QĐND - Đảo không khác gì “resort” giữa mênh mông biển khơi. Màu xanh của cây cối tươi tốt bao trùm, dàn quạt gió như những chiếc chong chóng cao khổng lồ quay tít, những ngôi nhà thấp thoáng sau hàng cây... Ai nấy như quên hết mệt nhọc, tàu chưa đến gần mà cả  hai mạn tàu đã chật cứng. Không ngờ đảo đẹp thế!

Gia đình chị Chí tìm thấy niềm vui mới 'trong gia đình lớn' trên đảo Song Tử Tây.

Cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo đứng dọc âu tàu đón đoàn hân hoan. Các chị mặc áo dài đủ màu sặc sỡ, các cháu nhỏ ríu rít bên mẹ bạo dạn cười đùa với khách như đón những người thân lâu ngày không gặp. Vì say sóng nên tôi được anh chị Cần mời vào nhà nghỉ trưa. Tôi đã làm một giấc trong nhà anh chị, được đắm chìm vào một không gian trong lành mà ở thành phố không bao giờ có được. Ngôi nhà xinh xắn đầy đủ tiện nghi: Ti vi, tủ lạnh, quạt điện... Trước cửa, những hàng rau xanh mơn mởn, mồng tơi, bí xanh, rau cải... Một căn nhà gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp. Anh chị tâm sự: “Ra đây sống, giờ không muốn vào bờ. Các cháu được đến trường, được các bác, các chú trên đảo quan tâm dạy dỗ, thương yêu như con mình. Không phải lo dính vào các tệ nạn xã hội như ở đất liền. Vợ chồng tôi chỉ lo làm ăn thôi”. Anh Ngô Cần là Chủ tịch Hội cựu chiến binh đảo Song Tử Tây, vốn là người thị xã Cam Ranh. Cô con gái lớn vừa vào bờ học tiếp lớp 6. Cô út đang học lớp 1 trên đảo, học giỏi và hát rất hay. “Hết lớp 5, nếu thuận tiện thì ở lại học tiếp, không lại vào bờ học. Một số cháu về bờ học còn đứng nhất lớp. Nhiều cháu được bộ đội dạy nên mới chỉ 5 tuổi đã đọc báo vanh vách” - anh Cần tự hào.

Anh Nguyễn Hoàng Thường, nhà số 2, huyện đảo Song Tử Tây rất yên tâm: “... Các cháu ở đây không bị nhiễm thói hư, tật xấu, đấy là điều chúng tôi vui nhất. Trở về đất liền chúng luôn là những đứa trẻ xuất sắc và bản lĩnh. Các hộ dân chúng tôi luôn tối lửa tắt đèn có nhau”. Đó chỉ là một phần rất nhỏ làm nên cuộc sống mà những hộ dân tại Trường Sa này tự gọi là “cuộc sống thiên đường".

Chị Huỳnh Thị Thanh Nga, nhà số 4, đảo Sinh Tồn hồi tưởng về cuộc sống khó khăn trước đây: Sinh năm 1969, 4 mặt con, làm ăn ở Cam Ranh thất bát, anh phải kéo xe bò thuê, chị buôn bán nhỏ. “Vợ chồng bàn bạc rồi cùng cô út ra đảo Sinh Tồn. Chúng tôi không nghĩ cuộc sống ở đảo lại vui tươi, thoải mái như bây giờ. Vợ chồng tôi rất hạnh phúc” - chị Nga xúc động. Hầu hết các cặp vợ chồng trên đảo đều theo mô hình chồng đánh bắt cá ven bờ kiêm công tác xã, vợ làm nhân viên cấp dưỡng, thu dọn vệ sinh cho các đơn vị bộ đội. Chiều chiều, nếu không phải làm các công tác ở xã, những người chồng lại vác lưới xuống biển, được ít cá thì để ăn, nhiều thì chia sẻ bớt cho bộ đội. Những người vợ sáng sáng rủ nhau ra trước biển hít thở không khí, tập thể dục, trở về dọn dẹp, chăm sóc rau xanh, nuôi gà, lợn, dạy dỗ con học hành, nấu nướng. Rỗi rãi thì sang nhà nhau ngồi “tán” chuyện vui vẻ, truyền cho nhau những kinh nghiệm. Với khí hậu trung bình 21- 28 độ C, độ ẩm trên 80%, thời tiết ôn hòa, cây cối xanh tốt, phù hợp cho các loại rau xanh như: Rau muống, mồng tơi, mướp, cải ngọt, bí xanh, lợn, gà, vịt…phát triển.

Cuộc sống ở đây như một gia đình lớn. Món gì ngon họ cùng nấu nướng ăn uống với nhau và không quên biếu các chú bộ đội. Mỗi lần Tết, giỗ, các nhà lại tập hợp cùng làm cơm. Tết vừa rồi, nhà nào cũng nấu bánh chưng, bày mâm ngũ quả, đón Giao thừa cùng cán bộ, chiến sĩ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, hát ka-ra-ô-kê, hái hoa dân chủ…

“Năm ngoái, bố tôi trong Cam Ranh mất, gia đình không về được. Những người dân, cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy đảo cũng tới cùng làm bàn thờ, lập bát hương, viếng ông ngay tại đây. Tình quân dân, xóm làng thân thiết lắm. Khi cần sửa sang, xây nhà, làm giàn bầu, bí, chồng đi đánh bắt xa, chúng tôi đều nhận được sự giúp đỡ của các chú bộ đội” - chị Nga tâm sự.

Chủ tịch huyện đảo Trường Sa Nguyễn Văn Thắng, cho hay: Nay mai, những ngôi trường sẽ tiếp tục mọc lên. Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho tỉnh Khánh Hòa triển khai việc luân phiên đưa giáo viên ra Trường Sa dạy học. Chia tay các hộ dân trên huyện đảo, tôi cũng như nhiều người lại ước ao: Một ngày không xa, đảo sẽ đẹp hơn, sầm uất hơn, thật sự là “đảo ngọc - đảo vàng” giữa biển trời Tổ quốc thân thương…

Bài và ảnh: Hải Lý