Năm 2007, tuyến kênh Khuê Trung-Đò Xu được đầu tư xây dựng, nằm giáp ranh giữa phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) với phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Toàn tuyến kênh dài hơn 300m, một đầu giáp đường Hồ Nguyên Trừng, còn đầu kia đổ vào hồ điều tiết Đò Xu. Tuyến kênh được xây dựng với sự kỳ vọng của người dân địa phương. Bởi bà con nghĩ rằng, tuyến kênh sẽ góp phần khắc phục tình trạng ngập úng và vấn đề thoát nước trên địa bàn sẽ được giải quyết dứt điểm. Song, "niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau một thời gian ngắn, tuyến kênh này đã bị ô nhiễm, bốc mùi xú uế, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân trên địa bàn. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay nguồn nước trên kênh Đò Xu đen ngòm, ruồi, muỗi nhiều như trấu. Đã thế, dọc hai bên kênh rác thải nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối.

Kênh Khuê Trung-Đò Xu không chỉ ngập ngụa rác thải, mà dòng nước lúc nào cũng đem ngòm, bốc mùi hôi thối.

Chị Phạm Thị Mộng Nguyên ở tổ 68, phường Hòa Cường Nam, bày tỏ: “Hơn 10 năm nay, người dân trong tổ dân phố chúng tôi phải hứng chịu mùi hôi thối bởi nước thải dưới lòng kênh bốc lên. Những hôm trở trời, các gia đình phải đóng kín cửa mà mùi xú uế vẫn xộc vào nhà. Đã thế, ruồi, muỗi như trấu; thương nhất là bọn trẻ luôn phải ngồi học trong màn nóng bức vì sợ muỗi tấn công".

Ông Nguyễn Văn Nhật, Tổ trưởng Tổ dân phố số 68, cho biết: "Từ nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm từ kênh Khuê Trung-Đò Xu ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 50 hộ dân trong tổ dân phố và thầy trò Trường THCS Nguyễn Khuyến. Từ khi xây dựng đến nay, lòng kênh Đò Xu mới chỉ được nạo vét, khơi thông một lần vào năm 2007. Nước thải, rác thải sinh hoạt lâu ngày không được dọn dẹp, khơi thông nên tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện thoại đến đường dây nóng của thành phố và Công ty Thoát nước-xử lý nước thải Đà Nẵng đã xuống xử lý bằng cách bơm chế phẩm khử mùi. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ tạm thời, một vài ngày tình trạng ô nhiễm lại bùng phát trở lại".

Chính vì khu vực này bị ô nhiễm trầm trọng, ruồi, muỗi sinh sôi nảy nở, nên năm 2017 trở thành ổ dịch sốt xuất huyết (xảy ra 3 đợt dịch). Trong những lần họp HĐND, tiếp xúc cử tri, đại diện tổ dân phố và người dân, cả chính quyền phường cũng kiến nghị với chính quyền thành phố, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước-xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết: “Trước bức xúc của người dân địa phương, phía công ty đã dùng khoáng hóa xử lý mùi trên toàn tuyến kênh. Còn tại cửa xả kênh Đò Xu cũng đã có hệ thống phun khử mùi tự động để giảm mùi hôi, nhưng chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở khu vực kênh hở. Về lâu dài, công ty đã kiến nghị với UBND thành phố đầu tư nâng cấp trạm bơm tại kênh Đò Xu để trong thời gian cao điểm, nước thải không bị tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến các hộ dân. Mặt khác, nếu UBND thành phố đầu tư làm cống hộp kín sẽ kiểm soát được mùi hôi và trên mặt bằng của cống hộp kín, thành phố có thể tận dụng để làm nhiều việc khác, tạo không gian thông thoáng hơn ở khu vực này. Tuy nhiên, vấn đề xây cống hộp kênh Đò Xu được hay không là do Sở Xây dựng tham mưu, trình UBND thành phố quyết định".

Không chỉ có tuyến kênh Khuê Trung-Đò Xu bị ô nhiễm, mà tình trạng này cũng phổ biến tại nhiều tuyến kênh hở hay cống rãnh thoát nước trên địa bàn TP Đà Nẵng. Để vươn tới mục tiêu trở thành "Thành phố môi trường" vào năm 2020, chúng tôi đề nghị UBND TP Đà Nẵng, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý dứt điểm để người dân không phải “sống chung” với ô nhiễm.

Bài và ảnh: KIM NGÂN