Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Đắc Biềng ...

Đầu năm 1972, đơn vị E102, F308 của tôi đã nhận lệnh và chiến đấu tại Quảng Trị, chiến trường khốc liệt nhất, nơi xảy ra những cuộc đụng đầu “nảy lửa” giữa ta và địch. Riêng tại Thành Cổ, qua 81 ngày đêm, mỗi chiến sĩ phải hứng chịu trung bình 100 quả bom và 200 quả đạn pháo.

Giữa những ngày ác liệt nhất này, tổ chiến đấu chúng tôi gồm bốn người: Phạm Văn Thặng, Nguyễn Đăng Tư, Nguyễn Đắc Biềng và tôi (thuộc C18, E102, F308) được lệnh vào Thành Cổ phối thuộc với D8, E102, F308 để chiến đấu.

Chập tối ngày 17-8-1972, trong một trận pháo kích vô cùng dữ dội của địch, khu vực đơn vị tôi tác chiến bị chìm ngập trong khói lửa. Thành Cổ lại thêm lần nữa bị cày xới, biến dạng. Tổ chiến đấu của chúng tôi trúng loạt đạn pháo khoan của địch. Cả bốn người bị hất tung lên cao, mỗi người văng ra một nơi, sau đó lại bị gạch đất vùi lấp. Ba anh: Thặng, Tư và Biềng hy sinh ngay lúc đó. Còn tôi, nghe kể lại, lúc đầu cũng đã được đếm vào số các liệt sĩ, nhưng sau thấy tôi có dấu hiệu còn sống, đơn vị bạn đã cấp cứu kịp thời...

... và ngôi mộ số 28.

Đến nay, chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, từ trong tâm khảm, tôi chưa bao giờ quên lời hứa giữa bốn anh em chúng tôi rằng: “Sau này, ai còn sống thì về nhà báo tin cho gia đình!”. Nhưng thật tiếc là: cả ba anh, tôi chỉ còn nhớ được tên, không nhớ họ và chữ đệm. Quê quán hai anh Thặng và Tư tôi cũng chỉ nhớ huyện và tỉnh, không nhớ xã. Còn anh Biềng, tôi nhớ được tỉnh mà không nhớ huyện, xã. Và cái khó thêm nữa là với cả ba anh, tôi đều không biết năm sinh và tên bố, mẹ họ... Lý do thật đơn giản: khi anh em về cùng đơn vị là trực tiếp chiến đấu ngay; cuộc chiến đấu lại quá ác liệt nên không kịp trò chuyện thăm hỏi nhau gì. phần nữa, từ bấy tới nay, 35 năm là cả mười ba nghìn ngày dài dằng dặc. Thời gian cùng bao nỗi lo toan trong cuộc sống đã làm tôi-một thương binh-giảm đi trí nhớ rất nhiều. Mặc dù khó khăn như vậy, thậm chí có lúc tưởng chừng vô vọng, nhưng nhờ kiên tâm dò hỏi và được sự giúp đỡ của rất nhiều người, nhiều cơ quan, tôi cũng đã thực hiện được lời hứa, tìm được đến tận nhà ba anh. Tôi cũng đã vào tận Nghĩa trang đường 9 (Quảng Trị) vài lần để tìm kiếm phần mộ ba anh, đã thắp được nén hương trầm kính viếng hương hồn các liệt sĩ.

Di ảnh liệt sĩ Phạm Văn Thặng ...

Làm được việc này, tôi thấy lòng mình thanh thản. Nhưng còn một điều vẫn khiến tôi day dứt mãi, không yên tâm và chính nó thôi thúc tôi mạnh dạn viết bài báo này với mong muốn nhỏ để sẻ chia, để có thể giúp ích cho gia đình nào đó, hoặc những người đang làm việc “Uống nước nhớ nguồn” có thêm phần kiên nhẫn và kinh nghiệm.

Đó là sự chưa chính xác các nội dung thông tin trong những tờ giấy báo tử và bia mộ các liệt sĩ tại nghĩa trang. Cụ thể với ba anh bạn tôi nói trên, riêng anh Nguyễn Đăng Tư, quê quán xã Yên Phong, huyện Yên Định, Thanh Hóa là chưa tìm được phần mộ (có thể anh đang nằm trong khu mộ các liệt sĩ “chưa biết tên”). Còn hai anh Thặng và Biềng, trong giấy báo tử về gia đình và bia mộ tại Nghĩa trang đường 9 đều có những thông tin sai sót rất lớn so với sự thật.

Ví dụ: Anh Thặng, họ và tên là Phạm Văn Thặng, năm sinh 1951 nhưng lại ghi là Đinh Văn Thặng, năm sinh 1948 (Sai họ và năm sinh, số mộ 171, xem ảnh 1). Anh Biềng, họ và tên là Nguyễn Đắc Biềng, quê xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng thì ghi là Nguyễn Khắc Biệng, quê xã Liên Khiết, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng (Sai chữ đệm, tên và xã, số mộ 28, xem ảnh 2). Và có một thực tế nữa là những lần vào nghĩa trang thắp hương cho đồng đội (Nghĩa trang đường 9 và nhiều nghĩa trang khác), chúng tôi lại có dịp trò chuyện với những người làm quản trang và nhiều người dân khác về vấn đề này thì đều được họ cho biết rằng: chính họ cũng đã chứng kiến một số trường hợp như vậy. Thực tế này gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các gia đình liệt sĩ khi đi tìm phần mộ người thân; đồng thời, gây tâm trạng lo lắng, không an tâm cho gia đình họ.

....và ngôi mộ số 171 có dấu X

Chúng tôi vẫn có một ước vọng là: đến một lúc nào đó, khi điều kiện cho phép (dĩ nhiên càng sớm càng tốt), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan hữu quan khác, cần có biện pháp rà soát, đối chiếu lại để chính xác hóa những thông tin về các liệt sĩ. Việc làm đó thật không đơn giản, sẽ có nhiều khó khăn và phức tạp; nó đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm xã hội cao, một thái độ làm việc rất cụ thể, tỉ mỉ và công phu. Nhưng làm được sẽ có ý nghĩa xã hội rất lớn và sâu sắc. Nếu ghi danh chính xác phần mộ các liệt sĩ, gia đình họ mới có điều kiện thuận lợi tìm kiếm di hài người thân, góp phần ổn định tâm lý và củng cố niềm tin cho người đang sống.

Bài và ảnh: NGÔ XUÂN TIÊM