QĐND - Trong những trang vàng của lịch sử lực lượng không quân nhân dân Việt Nam có một trận đánh được cho là độc đáo nhất từ trước tới nay: Máy bay ta ném bom tàu Mỹ. Đó là trận chiến Mig -17 đánh tàu Hepeer của Hạm đội 7 của hai phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) ngày 19-4-1972. Kết quả, cả 4 quả bom đều đánh trúng mục tiêu, 2 tàu khu trục địch bị đánh hỏng, trong đó tàu Hepeer bị hỏng nặng, 2 máy bay ta về hạ cánh an toàn. Người trong cuộc trận đánh ấy bây giờ ở đâu?
Từ cuốn nhật ký bạc màu…
 |
Hình ảnh minh họa trận đánh chiều 19-4-1972.
|
Trận đánh “Mig -17 đánh tàu Hepeer của Hạm đội 7 Mỹ” được Bảo tàng Phòng không -Không quân chọn giới thiệu trong Triển lãm “17 trận đánh độc đáo của Bộ đội Phòng không -Không quân” vào tháng 10-2011. Ngày ấy, không quân ta còn non trẻ lắm! Sau bao năm, những người lính tham gia trận đánh giờ ở đâu? Lục tìm trong sử liệu, tôi mới hay, đáng chú ý trong trận đánh này có hai gương mặt phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B). Thế nhưng, không may là hơn 2 tháng sau chiến thắng đó, trong một trận đánh trên bầu trời Thanh Hóa, máy bay của phi công Nguyễn Văn Bảy đã trúng đạn và anh đã anh dũng hy sinh. Chỉ còn ông Lê Xuân Dị. Tôi rất háo hức khi được tin ông vẫn còn sống, nay ở quê nhà Bắc Ninh. Mừng hơn nữa, tôi tiếp tục tìm ra manh mối về ông Bảy (B) khi được Trung tá Nguyễn Thị Thanh Lương - Trưởng Ban sưu tầm Bảo tàng Phòng không -Không quân cho hay, hơn 5 năm về trước, gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) có tặng Bảo tàng một cuốn nhật ký và đã được Bảo tàng lưu giữ rất cẩn thận. Cầm cuốn nhật ký trên tay, trong tôi dâng trào một niềm xúc động. Ngoài những bài viết của đồng đội và các tác giả liên quan đến trận đánh, có rất nhiều bài văn, bài thơ, những bức thư, tấm ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B). Các tư liệu trong cuốn nhật ký được sắp xếp theo trình tự thời gian từ thuở thiếu thời cho đến lúc anh hy sinh.
Kế hoạch táo bạo
Từ những thông tin trong cuốn nhật ký đã giúp tôi lần tìm ra các tư liệu và nhân chứng trong cuộc. Trận đánh diễn ra mau lẹ, song quá trình chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ và bí mật đến giây phút cuối cùng. Cuốn “Lịch sử Quân chủng Phòng không -Không quân” ghi: “Suốt tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1972, các tàu chiến của Hạm đội 7 ngày đêm pháo kích vùng đông dân ven biển Quảng Bình làm cho nhân dân hết sức hoang mang, gây khó khăn cho việc tiếp tế cho tiền tuyến miền Nam bằng đường biển. Trước tình hình đó, Bộ đội Không quân được lệnh đánh tàu chiến Mỹ với mục đích là để chúng giãn xa bờ, không đánh phá được tiếp tế của ta cho miền Nam”.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, vào năm 1971, một số phi công MiG -17 được tuyển chọn để huấn luyện bay biển và ném bom mục tiêu trên biển. Tháng 3 năm 1972, sau khi hoàn thành các khoa mục bay chiến đấu trên biển, các phi công đã cơ động bằng đường bộ vào Gát (Quảng Bình) để nghiên cứu về quy luật hoạt động của máy bay và tàu chiến địch. Sân bay Gát thực ra chỉ có một đoạn đường băng bằng đất nện và một khu vực cất giấu máy bay. Trong suốt thời gian thi công cho tới khi hoàn thành, sân bay Gát giữ được bí mật tuyệt đối. Địch không phát hiện được, kể cả các trang thiết bị, phương tiện và các mặt bảo đảm cho máy bay hoạt động đã được tập kết ở khu vực xung quanh sân bay.
Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không -Không quân đã tổ chức cuộc họp bàn phương án đánh địch trên biển. Phương tiện tác chiến là MiG -17, Trung đoàn Không quân 923 là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Bộ tư lệnh Quân chủng bố trí một tổ chỉ huy bổ trợ tại sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Hải quân, một đài quan sát tại Cửa Dinh và đặt Trạm Ra -đa 403 đối hải ở cửa Nhật Lệ, thu thập tin tình báo trên biển cung cấp cho sở chỉ huy. Ngày 18-4-1972, sau khi nghiên cứu quy luật hoạt động của địch, Bộ tư lệnh quyết định cơ động MiG -17 vào sân bay Gát. Lúc 15 giờ 45 phút, 2 chiếc MiG -17 do hai phi công kỳ cựu là Lê Hồng Điệp và Từ Đễ đã cất cánh từ Kép (Bắc Giang) bay về Gia Lâm (Hà Nội), rồi từ đó bay tiếp vào sân bay Vinh (Nghệ An). Tới đây, để đảm bảo bí mật, sở chỉ huy tiền phương điều hành cho từng chiếc một vào Gát. Hai chiếc máy bay sau khi hạ cánh đã được các nhân viên kỹ thuật kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ các mặt bảo đảm, đồng thời cất giấu vào vị trí an toàn, đợi lệnh chiến đấu.
