Tan hoang thượng nguồn Nậm Ton
Đến tận nơi, chúng tôi nhìn thấy ở khu vực con suối Nậm Ton đổ ra sông Quàng (thuộc bản Pảo, xã Quang Phong) nước đục ngầu, đặc quánh bùn đất. Những người dân sống hai bên suối cho biết, hiện tượng trên diễn ra nhiều tháng nay do việc khai thác vàng ở thượng nguồn gây ra. Họ rất bức xúc khi nguồn nước suối Nậm Ton bị ô nhiễm nặng nề làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, phát triển sản xuất của nhân dân. Bởi từ trước đến nay, suối Nậm Ton là nguồn nước duy nhất cung cấp cho cuộc sống sinh hoạt, phát triển chăn nuôi gia súc của người dân. “Trước đây, suối rất nhiều cá, chúng tôi ở trong lán trại không phải lo đến thực phẩm hằng ngày, nhưng giờ thì không loài nào có thể sống nổi. Nguồn nước cho trâu, bò cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mùa khô đến”-ông Vi Văn H, người dân địa phương cho biết.
Nhờ người dân địa phương dẫn đường và bảo vệ, chúng tôi quyết định tiến sâu lên khu vực thượng nguồn suối Nậm Ton để tìm hiểu thực tế. Từ ngã ba trung tâm xã Quang Phong (sát với trụ sở UBND xã Quang Phong), chúng tôi đi xuyên qua bản Ca lên khu vực rừng núi, tiếp tục theo đường mòn cắt ngang những quả đồi với đất đá lởm chởm, nhiều đoạn trơn trượt. Người dẫn đường cho biết, con đường này cũng do những công ty khai thác vàng trước đây mở ra để vận chuyển máy móc. Trên mặt đường vẫn còn in dấu lốp ô tô quấn xích. “Công ty họ dùng xe tải 3 cầu để vận chuyển dầu vào khai thác vàng. Chỉ loại xe đó và xe bán tải đời cao mới "chinh phục" được con đường này”-ông Vi Văn H khẳng định.
 |
Nước ở hạ nguồn nơi con suối Nậm Ton đổ ra sông Quàng đục ngầu do khai thác vàng trái phép.
|
Vào khu vực thượng nguồn, nước suối Nậm Ton càng đục, đặc quánh, khi lội qua cảm nhận được những lớp bùn đọng lại phía dưới, thỉnh thoảng lại thấy những lớp váng dầu nổi trên mặt nước trôi về phía hạ nguồn. Lòng suối và hai bên bờ bị đào bới nham nhở, đất đá ngổn ngang. Đi ngược con suối, cảnh tượng tan hoang hiện ra rất rõ ràng, nhiều đoạn lòng suối bị móc sâu vào núi. Chúng tôi cố gắng tiếp cận một khu vực có nhóm người đang tiến hành khai thác vàng. Giữa lòng suối, một máy xúc công suất lớn đang đào đất đá phía hai bên đổ lên cỗ máy sàng. Địa điểm này được xác định thuộc khoảnh 21, tiểu khu 141 do UBND xã Quang Phong quản lý. Cắt rừng tránh nhóm khai thác vàng, chúng tôi tiếp tục đi về phía thượng nguồn Nậm Ton thì thấy rất nhiều thùng đựng dầu, sàng đãi vàng bị hư hỏng còn để lại. Đi qua khu lán trại của những đối tượng khai thác vàng, có một nhóm người đang dùng máy hàn sửa chữa sàng đãi vàng bị hư hỏng. Khi đến khu vực thuộc khoảnh 1, tiểu khu 150 do Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống quản lý, chúng tôi ghi nhận một máy xúc đang đào bới, khoét đất đá lấn sâu vào lòng núi.
Hoàn thổ hay tiếp tục khai thác?
Từ chuyến thực tế địa bàn, chúng tôi thấy rõ việc khai thác vàng ở thượng nguồn con suối Nậm Ton mà nhân dân địa phương phản ánh là hoàn toàn đúng sự thật. Chúng tôi đã làm việc với ông Vi Thái Điệp, Chủ tịch UBND xã Quang Phong để làm rõ vấn đề trên. Ông Điệp cho biết: “Từ nguồn tin do nhân dân phản ánh, cách đây mấy ngày, xã đã thành lập đoàn vào khu vực thượng nguồn Nậm Ton để kiểm tra và nhận thấy có dấu hiệu một nhóm đối tượng dùng máy móc khai thác vàng trái phép. Đoàn kiểm tra đã đình chỉ mọi hoạt động, yêu cầu các đối tượng chậm nhất ngày 13-12 phải di chuyển máy móc ra khỏi địa bàn. Tuy nhiên, vì bận nhiều việc nên hôm nay chúng tôi vẫn chưa thể vào kiểm tra lại được. Với thẩm quyền của địa phương, nếu tiếp tục kiểm tra, phát hiện khai thác vàng thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ đình chỉ hoạt động chứ không thể làm gì khác, bởi máy móc mà các đối tượng dùng để khai thác vàng trái phép là những tài sản có giá trị kinh tế lớn không thể phá hủy, cần sự vào cuộc của cấp trên”.
Ông Vi Thái Điệp cũng cho biết thêm, máy móc đang hoạt động ở thượng nguồn suối Nậm Ton là của Công ty TNHH MTV Lê Thắng (khối 1, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong) quản lý. Chỉ doanh nghiệp này mới được phép đưa máy móc vào hoạt động ở địa bàn. Bởi từ tháng 4-2017, doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép tiến hành đóng cửa mỏ và hoàn thổ mặt bằng ở khu vực thượng nguồn suối Nậm Ton. Theo kế hoạch, việc đóng cửa mỏ và hoàn thổ mặt bằng phải xong vào thời điểm tháng 9-2017. Nhưng vì nhiều lý do khách quan nên hiện tại Công ty TNHH MTV Lê Thắng vẫn duy trì máy móc, nhân công ở khu vực nói trên và để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép. Trước đó, khu vực này được cấp phép cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng tiến hành khai thác vàng và đã đết hạn vào năm 2015.
Để làm sáng tỏ vấn đề, ngày 15-12-2017, chúng tôi tiếp tục có cuộc làm việc với ông Lang Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong. Sau khi được phóng viên phản ánh, ông Minh khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo để Phòng Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra sự việc và kiên quyết có biện pháp xử lý nếu Công ty TNHH MTV Lê Thắng lợi dụng việc đóng cửa mỏ và hoàn thổ mặt bằng để khai thác vàng trái phép”. Ông Minh cho biết thêm, việc đóng cửa mỏ và hoàn thổ mặt bằng ở khu vực thượng nguồn suối Nậm Ton gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí ít, khối lượng công việc lại nhiều. Cuối tháng 10-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An lên nghiệm thu công việc nhưng thấy chưa bảo đảm yêu cầu đề ra đã giao Công ty TNHH MTV Lê Thắng phải hoàn thành công việc trong tháng 12-2017. “Khi công việc hoàn thành, chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu công ty đưa toàn bộ nhân công và máy móc ra khỏi địa bàn, đồng thời có các biện pháp để bảo đảm không tái diễn việc khai thác vàng trái phép trên địa bàn”-ông Minh khẳng định.
VIẾT LAM