QĐND - Lịch sử không hiếm những câu chuyện về các nhà lãnh đạo quyền lực ngã ngựa vì bê bối tình dục. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể đến “Vụ bê bối Prô-phu-mô” ở Anh trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Vậy sau khi mọi việc đổ bể, các nhân vật trong vụ bê bối này “đi đâu về đâu”? Số phận của họ ra sao?
 |
Chrít-tin Ki-lơ, người làm khuynh đảo hệ thống chính trị nước Anh thời kỳ Chiến tranh lạnh.
|
 |
Giôn Prô-phu-mô, anh hùng chiến tranh rơi vào bẫy mỹ nhân.
|
Anh hùng chiến tranh rơi vào bẫy của người đẹp
Nam diễn viên chính của “Vụ bê bối Prô-phu-mô” đình đám một thời tên là Giôn Prô-phu-mô. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Prô-phu-mô được coi là một “anh hùng huyền thoại”, từng lăn lộn ở chiến trường Bắc Phi và I-ta-li-a. Năm 1944, ông dẫn đầu một lữ đoàn thiết giáp tham gia vào cuộc đổ bộ Noóc-măng-đi và từng tham gia đọ sức trong một cuộc chiến khốc liệt đẫm máu ở chiến trường Pháp và Đức.
Khi còn phục vụ trong quân đội, Prô-phu-mô bắt đầu tham gia chính trị. Năm 1940, ông trở thành thành viên trẻ nhất của Quốc hội khi đó. Sự kiện đầu tiên sau khi Prô-phu-mô trở thành nghị sĩ tất nhiên là việc kết hợp với hơn 30 nghị sĩ đảng Bảo thủ buộc Thủ tướng Nê-vin Sam-bơ-lanh phải từ chức, để Sớc-sin tiếp nhận. Từ đây, với thân phận anh hùng của Thế chiến thứ hai, hoạn lộ quan trường của Prô-phu-mô cực kỳ hanh thông. Năm 1960, ông được Thủ tướng Mác-mi-lan bổ nhiệm làm Bộ trưởng Chiến tranh. Khi đó ông mới 45 tuổi. Trước đó, năm 1954, Prô-phu-mô kết hôn với nữ diễn viên Valerie Hobson kém ông hai tuổi.
Cuộc sống của Prô-phu-mô khi đó có thể nói là hoàn hảo: Có danh vọng, quyền lực, vợ đẹp... Tất cả đều “thuận buồm xuôi gió” nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh với người đẹp Chrít-tin Ki-lơ trong một đêm mùa hè.
Ngày 8-7-1961, Prô-phu-mô được mời đến lâu đài Cli-đen của Thượng nghị sĩ A-xto để dự tiệc cuối tuần. Tại bữa tiệc hôm đó có rất nhiều người nổi tiếng. Trong đó, có cả Tổng thống Pa-ki-xtan A-y-úp Khan. Lúc Prô-phu-mô bước đến bể bơi, một cô gái đẹp gợi cảm không một mảnh vải che thân bất ngờ từ bể bơi lên bờ. Ngay lập tức, Prô-phu-mô bị hút hồn. Prô-phu-mô bồn chồn, tự đặt câu hỏi về danh tính của cô. Ngay sau đó, Xtê-phen Oát đã tiết lộ với Prô-phu-mô: Người phụ nữ này tên là Chrít-tin Ki-lơ, 19 tuổi, là một người mẫu. Oát là một tiến sĩ nghệ thuật tạo hình nổi tiếng ở Anh. Khách hàng của ông có cả những quan chức như Sớc-sin và An-thô-ni Ê-đen (Bộ trưởng Ngoại giao Anh). Cuộc sống riêng tư của Oát vô cùng phóng đãng và ông ta còn thích giới thiệu các cô gái trẻ đẹp xung quanh mình đến các nhân sĩ trong xã hội thượng lưu. Ông ta nổi tiếng là “kẻ môi giới” đàn bà và có những câu chuyện khủng khiếp kể về các bữa tiệc diễn ra tại căn hộ của Oát, liên quan tới nhiều nhân vật nổi tiếng. Điển hình như Rô-giơ Hô-lít, lãnh đạo cơ quan mật vụ Anh (MI-5) lúc đó cũng là vị khách thường xuyên tới thăm viếng căn hộ của Oát và các cô gái của ông ta. Sự xuất hiện của Ki-lơ chính là theo sắp xếp của Oát nhằm chiêu dụ tùy viên hải quân Nga Y-ép-ghê-nhi I-va-nốp nhưng người đẹp này như thỏi nam châm, hút luôn cả Prô-phu-mô.
Sự việc đổ bể vì tên trùm buôn ma túy
Sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, Ki-lơ và Prô-phu-mô còn có nhiều lần hẹn hò nhau. Không lâu sau, thư ký Nội các No-man Brốc yêu cầu Prô-phu-mô chấm dứt mối quan hệ với Ki-lơ.