MiG-17 tấn công hạm đội 7
Về diễn biến của trận đánh này, Đại tá Phi công Lê Xuân Dị kể lại: “Ngày 19-4-1972, tôi và Nguyễn Văn Bảy (B) được giao nhiệm vụ trực ban chiến đấu. Từ 9 giờ 30 phút, các trạm ra -đa quan sát đã phát hiện các tốp tàu địch ở xa ngoài khơi. Các sở chỉ huy không quân và hải quân, các đài bổ trợ, trạm quan sát liên tục theo dõi, bám sát các hoạt động của địch. Đến 15 giờ, một tốp 4 chiếc tàu địch đã vào đến đông đèo Lý Hòa 15km, một tốp 3 chiếc ở đông Quảng Trạch 18km. Đặc biệt, một tốp 2 chiếc đã tới Đông Nhật Lệ 7km, các tàu chiến của Hạm đội 7 nã pháo vào thị xã Đồng Hới. Cấp trên nhận định, đây là thời cơ thuận lợi để tiến công địch. Lúc 16 giờ 5 phút, tôi và Nguyễn Văn Bảy (B) được lệnh xuất kích, mỗi chiếc máy bay mang 2 quả bom dưới cánh. Chúng tôi bay đến cửa sông Gianh thì bị sương mù cản trở tầm nhìn. Chúng tôi được dẫn bay chếch về bên trái điểm cao 280, cách bờ biển Quảng Bình 10km rồi vòng phải liên lạc trực tiếp với sở chỉ huy Đồng Hới. Sau khi vượt qua cửa Lý Hòa, chúng tôi giữ độ cao 500m trên mặt biển, tốc độ 800km/h và tập trung quan sát tìm mục tiêu. Cách khoảng 10 đến 12km, biên đội nhìn thấy hai vệt sáng trắng di chuyển trên mặt biển xanh, xác định đó là 2 chiếc tàu địch đang chạy. Tôi thông báo cho sở chỉ huy đã phát hiện mục tiêu và xin phép công kích. “Cho phép công kích!” - lệnh của cấp trên vừa dứt, tôi chỉnh lại đường ngắm rồi cắt bom, cả hai quả bom nổ sát thân tàu. Vòng máy bay về, tôi còn nhìn rõ cột nước vọt lên cao. Sau loạt bom đó địch phát hiện bị MiG đánh, chúng phóng tên lửa và báo động toàn Hạm đội 7. Vì giãn cách đội hình hơi xa nên Nguyễn Văn Bảy (B) không quan sát được tôi, Bảy tiếp tục bay vòng ra phía biển. Khi bay qua cửa Dinh, phát hiện 2 tàu địch phía dưới, Nguyễn Văn Bảy (B) lập tức vòng lại công kích. Cách mục tiêu 750m, anh báo cáo về sở chỉ huy và cắt bom. Đúng vào lúc Bảy vừa cắt bom chúng tôi mới liên lạc được với nhau. Sau đó, biên đội được dẫn về hạ cánh xuống sân bay Gát lúc 16 giờ 22 phút”.
Như vậy, sau 17 phút chiến đấu, biên đội đã trở về an toàn. Theo quan sát và sự thú nhận của địch, cả 4 quả bom đều trúng mục tiêu. Hai tàu khu trục địch bị đánh hỏng, trong đó tàu Hepeer bị hỏng nặng.
Ngay sau khi máy bay ta vừa về hạ cánh, địch đã vào đánh phá dữ dội sân bay Đồng Hới. Ngày 20-4, chúng cho máy bay đánh sân bay Vinh. Và phải tới ngày 22-4, chúng mới phát hiện và tập trung đánh phá hủy diệt sân bay Gát. Một chiếc MiG -17 bị đánh hỏng, chiếc còn lại bay được về sân bay Gia Lâm hạ cánh an toàn. Biên đội sau đó đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp mặt và khen thưởng.
Sự thú nhận từ phía bên kia
Thú nhận về sự thất bại này, ngày 20-4-1972, hãng AP đưa tin: “Khoảng 6 giờ, tàu Hepeer cùng liên đội đảm nhiệm của Hạm đội 7 hoạt động ở vùng biển tỉnh Quảng Bình, Bắc Việt Nam. Hepeer là khu trục hạm vừa được Tổng thống Nixon tuyên dương vì đã vào gần vùng biển Hải Phòng cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi ngày 16 tháng 4 năm 1972. Chiếc Hepeer đang pháo kích thì MiG bay tới... Hai quả bom đánh trúng tàu, boong sau của hạm đội bốc cháy, một đoạn lớn của hông bị phá toang, ụ súng chứa đầy đạn nổ tung, tiếng la hét, kêu cứu thất thanh, quang cảnh thật buồn thảm, các khẩu pháo lớn vỡ toác như cái loa kèn. Cuộc tấn công này thật nghiêm trọng vì đây là lần đầu tiên Bắc Việt Nam dùng MiG tấn công Hạm đội 7 của Mỹ. Tin về cuộc tấn công này được loan truyền nhanh chóng trong Quốc hội Mỹ giữa lúc các nghị sĩ Mỹ đang tranh cãi về những bất đồng trong cuộc chiến tranh Việt Nam".
Bài và ảnh: Nguyễn Thành Trung