 |
Phơi bánh đa nem ở Trung Hà |
Cái tên “làng bánh đa nem” có ở thôn Trung Hà mới hơn mười năm nhưng trước cảnh sầm uất của làng quê đổi mới, không ít người khi tới nơi đây cứ tưởng nghề bánh đa nem ở đây dễ phải có tới hàng trăm năm…
Người vác “cần câu vàng” về làng
Nằm ở sát đê sông Hồng, làng Trung Hà, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội) là một làng cổ mà cái đói, cái nghèo cứ dai dẳng đeo bám người dân nơi đây cho mãi tới đầu thập kỷ 90. Đất chật, người đông, làng có hơn 2.000 nhân khẩu nhưng diện tích đất canh tác vỏn vẹn bình quân mỗi đầu người chỉ được chia 4 thước, đủ để trồng rau xanh. Đó là chưa kể dòng sông Hồng vốn hiền hòa, mang nặng phù sa, nhưng mỗi khi con nước về lại trở nên hung dữ, mỗi năm cướp đi hàng chục mẫu ngô, lúa… do đất lở bờ sông. Không ít người dân Trung Hà “khăn gói quả mướp” đi khắp mọi nơi bươn chải kiếm kế sinh nhai bằng đủ nghề. Trong số đó, có anh Hoàng Văn Công, người đã mang về cho làng chiếc “cần câu vàng” bằng chính cái nghề làm bánh đa nem. Anh Đỗ Xuân Tuấn, Bí thư chi bộ Trung Hà kể lại cho chúng tôi nghe một câu chuyện thật thú vị. Năm 1990, lúc đó anh Công vừa tròn 34 tuổi, trong thời gian đi nuôi người ốm nằm viện ở Hà Nội, anh Công đã lần mò, tìm đến tận một cơ sở chuyên sản xuất bánh đa nem có tiếng ở đây. Mặc dù cơ sở sản xuất này luôn giữ kín nghề, nhưng với sự thông minh, nhanh nhẹn, anh Công chẳng những đã tiếp cận được toàn bộ “công nghệ” mà còn có bước sáng tạo.
Nhà có nghề tráng bánh đa từ lâu, anh Công vay tiền để mua sắm thêm một số phương tiện, đồ nghề như máy xay, máy khoắng bột, thùng chứa, nồi hấp, khuôn phim, khung phơi bánh… Thấy anh suốt ngày cặm cụi, mọi người xì xào bàn tán: không hiểu cái nhà anh Công làm gì? Sau một thời gian mày mò, anh đã cho ra mẻ bánh đa nem đầu tiên trong niềm vui sướng đến trào nước mắt. Thấy anh thành công, mọi người trong làng kéo đến rất đông, vừa là để chia vui, vừa muốn học hỏi. Từ hôm đó, nhà anh Công lúc nào cũng đông vui như tết. Bất kể sớm, trưa, chiều, tối, anh không nề hà, sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ bà con.
Nhà nhà làm bánh đa nem
Hiện ở Trung Hà có hơn 99% hộ gia đình theo nghề làm bánh đa nem. Ông Đỗ Xuân Tốn, một trong hàng trăm gia đình khá giả ở Trung Hà vừa mới khánh thành ngôi nhà 3 tầng khang trang nhờ làm bánh đa nem vui vẻ nói với chúng tôi: Mỗi ngày bình quân gia đình tôi làm từ 30 đến 40kg gạo, được khoảng 1,5 vạn bánh đa nem, với giá bán buôn từ 330 đến 350 nghìn đồng/1 vạn bánh. Trừ các khoản chi phí, gia đình ông mỗi ngày cũng thu lãi từ 250 đến 300 nghìn đồng (gấp hơn 10 lần so với trước). Một ngày, làng Trung Hà tiêu thụ hơn 10 tấn gạo, làm ra gần 40 triệu bánh đa nem nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường vì bánh đa nem Trung Hà vừa dẻo, vừa dai, lại thơm ngon, tinh khiết. Không những được khách hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra tận nơi cất buôn mà khách hàng quốc tế cũng rất ưa chuộng.
Làm bánh đa nem cũng lắm công phu. Quá trình sản xuất phải tuân thủ theo 5 công đoạn. Bắt đầu từ khâu mua gạo về phải chọn loại trắng, sạch, thơm, sau đó đem ngâm vào nước sạch đủ một ngày, một đêm. Công đoạn hai, cho gạo ngâm vào máy xay thành bột rồi lọc kỹ thành một loại bột tinh khiết. Công đoạn ba là nấu bột chưa chín thật với nhiệt độ từ 30 đến 40oC cho vào máy li tâm quay, khoắng đều như đánh kem, tiếp tục đưa vào lưới lọc để loại bỏ tất cả những vón cục trong bột và pha vào nước nóng vừa. Công đoạn bốn, dùng “phim” làm bằng tấm mê ca mỏng cài vào que tre như cán cờ cầm tay, khi nào được bột thì nhúng phim vào sao cho có một lớp mỏng như tờ giấy pơ-luya bám đều vào hai bên mặt phim sấy se chân cho bột khỏi bị sệ, rồi đưa vào nồi hấp chín như tráng bánh cuốn, đưa ra khung phơi khô. Cuối cùng là bóc bánh đa nem ra khỏi phim và đóng gói. Nếu pha nước nóng quá, hoặc nguội quá, bánh sẽ bị xoăn và vỡ, hay phơi ra trời nắng hanh, bánh sẽ bị giòn, dễ vỡ…
Mười năm làm nghề bánh đa nem không dài nhưng đủ cho Trung Hà thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4 triệu đồng/năm. Đi trên đường làng, lúc nào cũng nườm nượp những chuyến xe tải tới “săn bánh đa nem”…
Bài và ảnh: NGÔ VĂN HỌC