QĐND - Theo nhà sử học kinh tế Đặng Phong, trong lịch sử đoàn tàu không số huyền thoại của chúng ta, có 30 lần chạm trán địch, 11 lần phải phá hủy tàu, 93% hàng tới đích, dường như chỉ có hai lần tàu ta bị địch bắt trong tình huống không còn cách nào có thể hủy tàu. Con tàu thứ nhất bị địch bắt tại sự kiện Vũng Rô, báo chí đã nói nhiều. Còn con tàu thứ hai, tàu 198 bị địch bắt ở bến Ba Làng An (Quảng Ngãi) năm 1967, diễn biến như thế nào thì đến nay vẫn ẩn chứa nhiều bí mật. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã lần theo hồ sơ con tàu bị địch bắt và khám phá nhiều bí ẩn thú vị...
Tìm thấy hồ sơ con tàu bị địch bắt
Duyên cớ để chúng tôi có dịp tiếp cận hồ sơ về con tàu 198 thật tình cờ. Giữa tháng 9-2011, chúng tôi tìm đến Nhà máy đóng tàu Tam Bạc (Hải Phòng), tiền thân là Xưởng Đóng tàu 3, nơi đóng những con tàu sắt không số đầu tiên năm xưa. Chị Nguyễn Mai Hương, cán bộ văn phòng nhà máy, con gái nguyên Giám đốc nhà máy Nguyễn Cao Bút (ông Bút là một trong những người tham gia thiết kế tàu không số) cho biết một thông tin lạ: Cách đây hai năm, ông Đỗ Thái Bình, một kỹ sư tàu biển kỳ cựu, người từng công tác ở Bộ Giao thông vận tải những năm chống Mỹ và khá am hiểu tàu không số, đã tình cờ tìm được hồ sơ về cuộc săn đuổi con tàu không số vào tháng 7-1967, được đăng trên một tạp chí quân sự của Mỹ. Con tàu này, theo kiểm chứng của ông Đỗ Thái Bình, chính là tàu không số thứ 4 do Xưởng đóng tàu 3 sản xuất. Chị Hương còn đưa ra thêm một thông tin “gây sốc” hơn: Con tàu này hiện vẫn đang hoạt động trong vai trò một tàu vận tải, ở một đơn vị nào đó thuộc Quân chủng Hải quân.
 |
Hải quân Sài Gòn thu gom, triển lãm số lượng vũ khí lớn được cho là lấy từ tàu “Chồn Alpha”. |
Nếu việc này có thực thì đây quả là câu chuyện kỳ lạ, nói lên sức sống mãnh liệt của tàu không số. Tuy nhiên, tiếc rằng, ông Đỗ Thái Bình hiện ở nước ngoài, không thể liên hệ để hiểu cặn kẽ. May mắn còn lại, chúng tôi được nguyên bản tiếng Anh bài báo phía Mỹ viết với tiêu đề: “Chiến thắng trên sông Sa Kỳ”. Từ một nguồn khác, chúng tôi còn có trong tay tài liệu của phía hải quân Hoa Kỳ cũng về cuộc săn đuổi trên.
Người Mỹ kể lại cuộc săn đuổi
Từ hai tài liệu, có thể khái lược nội dung cuộc săn đuổi như sau:
Ngày 11-7-1967, trong khi bay tuần tra dọc biển Quảng Ngãi, máy bay tuần tra trong lực lượng tham gia Market Time (một trong những chiến dịch của Mỹ để ngăn chặn hoạt động của đoàn tàu không số - PV) phát hiện một tàu cá vỏ sắt đang chạy dọc theo bờ biển mà không có cảng nào ở gần đó. Chỉ huy chiến dịch Market Time, Charles Stephan ngay lập tức hạ lệnh cho tàu USS Wilhoite theo sát mục tiêu. Lúc này tàu cá nhanh chóng chuyển sang hướng Nam – Đông Nam. Tàu cá được phía Mỹ tạm đặt tên là “Skunk Alpha” (Chồn Alpha).
 |
“Chồn Alpha” khi bị máy bay Mỹ phát hiện, chụp hình ngoài khơi (ảnh tư liệu của Hải quân Mỹ). |
Đeo bám tiếp diễn, tới sáng tàu Wihoite đi quanh tàu cá, chụp ảnh rồi quay về phía bờ biển nhưng vẫn đặt ra-đa theo dõi sát sao tàu cá. Con tàu tiếp tục đi theo một hành trình khá “loằng ngoằng”, phức tạp.
