QĐND - Thấm thoắt đã tròn 15 năm kể từ khi Trung tâm Công nghệ xử lý Bom mìn (Bomicen – Binh chủng Công binh) ra đời. 15 năm trong hành trình hàn gắn nỗi đau chiến tranh mà các nhà khoa học thống kê phải kéo dài vài thế kỷ, họ đã đi những bước rất dài để rút ngắn khoảng cách ấy. Công việc thầm lặng của họ đã được một nhà báo ví von rằng: “Tháo gỡ “thần chết” để mang mùa xuân về dưới cỏ”...

Vượt khó đi lên

Hiếm có đơn vị quân đội nào như họ, sau 10 năm thành lập đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Khi chúng tôi hỏi Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm về điều này, anh Cảnh đã kể lại câu chuyện cách đây ít lâu, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm khu trưng bày bom mìn tại Bảo tàng Công binh. Khu trưng bày có rất nhiều hiện vật nhưng Đại tướng lại chú ý đến một bức ảnh tư liệu đen trắng. Ông chỉ vào bức ảnh một cô gái nhỏ nhắn đang một mình hì hụi tháo ngòi nổ quả bom phá lớn gấp 3-4 lần cô và hỏi: “Có ai biết cô gái này bây giờ ở đâu không?”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh khi còn là Tổng Tham mưu trưởng trong một lần đến làm việc với Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn.

Không ai trả lời được, ngay cả nhân viên bảo tàng. Tuy nhiên, câu hỏi đã để lại cho anh Cảnh cùng đồng đội một bài học: Điều làm nên chất anh hùng của đơn vị chính nhờ sự cống hiến thầm lặng của biết bao thế hệ người lính.

Đại tá Bùi Minh Tâm, Giám đốc đầu tiên của Trung tâm, nay đã nghỉ hưu kể rằng: Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Bộ Quốc phòng cho phép các đơn vị quân đội được “làm kinh tế” trên cơ sở ngành nghề chuyên môn để cải thiện đời sống. Riêng người lính công binh lại chọn công việc nguy hiểm, ít người dám làm như: Lặn xuống sông, xuống biển để nổ mìn phá chướng ngại vật, đá ngầm… Hồi đó, anh Tâm còn làm việc ở Phòng Khoa học Quân sự của Bộ tư lệnh Công binh, tìm được phần việc đầu tiên là lặn nổ mìn để xây dựng cảng Điền Công, Uông Bí. Việc nặng, tiền cao đấy nhưng... khó quá. Phòng liên kết với Lữ đoàn Công binh 249 để “làm ăn”. Nhưng khổ nỗi, thợ lặn chưa có, còn khí tài thì lục hết trong kho mới thấy chỉ còn một bộ đồ lặn cũ. Tự lực cánh sinh, sửa đồ lặn, tự huấn luyện thợ lặn. Anh Thoán, một người lính kỳ cựu xung phong thành thợ lặn đầu tiên. Thành công! Nhiều nơi tìm đến. Hết lặn, nổ mìn dưới sông, lại vươn xa hơn ra nổ mìn dưới... biển, giúp xây triền đà 3000 tấn của nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, phá đá ngầm ở Cồn Ngang, Cửa Tử, rà phá bom mìn, nạo vét luồng sông Tam Bạc (Hải Phòng)...

Duyên nợ từ những bước đi dò dẫm đầu tiên ấy, anh Tâm được trên tin tưởng, giao cho tiếp quản, chỉ huy Đoàn 14066, một đơn vị  thành lập từ năm 1986 để thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn cho công trình xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Tuy Hạ (Đồng Nai). Khi tiếp quản, “gia tài” chỉ có một gian nhà cấp 4, một bộ bàn ghế và khoảng 8 chiếc máy dò mìn của Liên Xô cũ đã hư hỏng.

