàn dựng vở “Tóc mây Lèn Hà”-vở diễn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả và bạn bè đồng nghiệp tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 và những nơi đoàn đến lưu diễn. Năm 2015, nhà hát được tặng thưởng 2 HCB toàn quốc cho ba vở diễn, 5 HCV và 8 HCB cá nhân, trong đó chị đoạt HCV. Các vở diễn của nhà hát có nội dung và chất lượng nghệ thuật tốt, đã góp phần tuyên truyền chính trị trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng.
Trên sân khấu Nhà hát Kịch nói Quân đội, chị là một trong những diễn viên nòng cốt luôn được giao trọng trách đảm nhận vai chính trong các vở diễn. Với trách nhiệm, sự tâm huyết và luôn “cháy hết mình” trên sân khấu, chị được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT và đạt 5 HCV, 2 HCB trong các kỳ hội diễn toàn quân và toàn quốc. Gần đây nhất, đánh dấu sự trở lại thành công của chị là vai Lan, Tiểu đội trưởng Trạm cơ vụ Thông tin A69 trong vở “Tóc mây Lèn Hà”. Vở diễn là khúc ca bi tráng và hào hùng về lòng yêu nước, tình đồng chí, đồng đội, tình yêu, sự cống hiến và hy sinh quên mình của những người lính thông tin trong kháng chiến chống Mỹ. Nhiều khán giả đã không kìm được nước mắt khi xem cảnh diễn đại đội phó-người chưa từng một lần sợ chết, nhưng khi phổ biến cho chị em viết họ tên, quê quán lên mảnh giấy và bỏ vào lọ thuốc penicillin phòng khi họ hy sinh sẽ thuận lợi khi quy tập hài cốt và liên lạc với gia đình sau này, anh đã không thể nói nên lời, sau khi “co kéo” mãi, cuối cùng anh vẫn phải là người nói trước. Để có được câu nói mở đầu tự nhiên, anh phải quát lên một cách vô thức, cũng là để dẹp được lòng mình mới bật ra lời mà chẳng hiểu mình đã nói gì. Đến lượt mình, Lan (NSƯT Ngọc Thư) như đang mơ, tiếp lời đại đội phó và rồi cũng giống như anh không biết nói gì. Rồi cô đã động viên tinh thần những chiến sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước bằng lời hẹn rằng: “Chúng ta sẽ gặp nhau ngày chiến thắng trở về”.
Cái bi tráng được đẩy lên khi mỗi cô gái đón nhận lọ penicillin không bi lụy mà bằng một thái độ lạc quan. Các cô không viết tên mà viết vào đó những ước nguyện, khát vọng của chính mình gửi vào những chiếc lọ nhỏ bé đó. Có người ghi “con sẽ về”, có người ghi “yêu lắm Lèn Hà”, có người ghi “ngày trở về”... Sự ngây thơ, hồn nhiên, không bận tâm đến “cái chết” của các cô gái đã gây xúc động mạnh cho người xem. Cũng trong cảnh diễn này, Ngọc Thư đã sáng tạo và trình diễn một loạt trạng thái hữu thức và vô thức chồng lấn ở khoảnh khắc mong manh giữa sự sống và cái chết liền kề... Qua vai diễn của Ngọc Thư, Lan là một cô gái kín đáo, chững chạc, giàu lòng vị tha, quyết đoán, chủ động, cứng cỏi, nhân hậu, tâm lý với từng nữ chiến sĩ của mình, mở lòng mình với họ, giữ gìn kỷ cương nhưng không máy móc và dễ xúc động trước những nỗi niềm riêng tư của mỗi con người. Chính Lan-Ngọc Thư là đỉnh điểm của khúc tráng ca “bia mộ của người đang sống” bằng mảnh giấy đựng trong lọ penicillin. Đánh giá về lối diễn xuất của chị, PGS, TS Phạm Duy Khuê, nguyên giảng viên Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội cho rằng, đó là phong cách diễn hiện đại. Bởi người diễn viên đã “biết khám phá, sáng tạo, bổ sung nội dung đời sống (hữu thức và cả những trạng thái vô thức) của nhân vật mình đóng trong sự phối kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và cảm xúc, đặng trình diễn một cách tự tin, nhuần nhuyễn và điêu luyện bằng hành động hình thể, thậm chí, bằng cả nhịp thở dài, ngắn, gấp gáp hoặc nín thinh… của mình”.
 |
Ngọc Thư (nhân vật nữ, đang đứng) trong vở “Tóc mây Lèn Hà”. Ảnh: Lê Tần |
Là thế hệ đi trước, Ngọc Thư luôn nỗ lực truyền nhiệt huyết, truyền tình yêu nghề, khát khao vươn lên nâng cao trình độ nghiệp vụ cho thế hệ kế cận. Theo chị, đây là trách nhiệm của thế hệ đi trước với thế hệ sau, tiếp nối nhau xây dựng Nhà hát Kịch nói Quân đội-đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân vững mạnh và phát triển. NSƯT Ngọc Thư chia sẻ rằng, chị may mắn có chồng làm cùng nghề. Người bạn đời của chị là NSƯT Minh Tuấn, hiện là Đoàn trưởng Đoàn diễn 1-Nhà hát Kịch nói Quân đội, người luôn thấu hiểu, chia sẻ với chị trong công việc cũng như trong cuộc sống. Có lẽ vì thế chị có được tâm thế vững vàng hơn để lao động nghệ thuật.
33 năm gắn bó với sân khấu kịch nói quân đội, NSƯT Ngọc Thư đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình cùng các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên, chiến sĩ qua các thời kỳ xây dựng truyền thống vẻ vang hơn nửa thế kỷ của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Với hơn 100 chương trình, vở diễn, biểu diễn hàng vạn đêm, phục vụ hàng trăm triệu lượt công chúng, khán giả trong và ngoài quân đội, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã tiên phong trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Thông qua các vở diễn, các nghệ sĩ của nhà hát đã đóng góp tích cực vào việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng trong và ngoài quân đội, xứng đáng là những nghệ sĩ-chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng. Với nhiệt huyết của mình, chắc chắn NSƯT Ngọc Thư cùng tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc, các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên, chiến sĩ đơn vị sẽ tiếp tục viết tiếp những trang mới rực rỡ, kế tục truyền thống anh hùng của Nhà hát Kịch nói Quân đội.
HỒNG VÂN