Chuyện tình ngoài hôn nhân của Prô-phu-mô ngay từ đầu đã bị Cơ quan Tình báo quân sự Anh để ý. Ban đầu câu chuyện bí mật này tuy không đủ sức gây chú ý cho các quan chức cao cấp như thủ tướng lúc đó là Mác-mi-lan nhưng vấn đề là ở chỗ, tình báo quân sự phát hiện thấy thân phận của Ki-lơ vô cùng phức tạp, cần theo dõi.
Ki-lơ sinh năm 1942, 15 tuổi bỏ trốn khỏi nhà và bắt đầu làm người mẫu ở Luân Đôn. 17 tuổi, cô sinh một bé trai nhưng chỉ sống được 6 ngày. Cha đứa trẻ là một phi công trong Không quân Hoàng gia. Sau đó, cô ta làm vũ nữ thoát y tại một câu lạc bộ ở Luân Đôn. Chính tại nơi này, Ki-lơ đã quen Oát và cùng ở với ông ta. Nhưng từ đầu đến cuối, Ki-lơ vẫn khẳng định rằng quan hệ giữa cô với Oát chỉ như anh em. Trên thực tế, trong khi đồng thời quan hệ với Prô-phu-mô, Ki-lơ còn duy trì mối quan hệ bất hợp pháp với nhiều người đàn ông khác. Chính trong đêm Prô-phu-mô gặp Ki-lơ lần đầu tiên, Ki-lơ đã cùng với Y-ép-ghê-nhi I-va-nốp đi ra khỏi lâu đài. I-va-nốp là một tùy viên hải quân Đại sứ quán Liên Xô ở Luân Đôn và đáng chú ý hơn, ông ta là một điệp viên.
Trong những người tình của Ki-lơ, có cả hai tên trùm buôn ma túy. Ki-lơ muốn cắt đứt quan hệ với một trong hai tên đó là Giôn-ni Ét-giê-com-bê, làm cho tên này vô cùng tức giận. Hắn tìm đến nơi ở của Ki-lơ và bắn nhiều phát vào căn hộ của cô ta. Ki-lơ còn đề nghị chấm dứt quan hệ với một tình nhân khác làm buôn bán ma túy ở Gia-mai-ca tên là Go-đơn. Hắn cũng phản ứng rất dữ dội. Để trút giận lên Ki-lơ, Giôn-ni đã tìm đến Go-đơn và hai người này xảy ra ẩu đả. Go-đơn phải nhập viện với vết thương khâu 17 mũi. Giôn-ni biết mình đã gặp rắc rối lớn nên nhờ Ki-lơ giúp tìm luật sư. Không ngờ, Ki-lơ cự tuyệt, còn tuyên bố rằng, nếu ra tòa án, sẽ làm chứng chống lại anh ta. Giôn-ni nổi giận đùng đùng, lại một lần nữa đến trước nhà Ki-lơ nổ súng. Sau đó, hắn bị cảnh sát bắt giữ.
Sự việc này làm cho mối tình tay ba của họ thu hút sự chú ý của giới truyền thông Anh. Phóng viên các báo lá cải vô cùng hứng thú, thêm thắt tình tiết cho câu chuyện thêm ly kỳ. Trong khi điều tra, cơ quan an ninh Anh phát hiện Ki-lơ còn có quan hệ với cả Bộ trưởng Chiến tranh Giôn Prô-phu-mô của Chính phủ Anh và ông Y-ép-ghê-nhi I-va-nốp, một nhân viên tình báo Nga đang làm việc trong Sứ quán Nga tại Luân Đôn. Câu chuyện Bộ trưởng Chiến tranh Anh với gián điệp Liên Xô cùng chung một tình nhân đã làm cho dư luận nóng hơn bao giờ hết, dân chúng Anh vô cùng sốc.
Điên đầu với giới truyền thông, tháng 3-1963, Prô-phu-mô đã phải điều trần trước Hạ viện. Ông đã nói dối các nghị sĩ để bảo vệ tình yêu và danh tiếng. Nhưng dưới áp lực của dư luận, đến tháng 5, Prô-phu-mô thừa nhận đã nói dối và đến ngày 5-6 thì xin từ chức. Vụ bê bối của Bộ trưởng Chiến tranh đã làm suy yếu chính phủ Mác-mi-lan một cách trầm trọng và cuối cùng dẫn đến sự từ chức của thủ tướng (với lý do sức khỏe) vào tháng 10-1963.
Sau vụ bê bối, họ đi đâu về đâu?
