Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận: “Gió tháng Tám đã thay đổi cuộc đời tôi”.

Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng đây nghe giữa núi đồi/ Gió thổi từng cơn phấp phới/ Trời thu thay áo mới... Những dòng thơ đầy xúc cảm mà Nguyễn Đình Thi viết năm xưa đã phần nào phác họa tâm trạng và con đường của không ít văn nghệ sĩ. Ngọn gió cách mạng đã làm tươi mát tâm hồn họ, đưa họ trở thành những người “hai lần chiến sĩ”...

May mắn nhiều lần gặp họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, nguyên Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật (Bộ Văn hóa-Thông tin), tôi vẫn nghe ông say sưa kể về những ngày thu lịch sử, một mùa thu đã làm thay đổi cuộc đời ông. “Tôi sinh năm 1919, quê ở Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), bố là thợ nguội ở xưởng Ba Son, còn mẹ buôn bán chạy chợ. Nhà tôi nghèo lắm, mà gia đình có tới… 15 anh em. Tôi là con thứ 7 và cũng là đứa duy nhất có niềm đam mê “nghiệp chướng” vốn thường chỉ dành cho con nhà giàu là… thích vẽ. Ba mẹ tôi vì cưng chiều tôi mà phải thắt lưng buộc bụng cho tôi ăn học trường vẽ Gia Định, rồi trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương... Học xong rồi, sống lay lắt giữa Hà thành. Đời người cầm cọ nghèo, càng nghèo hơn vì thân phận người dân mất nước”.

Một ngày thu, gió cách mạng ào ào thổi tới. Chàng trai trẻ Huỳnh Văn Thuận được giác ngộ tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội. Ông Đào Duy Kỳ, cán bộ Đoàn Thanh niên cứu quốc thấy ông Thuận có khí chất sôi nổi nên mời về công tác tại Trung ương Đoàn. Rồi ông lên chiến khu, rồi vào Trung ương cục miền Nam… Ngày toàn thắng mới được về quê cha đất tổ. Tròn 30 năm, người mẹ già nua nấc nghẹn khi đón đứa con trong bộ quân phục Quân giải phóng trở về. Quà về cho mẹ chỉ là những bức tranh. Nhưng mẹ tự hào lắm. Bởi ông đã vẽ huy hiệu Đoàn, rồi vẽ những đồng tiền cách mạng đầu tiên, vẽ tranh cổ động, vẽ Bác Hồ… Chính vì niềm tự hào đó mà giữa Hà Nội thời sốt đất, bon chen, lão họa sĩ 87 tuổi Huỳnh Văn Thuận vẫn “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” cùng những bức tranh cổ động. Chẳng màng danh lợi, ông đã 2 lần tự nguyện trả lại nhà cho Nhà nước vì công việc chung (báo Quân đội nhân dân đã có bài giới thiệu trong mục Từ suy nghĩ đến việc làm). Với ông, gió tháng Tám vẫn thổi, như sức mạnh thôi thúc trái tim…

Cũng một sáng mùa thu, tôi đã đứng lặng trước ngôi nhà lưu niệm của nhà văn nổi tiếng Nam Cao ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh bạn đi cùng là sĩ quan ở tỉnh đội Hà Nam kể với tôi rằng: Người dân quê anh tự hào vì có một nhà văn Nam Cao nổi tiếng. Còn những người lính ở vùng quê này thì có thêm tự hào về một Nam Cao nhà văn - chiến sĩ. Một Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc dũng cảm đối mặt với cái ác, cái vô luân, cái nhâng nháo hủ lậu, cái bất công đè lên những người dân thấp cổ bé họng, bị lũ bất lương truyền kiếp đè đầu cưỡi cổ; một tên lý dịch có thể thẳng tay đánh chết người như bỡn, một tên ác bá có thể cướp trắng tay thước vườn, mảnh ruộng của người nghèo khó như không; tầng lớp trí thức nghèo phải bấm bụng trong cảnh “sống mòn”, “chết mòn”. Một Nam Cao như thế đã từng quen thuộc với chúng ta. Nhưng ít người biết rằng, gió tháng Tám còn mang đến một Nam Cao khác. Mùa thu 1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân và từng được cử làm… chủ tịch xã của chính quyền mới ở địa phương. Rồi Nam Cao ra Hà Nội hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc, lên đường tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách phóng viên. Tiếng súng giặc trên cánh đồng Mưỡu Giáp, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, vùng địch hậu Liên khu III (cũ) đã sát hại đoàn cán bộ trên đường công tác, trong đó có nhà văn - chiến sĩ Nam Cao. Ở tuổi 35, anh đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù, trong ba lô còn tập bản thảo cuối cùng. Đó là bài ký “Định mức” phục vụ kháng chiến ở gần phút chót của hành trình. Giá như Nam Cao còn sống, chắc hẳn chúng ta sẽ còn được đọc những trang viết đầy dấu ấn của một Nam Cao nhà văn - chiến sĩ khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng…

Lúc bấy giờ tôi mới hai mươi tuổi, tóc còn mượt xanh, ngọn lửa hăm hở cháy đỏ trong lòng. Tôi được ban tuyên truyền huyện phân công giữ một chân biên tập trong tờ báo Sông Phố của huyện Châu Thành. Tôi chuyên làm thơ đả kích, thỉnh thoảng có viết một ít văn xuôi. Báo ra tới số 3 thì Nam bộ kháng chiến bùng nổ. Trước khi rời thị xã, tôi đã “thịt” được hai tên phòng nhì của Pháp bằng lựu đạn ở đầu chợ Cá. Nỗi ấm ức lớn nhất của chúng tôi lúc bấy giờ là không còn lựu đạn để “làm ăn” thêm… Đó là một đoạn mà nhà văn Lý Văn Sâm tự bạch về mình trong cuốn sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới in gần đây. Khát vọng tự do, công bằng trong một xã hội nô lệ đã đưa Lý Văn Sâm đến với cách mạng một cách tự nhiên. Trong những ngày tháng Tám sục sôi năm 1945, nhà văn ở trong số những người dân vùng lên cướp chính quyền rồi trở thành anh cán bộ tuyên truyền của tỉnh Biên Hòa. Từ năm 1947, Lý Văn Sâm hoạt động trong phong trào văn nghệ, báo chí cách mạng tại Sài Gòn, rồi làm cán bộ của Công an Sài Gòn. Sau 1954, anh đã ở lại hoạt động công khai tại Sài Gòn và bị Mỹ - Diệm bắt giam vì dám viết truyện đả kích trực tiếp chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 2-12-1956, cùng với 500 chiến sĩ cộng sản và yêu nước, Lý Văn Sâm vượt ngục Tân Hiệp, trở về với kháng chiến. Ông trở thành Chánh văn phòng Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một (1956 – 1958), Trưởng đoàn Văn công miền Nam, Chủ biên báo Chiến Thắng… khi Hội văn nghệ giải phóng miền Nam được thành lập, Lý Văn Sâm là Tổng thư ký đầu tiên của Hội, Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ Giải phóng… Sau năm 1975, ông là Phó tổng thư ký Hội liên hiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa VI.

Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện ý nghĩa về ngọn gió tháng Tám đã đưa các văn nghệ sĩ thành - chiến sĩ. Bởi đó là ngọn gió lành trong buổi bình minh của đất nước…

Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Hoàng