QĐND - Là nơi yên nghỉ của 21 nhà thơ, chí sĩ yêu nước, khu nghĩa trang nằm trên tuyến đường du lịch, mang tên nhà yêu nước Phan Bội Châu, nằm lẫn trong cây cối và cỏ dại...

Hai cánh cửa trước cổng ra vào mặc dù không khóa nhưng đã hoen gỉ, phải mất một hồi lâu mới mở ra được. Không có một bảng hiệu nào, chỉ có một hàng chữ xi măng nhỏ ở bên trái cổng đề: “Khu nghĩa trang Phan Bội Châu” đã bị rêu phong phủ mờ. Bước vào sâu một đoạn nữa, những thân cỏ dại mọc chen chúc cao quá đầu người, phủ lấp các ngôi mộ…

Các ngôi mộ bị cỏ dại che phủ, nằm lẫn với những ngôi mộ được chôn tự phát, trái quy ước.

Khu nghĩa trang này đã gắn với những năm tháng cuối đời của cụ Phan Bội Châu trong quá trình hoạt động cách mạng tại Huế. Theo nhiều tài liệu cũ ghi lại, sau khi bị thực dân Pháp bắt, chúng đưa cụ về giam lỏng tại Huế năm 1925. Được đồng bào quyên tiền giúp đỡ, cụ đã mua hai mảnh vườn nhỏ: Một mảnh nằm ở chân dốc Bến Ngự (nay thuộc Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, 52 Phan Bội Châu, thành phố Huế) và một mảnh nằm ở đồi Quảng Tế, gần đàn Nam Giao (nay là nghĩa trang Phan Bội Châu). Tại mảnh đồi ấy, ban đầu cụ định lập một trại cô nhi viện nhỏ để cưu mang những em bé bị thất lạc người thân trong chiến tranh nhằm giáo dục, đào tạo các em về lòng yêu nước, căm thù quân giặc. Biết được ý định đó, giặc đã nghiêm cấm, không cho phép mở. Thế nên, năm 1932, cụ đã dành mảnh đất đó làm nơi yên nghỉ cho các đồng chí của mình bị kẻ thù giết hại. Năm 1934, cụ đã lập ra một tấm bia viết bằng chữ Hán, quy định tiêu chuẩn những người được chôn trong nghĩa địa. Đến nay, tấm bia vẫn còn hầu như nguyên vẹn, bia đề: “Châu trước khi chết, xin đem vườn nầy làm nghĩa địa, tức theo ý cổ nhân nói rằng: "bạn bè chết không có chỗ chôn thì chôn tại nhà ta". Nhưng vì đất hẹp vườn chật khó dung hết được, nên định ra quy ước về chôn cất…".

Thể theo quy ước đó, người đầu tiên được chôn cất tại nghĩa trang này là chiến sĩ cách mạng Nguyễn Chí Diễu, Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa I, người cũng đã từng bị giặc Pháp quản thúc tại Huế. Từ đó về sau, còn có thêm 21 nhân vật có công với nước được chính thức chôn tại nghĩa trang: Hoàng Thị Phương, Võ Thành Minh, Nguyễn Văn Soan, Nguyễn Huy Nhu…

Năm 1997, nghĩa trang được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là Di tích văn hóa quốc gia. Nhưng một điều đáng buồn là hiện nay, khu di tích này đã bị một số hộ dân phá bỏ hàng rào, lấn chiếm chôn các ngôi mộ tư nhân một cách bừa bãi trái với quy ước.

Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Nhất