Đất nước hòa bình, dựng xây, nhu cầu rà phá bom mìn cho các công trình tăng đột biến, đòi hỏi phải có một đơn vị chuyên nghiên cứu khoa học công nghệ kết hợp với ứng dụng trong rà phá bom mìn ngày càng trở nên bức thiết. Ngày 24-9-1996, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định thành lập Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn.

Rút ngắn chặng đường thế kỷ

Năm đầu tiên, nhiệm vụ đã rất nặng nề. Có lúc, những người lính Bomicen phải đến xử lý 250 chùm bom phốt pho là loại bom cháy rất nguy hiểm do Mỹ để lại. Có khi, họ phải đến khắc phục hậu quả tại một kho bom đạn sau chiến tranh vừa lộ ra, đã nổ nhưng... chưa hết. Lại có nhiều lần, họ đến với những vùng ven sân bay, vùng nằm giữa hàng rào điện tử Mac Na-ma-ra để lại, bom đạn lúc nhúc đầy trong cỏ cây, bờ bụi. Đó thực sự là những cuộc đối mặt với tử thần hiện hữu.  Trung úy Bùi Văn Hòe, một trong những người tham gia tháo gỡ quả bom lớn nhất Đông Dương do Mỹ để lại được phát hiện tại  xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai nhớ lại: “Chúng tôi gồm 6 anh em, sau một ngày lội rừng mới vào tới nơi, ai cũng kinh ngạc vì chưa bao giờ nhìn thấy quả bom lớn thế. Nó nặng hơn 5 tấn, đường kính 1,17m, thân bom dài 3,1 mét, vỏ bom vẫn còn xanh thẫm. Nó có tới hai ngòi nổ, ngòi nổ chậm ở đầu và ngòi nổ quán tính ở phía đuôi”.

Lúc này, bài toán đặt ra chỉ có hai cách. Một là, tháo ngòi nổ; hai là, ốp vào quả bom một lượng bộc phá rồi cho nó nổ tung. Cách thứ hai an toàn hơn nhưng không thể làm vì quả bom lớn quá. Nếu kích nổ,  dư chấn và sóng xung kích sẽ ảnh hưởng tất cả các công trình xây dựng ở  tận... Plây-cu và mảnh bom có thể văng xa 10km. Sau này, theo tài liệu của Mỹ cho thấy, quả bom nổ có khả năng san phẳng một quả đồi và tạo ra một hố có đường kính 300m.

Quả bom lớn nhất Đông Dương được xử lý thành công tại Gia Lai. Ảnh: Văn An

Chỉ còn cách tháo ngòi nổ. Lặng lẽ. Cần mẫn. Tỉ mỉ. Chính xác từng ly. Khi anh Hòe tháo được ngòi nổ, giơ lên cao và reo lên: “Xong rồi”, anh em chạy lại ôm lấy nhau, nước mắt tự dưng trào ra trên những gương mặt đen sạm nắng gió Tây Nguyên. Phải mất tới 20 ngày, họ mới xử lý xong quả bom và chỉ riêng việc vận chuyển thuốc nổ tháo từ bom, cơ quan quân sự huyện Ia Grai đã huy động 264 lượt cán bộ, chiến sĩ vận chuyển trong vòng 11 ngày. Năm 2006, các anh lại tiếp tục “chạm trán” quả bom tương tự thứ hai ở huyện An Lão, Bình Định nhưng với kinh nghiệm đã có, nó được xử lý nhanh gọn trong 6 ngày.

Không chỉ tháo gỡ bom mìn bằng sự dũng cảm, Trung tâm đã thực sự làm tốt vai trò “bộ não” của đơn vị khoa học công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực này. Đại tá Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy Trung tâm cho biết: “Đã có rất nhiều đề tài khoa học và sáng kiến thiết thực được thực hiện như: “Điều tra thu thập thông tin, đánh giá sơ bộ mức độ tồn lưu bom mìn, vật nổ và những thiệt hại về con người, cơ sở vật chất do chúng gây ra trên phạm vi toàn quốc và các giải pháp khắc phục”, “Nghiên cứu, xác định công nghệ xử lý và mô hình tổ chức trạm xử lý bom mìn, đạn dược, vật nổ”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập và phân tích dữ liệu bom mìn ở độ sâu lớn”...  Trung tâm đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản hàng nghìn trang lài liệu, trình Bộ Quốc phòng phê duyệt thực hiện hàng chục bộ quy trình xử lý các loại bom đạn.

Bom bi, một loại bom rất khó xử lý, vậy mà những người lính Bomicen sau nhiều năm chạm trán chúng đã có ngay sáng kiến: Chế tạo bàn dập tháo hạt nổ bom bi quả dứa. Hoặc như công nghệ dò tìm bom mìn mới nhất, qua bản chào hàng, anh Cảnh thấy một vài nước tiên tiến sản xuất được phần mềm kèm màn hình máy tính mini (gọi là máy tính nhúng) gắn trên máy dò bom để nhận dạng, xác định được loại bom đạn đang nằm trong lòng đất. Mỗi phần mềm chỉ dùng được cho 1 máy dò và có giá khoảng gần 200 triệu đồng, tương đương 1 máy dò. Anh đã mạnh dạn đề xuất cho Trung tâm nghiên cứu, sản xuất được phần mềm, máy tính nhúng kèm theo máy dò bom, kết quả tốt không kém của nước ngoài, có tính năng còn vượt trội hơn…

Trên những công trình trọng điểm quốc gia như đường Hồ Chí Minh, hệ thống đường dây 500KV, cảng luồng sông Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nghi Sơn, Vũng Áng, đường ống dẫn khí ngoài khơi PM3 Cà Mau cùng hàng chục khu công nghiệp, khu kinh tế đã in dấu chân người lính Bomicen làm sạch bom mìn. Số diện tích làm sạch bom mìn lên tới hàng nghìn héc-ta mỗi năm.

Từ  năm 2003, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bomicen  kết hợp cùng Quỹ Cựu chiến binh Mỹ - Việt Nam thực hiện dự án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” tại 6 tỉnh miền Trung. Năm 2008, chương trình hoàn thành với kết quả là một bản đồ “màu máu” mà màu đỏ được quy ước là ký hiệu nơi có bom mìn gần như phủ kín 6 tỉnh. Đó là một trong những ví dụ nói lên sự nỗ lực của Bomicen trong thực hiện một nhiệm vụ quan trọng được Bộ Quốc phòng giao: Đối ngoại quân sự trong xử lý bom mìn. Thông qua hoạt động này đã tạo được nguồn hỗ trợ quan trọng cho công tác rà phá bom mìn.  Đáng chú ý là từ năm 2009, Trung tâm đã tham mưu cho việc hình thành, đưa vào hoạt động Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn Việt Nam thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Một trong những sự kiện nổi bật, mang tính “cột mốc” trong chặng đường 15 năm qua chính là việc Bomicen đã sớm tham mưu, “chắp bút” thành công việc xây dựng Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn. Chỉ sau một năm chuẩn bị, ngày 21-4-2010, Chương trình đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, kèm theo 6 dự án lớn. Ngày 22-12-2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký các quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (gọi tắt là Ban chỉ đạo 504). Trưởng ban chỉ đạo là Thủ tướng và phó trưởng ban là hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tới đây, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký các văn bản triển khai Chương trình Hành động quốc gia, nhiệm vụ của họ sẽ tăng lên gấp bội. Nhưng  Bomicen giờ đây giống như chàng trai đang bước vào tuổi sung sức tràn đầy nhiệt huyết và sức mạnh. Hy vọng rằng “chàng trai” ấy sẽ đi những bước nhanh hơn, xa hơn, làm được những việc lớn hơn trong hành trình  mang mùa xuân về trên đất mẹ vẫn còn nặng trĩu nỗi đau bom mìn sau chiến tranh...

ĐỨC TOÀN – NGUYÊN MINH