QĐND - Vào những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10-2014, ở phường Phong Khê, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) lại tái diễn tình trạng một số doanh nghiệp, xí nghiệp, hộ dân sử dụng rác thải để đun lò hơi sản xuất giấy, làm cho không khí và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng...

Hiện nay, phường Phong Khê, TP Bắc Ninh không chỉ bị ô nhiễm không khí mà nguồn nước (nước mặt và nước ngầm) cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguyên nhân là do nước thải từ những cơ sở sản xuất giấy. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn đều không có hệ thống xử lý nước thải, mà xả nước thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê. Nguy hại hơn, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận nên đã sử dụng các loại rác thải như: Vải cũ, tấm nhựa, cao su, chất dẻo… để đốt lò hơi sản xuất giấy.

Hàng chục tấn rác thải đang bị thu giữ tại UBND phường Phong Khê

Ông Phạm Đại, ở khu Dương Ổ, phường Phong Khê, cho biết: “Trước kia, các hộ sản suất dùng than, củi để đốt lò hơi, người dân chúng tôi còn chịu được. Thế nhưng mấy năm gần đây, một số doanh nghiệp, hộ sản xuất đã tận thu rác thải để đốt lò hơi, nên môi trường ở đây đã ô nhiễm nay ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Vì sợ khói độc hại, nên ngày nào gia đình tôi cũng phải đóng kín cửa, không khí ngột ngạt, nhưng không còn cách nào khác. Mấy đứa cháu của tôi thường xuyên bị bệnh đường hô hấp, quấy khóc suốt ngày!".

Bà Đào Thị Hòa, nhà ở cạnh doanh nghiệp sản xuất giấy Quang Vinh, buồn rầu: “Hằng ngày, khí thải từ lò hơi sản xuất giấy phả ra vô cùng khó chịu. Bố chồng tôi đã 96 tuổi và hai con trai tôi bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe đã yếu nay lại phải sống trong môi trường ô nhiễm nên chúng tôi rất bức bối, khó chịu...”.

Bãi rác thải nằm trong khu vực dân cư ở phường Phong Khê, gây ô nhiễm môi trường

Ông Nguyễn Văn Toán, Trưởng khu Dương Ổ, phường Phong Khê ngậm ngùi: “Đúng là có tình trạng một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã sử dụng rác thải như: Giẻ rách, vải vụn, phế liệu cao su… để đốt lò hơi. Đây là hành động cố tình gây ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, trên địa bàn có không ít hộ dân bỏ hoang ruộng, không trồng lúa nữa vì nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng, năng suất rất thấp. Đã có hơn 40ha đất nông nghiệp trên địa bàn bị bỏ hoang…”.

Chỉ tính riêng trong tháng 9-2014, UBND phường Phong Khê đã tiến hành xử lý 7 trường hợp ô tô vận chuyển rác thải và 3 cơ sở sản xuất giấy vi phạm; thu giữ 32 tấn rác thải và xử phạt hành chính 4 cơ sở sản xuất giấy không đúng quy định với số tiền 11 triệu đồng. Thế nhưng, trong những ngày đầu tháng 10-2014, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy ở đây lại tái diễn tình trạng đốt rác thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Công văn số 82/TB-UBND ngày 2-10-2014 về việc xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê. Tiếp đó, ngày 7-10-2014, UBND TP Bắc Ninh ra Quyết định số 2513/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất còn lưu giữ, sử dụng rác thải công nghiệp tại phường Phong Khê…

Theo ông Nguyễn Văn Chuyển, Chủ tịch UBND phường Phong Khê, Phong Khê có tới hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở với 232 lò hơi để sản xuất giấy. Mấy ngày vừa qua, địa phương đã thu giữ hàng chục tấn rác thải và tạm giữ 3 ô tô vận tải chở rác thải, thế nhưng việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây vẫn rất khó khăn, có những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Đại Đồng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chế tài cụ thể, thậm chí sẽ có biện pháp đình chỉ có thời hạn, phạt tiền, cắt điện… đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về môi trường. Để giải quyết nguồn nước thải trong quá trình sản xuất giấy, năm 2013, UBND tỉnh đã triển khai dự án xử lý nước thải tập trung ở Phong Khê với công suất 10.000m3 nước thải/ngày đêm…”.

Đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh tiếp tục vào cuộc, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm và có giải pháp phù hợp để bảo vệ môi trường, giúp làng nghề phát triển bền vững.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI