Xa xưa, hồ Tây và hồ Trúc Bạch là một. Về sau, người ta đắp một con đường từ Yên Phụ xuống gọi là đường Cố Ngư (chắn vững). Đến năm 1960, được đổi là đường Thanh Niên.
Thăng Long-Hà Nội có ba hồ vào loại đẹp nhất là Hoàn Kiếm, hồ Tây và hồ Trúc Bạch, được ca ngợi là những viên ngọc.
Về cảnh quan mà nói, hồ Tây và hồ Trúc Bạch xứng đáng là những danh thắng (sites) đáp ứng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của UNESCO là:
1) Có phong cảnh đẹp
2) Có bàn tay con người tô điểm
3) Có nhiều huyền tích, chuyện kể hấp dẫn về lịch sử và văn hóa.
Hồ Trúc Bạch đã bị mất đi một cái gò đẹp gọi là gò Mơ Phượng, do nhân dân vô ý thức phá đi rồi xây nhà ở lên. Ngay đấy, về phía Bắc là hành cung của chúa Trịnh Doanh, rồi biến thành nơi ở và nghỉ ngơi của các cung phi, mỹ nữ đã hơi luống tuổi, nhan sắc có phần đã bị tàn phai. Mặc dầu họ vẫn là những mỹ nữ có tài cầm, kỳ, thi, họa. Một số cung phi có sai sót nhỏ cũng được ra đây lao động. Bao quanh là những vườn trúc xanh, những lầu, tháp, cung điện. Nơi đây có trồng nhiều cây trúc. Các người đẹp một thời phải lao động và tự kiếm sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Những vuông lụa do những bàn tay ngọc ngà làm ra được gọi là lụa làng Trúc (bạch là lụa) và cái tên Trúc Bạch được khai sinh.
 |
Hòn đảo trên hồ Trúc Bạch, nơi có đền Cẩu Nhi. Ảnh: ĐỨC TOÀN |
Trong thời gian chống Mỹ, một tên phi công Mỹ đã phải nhảy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch, bị dân quân Yên Phụ và Ngũ Xã tóm gọn. Hồ Trúc Bạch còn đẹp hơn nữa là giữa hồ có hòn đảo nhỏ, cây cối um tùm và dưới các vòm cây là đền Cẩu Nhi. UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định tu tạo lại di tích đền Cẩu Nhi cổ kính.
Đền Cẩu Nhi có thờ một con chó con huyền thoại. Khi vua nhà Lý dời đô ra Thăng Long, Ngài có một giấc mơ đẹp: “Một con chó mẹ sinh ra một chú cún con rất xinh”. Ngài kể lại giấc mơ cho triều thần. Câu chuyện lan rộng khắp nơi. Một số người tu sửa lại ngôi đền trên đảo của hồ Trúc Bạch ở trạng thái phế tích, vốn là đền thờ thần Cá và Mẫu Thoải. Người ta đặt con chó đá vào đền để thờ, thể hiện giấc mơ của Vua.
Thế rồi, theo kiểu dân gian, người ta thờ tất cả. Có người thắp hương xin thần Cá và Mẫu Thoải phù hộ độ trì cho mình và tiện thể cũng thắp hương cúng thần Cẩu Nhi (chó con). Có nhiều chị em lại xin thần Cẩu Nhi ban cho mình “chú cún con” để có người nối dõi tông đường. Nên nhớ, ở nông thôn, người ta nựng con: “Ôi con cún của mẹ”.
Hồi nhỏ, chừng những năm 1942-1943 (thế kỷ XX), tôi có được đến chơi bên đền Cẩu Nhi. Đền nằm trong vạt cây cối um tùm. Đền xây hình chữ nhật, giản đơn như những miếu thờ phổ thông ở khắp nơi. Đằng sau bệ thờ bịt kín. Mái đền cong, có câu đối, hoành phi. Trên bàn thờ có đèn, nến, bát hương, bài vị, lọ cắm hoa, cắm hương và vài pho tượng nhỏ. Ngoài là chiếc mành có vẽ rồng, hổ, mây, nước, luôn ở tư thế buông xuống. Khói, hương nghi ngút.
Một vài bà mang hương, hoa, oản, chuối đứng bên hồ, gọi sang phía đảo: “Bà Đền ơi!... cho chúng tôi sang lễ Thánh”. Có tiếng trả lời từ đền Cẩu Nhi ra: “Vâng, tôi sang đây!”. Bà Lý Nghênh là bà từ của đền Cẩu Nhi bơi thuyền ra, đưa khách vào lễ đền. Cái cảnh đón người sang lễ đền này đầy nét đẹp và hiếm có. Các bà, các cô đi lễ thường là những người đánh cá, tôm, mò cua, bắt ốc quanh năm. Nhưng cũng có lúc họ rảnh rang, mặc áo dài, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, xúng xính vào đền Cẩu Nhi. Họ gặp nhau, tay bắt mặt mừng.
Tôn tạo, xây dựng lại hồ Trúc Bạch và đền Cẩu Nhi là trả lại cho văn hóa dân gian cái giá trị tâm linh to lớn và thâm trầm.
Hạnh phúc của người Hà Nội là được đóng góp công sức của mình làm cho Hà Nội ngày càng đẹp hơn...
LÝ KHẮC CUNG