QĐND - Rừng ngập mặn Tuần Lễ thuộc xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) là khu rừng bần cổ thụ vào loại quý hiếm ở nước ta. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tình trạng người dân chặt phá rừng làm nhà và làm đầm nuôi tôm đã khiến hàng chục héc-ta rừng bị tàn phá.
Thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ không chỉ nổi tiếng với đặc sản dừa, mà còn có cánh rừng ngập mặn với nhiều cây bần cả trăm năm tuổi, thân to tới hai người ôm. Thế nhưng, giờ đây số cây bần như thế này còn sót lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hàng trăm ngôi nhà kiên cố và những con đường ngang băng qua đầm tôm đã và đang làm cho diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn bị thu hẹp. Điều đáng lo ngại là việc lấn chiếm đất rừng diễn ra công khai, nhà này lấn được, nhà khác cũng lấn theo. Không những thế, người dân còn trồng dừa xen lẫn với cây bần, khiến cho những cây bần còn lại đều bị chết dần chết mòn từng ngày.
Bà Ngọc Diễm ở thôn Tuần Lễ cho biết: “Trước đây, rừng ngập mặn phát triển rất tốt, nguồn lợi hải sản và các loại chim, cò về đây sinh sống, trú ngụ đông đúc. Thế nhưng, từ ngày phong trào nuôi tôm phát triển thì khu rừng bị xâm chiếm, nước thải từ các đìa tôm làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện nay, nguồn lợi hải sản ở khu vực này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, các loại chim, cò cũng ít về hơn, vì có về cũng chẳng còn nơi trú ngụ”.
 |
Đầm tôm lấn chiếm đất rừng ngập mặn Tuần Lễ.
|
Được biết, để bảo vệ rừng ngập mặn Tuần Lễ, năm 2001, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao trách nhiệm cho huyện Vạn Ninh và xã Vạn Thọ tiến hành trồng và bảo vệ khu rừng. UBND huyện Vạn Ninh cũng đã lập bản đồ quy hoạch 20ha, phân vùng, kiểm kê số cây còn sống và treo biển để quản lý. Ngày ấy, UBND huyện chỉ đạo phá bỏ các đường ngang để nước thủy triều vào trong rừng và giao cho các hộ dân trong thôn quản lý rừng, dưới hình thức mỗi hộ 0,5ha với mức hỗ trợ chăm sóc là 40.000 đồng/tháng. Thế nhưng, không hiểu vì sao việc làm trên chỉ được duy trì vài năm rồi không ai còn mặn mà triển khai nữa. Còn phía UBND xã Vạn Thọ cũng đã thành lập 6 tổ bảo vệ rừng với hơn 30 người (chủ yếu là người dân), mỗi năm cấp 18 triệu đồng kinh phí cho các tổ hoạt động. Thời gian đầu, các thành viên tổ bảo vệ rừng còn hoạt động tích cực nhưng sau đó nhạt dần. Nguyên nhân được ông Nguyễn Ngọc Thông, cán bộ địa chính xã Vạn Thọ, cho rằng: “ Do mức thù lao quá thấp nên không hấp dẫn được các thành viên đội bảo vệ. Hơn nữa, thành viên đội bảo vệ cũng chẳng được quy định quyền hạn cụ thể trong xử lý khi phát hiện sai phạm. Nên khi biết người dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng để làm nhà, trồng dừa, chúng tôi không thể xử lý được. Mỗi ngày họ đổ một vài thúng đất, rồi lén lút dựng lều nên rất khó theo dõi. Đến khi họ xây nhà kiên cố, chính quyền có biết cũng đành chịu”.
Ông Mai Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, cho rằng: Khu rừng ngập mặn Tuần Lễ là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là rừng bần cổ thụ duy nhất còn sót lại ở Việt Nam. Cùng với đó, rừng ngập mặn Tuần Lễ có vai trò rất quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn xâm thực, giữ nước ngọt, chắn sóng và gió bão… Đây cũng là cái nôi để cho các loại thủy sinh trú ngụ sinh sản. Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần khẩn cấp có phương án bảo vệ rừng ngập mặn Tuần Lễ.
Còn theo ông Lê Văn Khải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh: “Trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn Tuần Lễ là của chính quyền xã Vạn Thọ. Theo tôi, để bảo vệ khu rừng này, các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu quy hoạch một khu tái định cư để di dời số hộ dân này đến nơi ở mới. Có như vậy, rừng ngập mặn Tuần Lễ mới tránh được tình trạng bị lấn chiếm, hủy hoại”.
Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN – MẠNH HÙNG