Tình nhân từ chức, thủ tướng sụp đổ, Ki-lơ lại nổi tiếng hơn bao giờ hết. Trong khi dư luận đang xôn xao, một công ty điện ảnh quyết định làm bộ phim về “xcăng-đan Ki-lơ”. Trong chiến dịch quảng cáo cho bộ phim, Ki-lơ chụp một bức ảnh khỏa thân hoàn toàn, ngồi trên ghế sao cho tất cả những phần quan trọng của cơ thể bị che đi. Lúc bấy giờ, “xcăng-đan Ki-lơ” không được phép công chiếu ở Anh. Nhưng cuối cùng, đến năm 1989, bộ phim đã được đưa ra rạp chiếu phim. Năm 2001, Ki-lơ xuất bản cuốn tự truyện “Sự thật cuối cùng: Câu chuyện của tôi”. Trong truyện đã nhắc đến nhiều tình tiết đáng kinh ngạc, ví dụ lãnh đạo MI5, Rô-giơ Hô-lít là gián điệp Liên Xô; Xtê-phen Oát từng hoạt động trong một đường dây gián điệp của Liên Xô. Ông ta yêu cầu Ki-lơ thu thập thông tin từ Prô-phu-mô về việc đặt đầu đạn hạt nhân tại Tây Đức. Ki-lơ cũng tiết lộ rằng, Oát đã buộc cô gửi thư tới Đại sứ quán Liên Xô và từng tìm cách sát hại cô khi đang lướt ván vì sợ cô sẽ bán đứng anh ta. Ki-lơ còn cho biết cả Oát và bản thân cô bị coi như tấm bình phong cho giới quyền lực, những người muốn sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để tập trung vào khía cạnh mang tính chính trị của câu chuyện nhằm che giấu một lỗ hổng nghiêm trọng về an ninh của nước Anh...
Mãi về sau này, khi đã 68 tuổi, nữ điệp viên mới thừa nhận với công luận rằng: Thời điểm đó, bà là tình nhân của cả Prô-phu-mô lẫn Y-ép-ghê-nhi I-va-nốp và là điệp viên hai mang. “Tôi đã đồng ý làm gián điệp đúng vào thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng về tên lửa ở Cu-ba đầu năm 1962. Tôi đã cung cấp đều đặn các tài liệu cho Sứ quán Liên Xô ở Luân Đôn”, “Khi ấy, thậm chí tôi đã lấy được tin từ Bộ trưởng Prô-phu-mô về ngày giờ chính xác kế hoạch trao các đầu đạn hạt nhân của người Mỹ cho Cộng hòa Liên bang Đức”… Ki-lơ tiết lộ.
Hiện nay, Ki-lơ sống chủ yếu nhờ vào khoản cho thuê một phần diện tích ngôi nhà khiêm nhường của mình ở ngoại ô phía Bắc Luân Đôn. Prô-phu-mô vì vụ việc xấu hổ này, sau khi từ chức đã làm tình nguyện viên trong một tổ chức từ thiện. Sau đó, ông làm giám đốc của tổ chức từ thiện khác. Ông tham gia hoạt động từ thiện với hy vọng khôi phục lại danh tiếng sau sự thất bại trong chính trường. Với những thành tích trong lĩnh vực từ thiện, năm 1975, ông được bổ nhiệm làm “Tư lệnh Đế chế Anh” (CBE) và vào năm 1995, ông được mời đến tham dự bữa ăn tối mừng sinh nhật lần thứ 70 của cựu Thủ tướng Ma-ga-rét Thát-chơ. Năm 2006, Prô-phu-mô qua đời ở tuổi 91.
Hậu quả thảm hại nhất vẫn thuộc về người mai mối. Sau vụ bê bối tình dục trên, Oát đã bị cảnh sát bắt với tội danh “môi giới mại dâm” và điều hành nhà thổ bất hợp pháp. Từng người tình cũ của ông ta đã xuất hiện tại tòa án để làm chứng chống lại ông ta, trong đó có cả Ki-lơ. Tại phiên tòa, Ki-lơ đã trình bày khá chi tiết về mối quan hệ giữa cô với Oát. Một ngày sau khi kết thúc phiên tòa, trong trại giam, Oát đã uống một lượng lớn thuốc ngủ để tự vẫn. Ngày 3-8-1963, ông ta mang theo sự xấu hổ rời khỏi thế giới. Có ý kiến cho rằng, Oát còn là một nghệ sĩ tài năng, nhiều gia đình Hoàng gia Anh vẫn còn lưu lại rất nhiều bức tranh của ông ta. National Portrait Gallery hồi đó còn trưng bày bức chân dung Ki-lơ có bút tích của ông ta.
Tùy viên hải quân I-va-nốp thì bị triệu hồi về Mát-xcơ-va ngay sau khi sự việc bị phanh phui. Sau này, ông cũng tiết lộ: “Cả hai chúng tôi đều cảm mến nhau, Chrít-tin rất yêu tôi”. Và theo ông, chính vì vậy mà ông lấy được những thông tin tuyệt mật tầm cỡ an ninh quốc gia của Anh.
Năm 2010 vừa qua, Chrít-tin và I-va-nốp đã gặp lại nhau ở Mát-xcơ-va. Lúc bấy giờ, nữ điệp viên Chrít-tin đã 68 tuổi, sau 2 cuộc hôn nhân tan vỡ đã có 2 người con trai. Còn cựu tùy viên hải quân Nga E.I-va-nốp nay cũng đã 74 tuổi, với mái tóc bạc trắng và vẫn sống độc thân. Cả hai đã ôn lại quá khứ của hơn 40 năm về trước. Nhiều người cho rằng đây là một cái kết có hậu.
Hồng Nhung (Theo Tân Hoa)