Tới ngày 13-7-1967, vào khoảng 13 giờ chiều, “chồn Alpha” thả neo cách phía đông quần đảo Hoàng Sa 50 hải lý và cách Chu Lai khoảng 200 hải lý về phía Đông Đông Bắc. 16 giờ chiều hôm ấy, Chồn Alpha tiếp tục di chuyển và tới 23 giờ, nó đột ngột chuyển sang hướng Tây Nam. Khi cách mũi Sa Kỳ 225 hải lý, tàu cá đột ngột chuyển hướng chạy thẳng về phía bờ biển.
Ngay lập tức, một kế hoạch chặn bắt đã được Mỹ lập ra ở sở chỉ huy tại Đà Nẵng. Phía Mỹ cho rằng, tàu cá sẽ đổ bộ vào đất liền ở khu vực Sa Kỳ, phía Nam Chu Lai.
Tới hồi 13 giờ 9 phút ngày 14-7, chỉ huy chiến dịch Market Time của Mỹ quyết định cử 5 tàu gồm USS Wilhoite, USS Gallup PG 85, USS Walker DD 517, PCF-79 và USCGC Point Orient tham gia cuộc rượt đuổi và vây bắt tàu cá. Trong đó, chỉ huy tàu Wilhoite, Charles Stephen, chỉ huy trực tiếp tại hiện trường.
Càng tới gần bờ, các tàu lớn của Mỹ mất dần tín hiện ra-đa từ tàu cá. Tuy nhiên, tàu PCF-79 (tàu nhỏ) vẫn có tín hiệu và xin phép tấn công.
Tới một giờ sáng ngày 15-7, tàu cá rơi vào điểm phục kích cách bờ 5 hải lý. Ngay lập tức, tàu Point Orient bắn pháo sáng rực cả một vùng biển và một lính hải quân Sài Gòn nói oang oang qua loa kêu gọi những người trên tàu cá đầu hàng nhưng tàu cá phớt lờ cảnh báo. Tàu PCF-79 và Point Orient buộc phải bắn cảnh cáo sát mạn tàu cá. Tuy nhiên, tàu cá vẫn tiếp tục tiến thẳng về phía bờ và thỉnh thoảng bắn về sau bằng súng ở phía đuôi tàu.
Tới 1 giờ 20 phút, khi tàu cá còn cách bờ 3 hải lý và các đơn vị của Mỹ bắt đầu bắn về phía tàu cá. Khoảng năm phút sau đó, tàu cá bắn trả về phía tàu PCF 79 bằng súng máy, sau này xác định là súng 12,7mm.
Cuộc rượt đuổi tiếp tục và đột ngột, PCF-79 phát hiện rõ vị trí của tàu cá và bắn súng cối 81 về phía tàu nhưng bị trượt mục tiêu. Sau đó, vì quá sát mục tiêu, PCF-79 bắn đạn phốt-pho trắng về phía tàu cá và trúng luôn vị trí cạnh khoang điều hành. Chồn Alpha bốc cháy trong màu trắng với các đốm lửa bốc lên tung tóe. Chỉ vài phút sau đó, nó bị mắc cạn ở cửa Sa Kỳ.
Tới thời điểm này, các đơn vị pháo của Hàn Quốc đóng gần đó đã tiếp cận khu vực. Cùng với đó, tàu chiến và máy bay phản lực Mỹ bắn phá để bảo đảm an toàn cho khu vực, giúp lính thủy đánh bộ Hàn Quốc đổ bộ bằng trực thăng an toàn.
Lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc đến hiện trường lúc 7 giờ 15 ngày 15-7 và thiết lập vành đai. Các đơn vị hải quân Sài Gòn cũng cử một số tàu đến hiện trường.
 |
Hành trình rất “loằng ngoằng” của Chồn Alpha được Hải quân Mỹ vẽ lại. |
Tới trưa, Mỹ cử chuyên gia thuốc nổ Eddie Knaup lên tàu cá để vô hiệu hóa hệ thống thuốc nổ trên tàu. 4 giờ 10 phút chiều, tàu cá được kéo về Chu Lai và tới nơi lúc 8 giờ tối. Trên đường kéo về Chu Lai, gió biển khiến khoang dưới tàu bén lửa bốc cháy và Mỹ phải cử người dập lửa.
Một thủy thủ đoàn của tàu cá bị chết ngay trong khoang điều hành. Số phận của những người còn lại không được xác định.
Với kết quả này, ngay chiều hôm đó, Phó đô đốc Kenneth Veth, chỉ huy Hải quân Mỹ tại Việt Nam, đã gửi điện chúc mừng tới các đơn vị tham gia cuộc vây bắt này.
Chồn Alpha được thiết kế rất hợp với nhiệm vụ của nó. Các khoang được lót sợi thủy tinh giữa vỏ sắt và lớp bọc ngoài. Nó cũng được trang bị hệ thống bơm công suất cao và động cơ được bọc để giảm tiếng ồn. Cũng có khoảng 2000 bảng thuốc nổ TNT được đặt một cách chiến lược trên tàu để có thể tự huỷ tàu một khi không hoàn thành nhiệm vụ. Trong trận đánh Chồn Alpha, đạn cối đã tình cờ làm bung nút kích nổ nếu không, theo phía Mỹ, chắc chắn phía Mỹ sẽ thiệt hại lớn một khi Chồn Alpha phát nổ.
Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và Phó tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã trao huân chương quân công cho thủy thủ tàu PCF-79 và các thành viên khác tham gia vụ vây bắt. Một buổi lễ hoành tráng để trao huân chương cũng được tổ chức ở Đà Nẵng, ngay cạnh “Tòa nhà Voi Trắng”, tổng hành dinh của Chỉ huy hải quân.
Tàu Chồn Alpha mang theo hơn 90 tấn vũ khí và trang bị, bao gồm: gần 400.000 viên đạn cháy 7,62mm, hơn 300.000 viên 7,62mm dạng viên, 5.753 viên 12,7mm, gần 1000 viên đạn cối 82mm; súng trường, B-40, lựu đạn sát thương, lựu đạn có sức ép mạnh, thuốc nổ C-4, thuốc nổ TNT, ngòi nổ điện, dây nổ và kíp nổ, súng phòng không 12,7mm, súng máy cỡ nòng 50, gần 1000 khẩu AK-44, hơn 150 khẩu AK-56, 25 súng B-40, 9 khẩu súng máy K-53.
Theo phía Mỹ thừa nhận, việc bắt tàu không số trên đánh dấu lần thứ 8 kể từ tháng 2-1965 (sau sự kiện Vũng Rô - PV) khi Mỹ chạm trán tàu cá của Bắc Việt. Trong 7 lần trước, ba lần tàu bị phá hủy, một bị hư hại, một bị bắt và hai lần tàu đổi hướng trốn thoát.
Tuy nhiên, chính trong tài liệu của phía Mỹ cho thấy, họ dường như chưa hề phát hiện được nơi khởi phát của những con tàu không số, hoàn toàn không biết rằng nó là tàu Việt Nam đóng. Tài liệu có đoạn viết: “Tàu cá vũ trang thường dài 100 feet, vỏ sắt, do Trung Quốc sản xuất. Những tàu trên không có cờ hiệu quốc gia để xác định và thường đi “ngây thơ” ngoài phía Biển Đông, chờ đêm xuống bất ngờ tăng tốc hướng về bờ biển miền Nam Việt Nam, nơi quân giải phóng chờ sẵn”.
Vậy “tàu cá” Chồn Alpha trong cuộc rượt đuổi trên có đúng là tàu không số của ta không? Số phận của nó ra sao sau khi bị bắt? Chúng tôi sẽ giải mã câu chuyện thú vị này ở phần tiếp theo của bài này.
(Còn nữa)
Ngọc Hưng – Nguyên Minh