Lộn xộn phố cầm đồ
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến hết quý 1-2016, trên địa bàn TP Hà Nội có 1.711 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Trong đó có 41 doanh nghiệp và 1.670 hộ kinh doanh cá thể với 2.376 người tham gia hành nghề. Cơ quan chức năng xác định, không ít cửa hàng cầm đồ là cơ sở “chìm” của các băng nhóm cho vay nặng lãi, thu nợ theo kiểu xã hội đen; đồng thời còn là nơi tiêu thụ tài sản do kẻ gian lừa đảo, trộm cắp, cướp giật.
Trong vai người cần tiền gấp, muốn cầm cố chiếc xe gắn máy đang đi, chúng tôi ghé vào một số cửa hàng trên “phố cầm đồ” Đặng Dung (quận Ba Đình) thì nhận được cái lắc đầu vì xe không giấy tờ (tôi nói mới làm mất-PV). Tuy nhiên, khi chúng tôi chuyển sang cầm chiếc iphone 6s mang theo thì mọi chuyện trở nên thật dễ dàng. Tại cửa hàng cầm đồ PL., sau khi nở nụ cười chào đón khách và vài thao tác bàn phím kiểm tra điện thoại, chị chủ liền phán: “Cầm 6 triệu đồng, lãi suất 30.000 đồng/ngày” mà không hề hỏi một câu về xuất xứ hàng.
San sát các bảng hiệu cầm đồ trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội).
Tại cửa hàng cầm đồ HP. trên đường Láng (quận Đống Đa), phố cầm đồ sầm uất bậc nhất Hà Nội, sau khi xem hàng, chủ hàng ở đây định giá chiếc iphone 6s của chúng tôi: “Hết giá 5 triệu đồng, lãi suất 4%. Sau 1 tháng không đến gia hạn sẽ thanh lý”. Như vậy là nếu đồng ý cầm, tôi sẽ phải trả 600.000 đồng tiền lãi cho khoản vay 5 triệu đồng trong vòng 1 tháng, tính ra lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày. Hơn nữa, nếu không đủ tiền chuộc đúng hạn, chiếc iphone 6s mới mua 15 triệu đồng này nghiễm nhiên bán rẻ cho chủ hiệu cầm đồ. Với lý do chưa đủ tiền lo việc, chúng tôi yêu cầu cầm chiếc xe gắn máy Lead đang đi do người khác đứng tên. Ngó qua chiếc xe, người này định giá: “7 triệu đồng. Lãi suất 7%/ngày”. Như vậy, nếu chúng tôi đồng ý với lãi suất trên, giao dịch sẽ diễn ra, đồng nghĩa với cửa hàng cầm đồ này vi phạm ít nhất 2 lỗi: Nguồn gốc tài sản không rõ ràng và lãi suất vượt quá quy định.
Vòng vèo thêm đến phố Ngọc Lâm (quận Long Biên), phố Trần Cung (quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm), chúng tôi thấy rằng số tiền vay được thường chỉ bằng 1/3 giá trị của vật thế chấp. Ngoại trừ xe gắn máy, ô tô cần giấy tờ sở hữu chính chủ, còn các tài sản khác của ai, chủ các cơ sở cầm đồ không quan tâm, miễn quy được ra “thóc”.
Theo một cán bộ điều tra, vì hám lợi nên dù biết tài sản bất chính nhưng nhiều cửa hàng cầm đồ vẫn nhận cầm cố vì những đối tượng trộm cắp thường ít biết giá trị thực của tài sản mà mình lấy được và chúng cũng không có nhiều thời gian đi “thẩm định giá” nên chủ cửa hàng cầm đồ dễ dàng “bắt thóp” để chỉ định giá thấp, sau đó nghĩ ra đủ các mánh khóe để đối phó với lực lượng chức năng. Tại một số cửa hàng cầm đồ chỉ lưu giữ các tài sản cầm cố hợp pháp, còn các loại phương tiện, giấy tờ giao dịch “chui” sẽ được cất giữ tại các kho bãi bí mật nên khi kiểm tra, lực lượng chức năng thường chỉ phát hiện, xử lý được các lỗi nhỏ, có chế tài xử lý thấp. Quá thời hạn trả lãi lẫn gốc, số tài sản này sẽ được “tuốt” lại rồi bán ra ngoài kiếm lời.
Vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra
Thông tư 33/2010/TT-BCA ngày 5-10-2010 của Bộ Công an quy định khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có, phải thông báo ngay với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý… Mặc dù pháp luật đã có những quy định rõ ràng như vậy nhưng vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra. Một số cửa hàng cầm đồ là thị trường tiêu thụ đồ cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, tiềm ẩn nhiều loại tội phạm khác.
Đại tá Lê Học Thu, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội, cho biết: Tính đến hết quý 1-2016, phòng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và công an các quận, huyện kiểm tra hành chính; rà soát, lập danh sách các cơ sở cầm đồ có biểu hiện phức tạp để quản lý chặt chẽ, chủ động phòng ngừa các loại tội phạm lợi dụng dịch vụ kinh doanh cầm đồ để làm ăn phi pháp. Qua kiểm tra đã phát hiện 75 vụ vi phạm. Trong năm 2015, phòng và công an các quận, huyện đã phát hiện 260 vụ vi phạm.
Theo Đại tá Lê Học Thu, bên cạnh các cửa hàng cầm đồ làm ăn chân chính thì còn không ít cửa hàng vì ham lợi nhuận mà cố ý làm trái quy định pháp luật. Các lỗi vi phạm phổ biến là: Không có hợp đồng, không có giấy tờ chứng minh tài sản, không có giấy ủy quyền, lãi suất cao hơn quy định, để đồ vật cầm cố ngoài địa điểm kinh doanh... Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, phát hiện kịp thời các cơ sở cầm đồ có dấu hiệu nghi vấn, góp phần ngăn chặn mầm mống gây mất trật tự an ninh xã hội.
Bài và ảnh: KIM DUNG